Trang chủ » Chưa phân loại » LÀNG PHÚ LỄ

LÀNG PHÚ LỄ

  PHÚ LỄ: LÀNG QUÊ YÊU DẤU

 TRẦN BÁ THOẠI

 Khoảng trung lưu, bên bờ bắc sông Bồ có một làng quê văn vật: làng Phú lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Làng Phú Lễ như một rẻo đất hình thang, bắc giáp làng An Lỗ và Hiền Lương, đông nam giáp làng Cổ Tháp và Lai Xá, nam giáp làng Hạ Cảng và Đồng Bào riêng tây nam là sông Bồ. Vì vị thế là một vùng đồng bằng lúa nằm sát cạnh con sông trong xanh thơ mộng, người Phú Lễ có một đoạn thơ lục bát “bút tre” giới thiệu về làng mình:

Phú lễ, Quảng phú, Quảng điền,

Quê tôi nắng đẹp, gió hiền, nước trong.

Bao giờ anh thấy thong dong,

Mời anh về nghỉ trong lòng quê tôi.

 1.Lai lịch cái tên làng

Những năm đầu Công nguyên vùng đất Thừa Thiên Huế ngày nay thuộc

quận Nhật Nam là quận phía nam cuối cùng của bộ Giao Chỉ. Cư dân bản địa đã sát cánh cùng nhân dân Giao Chỉ hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nạn Bắc thuộc.

Nước Lâm Ấp thành lập cuối thế kỷ thứ II bành trướng ra phía bắc và đất Thừa Thiên Huế lại bị Lâm Ấp kẹp sát với Giao Châu, sau này Lâm Ấp chiếm luôn và dùng mảnh đất này làm bàn đạp để bành trướng lên phương bắc. Từ cuối thế kỷ thứ IV đến đầu thế kỷ thứ VII, trên dải đất chạy dài từ đèo Ngang qua đến phía nam đèo Hải Vân chiến tranh xẩy ra liên miên giữa Lâm Ấp với các triều đại Tấn, Tống, Tùy của Trung Hoa.

Khoảng thế kỷ thứ VIII nước Lâm Ấp chuyển đổi thành Vương quốc Chăm-pa; đất Thừa Thiên Huế nằm trong Chăm-pa được yên bình phát triển trong gần 350 năm từ thế kỷ thứ VII cho đến thế kỷ thứ X.

Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIV tình hình chính trị Chăm-pa rất bất ổn, chiến tranh liên tiếp xẩy ra: phía nam đánh với quân Chân Lạp, phía bắc đánh với quân Đại Việt mới ra đời.

Năm 1069 vua Chăm-pa là Chế Củ đem quân quấy phá Đại Việt; vua Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt đem thủy quân tiến đánh Chăm-pa chiếm kinh đô Vijaya và bắt sống được Chế Củ. Để chuộc mạng Chế Củ đã dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chánh-chạy dài từ sông Gianh đến sông Cửa Việt-và từ năm 1073 đến 1126 vương quốc Chăm-pa vẫn hằng năm sai sứ sang Đại Việt triều cống để cầu hòa.

Năm 1306 vua Chế Mân dâng lễ vật là hai châu Ô và châu Lý- vùng đất từ Thừa Thiên Huế vào đến bờ bắc sông Thu Bồn- để xin cưới công chúa Huyền Trân. Sau khi Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa lại quay trở về quê hương Đại Việt, vì thế các vị vua kế vị Chế Mân sau này lại đem quân đánh phá Châu Thuận, Châu Hóa để dành lại đất, khiến các vua Trần phải ra tay đánh dẹp nhiều lần.

Đến thế kỷ thứ XV, Hồ Hán Thương (con Hồ Quý Ly) cho sửa chữa đường Thiên Lý từ Tây Đô (Thanh Hóa) vào đến Châu Hóa nhờ đó Thừa Thiên Huế có những chuyển biến tích cực, số người di dân từ phía bắc vào định cư tăng lên rõ rệt.

Sau khi nhà Hồ bị giặc Minh đánh bại, vua tôi bị bắt giải về Tàu, nước Đại Việt rơi vào tay nhà Minh. Năm 1407 cuộc khởi nghĩa chống quân Minh do Trần Ngỗi, Giản Định Đế, lãnh đạo bắt đầu từ Nghệ An. Cuộc khởi nghĩa kéo dài được 6 năm thì thất bại, Đại Việt vẫn bị nhà Minh đô hộ.

Năm 1418 Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn; sau khi đánh đuổi quân Minh vua Lê Thái Tổ cho các trọng thần vào trấn thủ đất Thuận Hóa, nhưng quân Chiêm Thành phía nam vẫn thỉnh thoảng tiến ra quấy phá.

Năm 1470 vua Chiêm Thành là Bàn Trà Toàn kéo đại quân đến 10 vạn tên ra đánh Châu Hóa; chính vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đưa đại quân đánh Chiêm Thành, bình định phương Nam, bắt sống Trà Toàn đem về Đại Việt. Làng Phú Lễ được thành lập vào khoảng thời gian này, lúc đầu làng có tên là Bái Đáp- theo từ Hán Việt: Bái là lạy, Đáp là đền ơn. Vào năm 1555, làng Bái Đáp được ghi vào sách “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An. Dựa theo tên làng tác giả làm một câu đối để tán dương:

“Phong tục Bái Đáp chuộng lễ,

Thói làng Dũng Quyết háo cương”

Dưới triều vua Minh Mạng một công dân “khoa bảng” của làng Bái Đáp là Trương Văn Uyển, đỗ Cử nhân 1821, làm quan Án Sát Quảng Nam, Bố Chánh Quảng Ngãi, Tổng Đốc Định Tường và Vĩnh Long (nay tại đây còn đền thờ), Tuần Phủ Bắc Ninh và Tổng Đốc Ninh Thái (một vùng phía Bắc), đã dâng sớ lên nhà vua xin đổi tên làng thành Phú Lễ- theo từ Hán Việt: Phú là giàu có, Lễ là lễ nghĩa, thật ra lúc đầu tên làng được đề  xuất hơi dài là Phú Nhi Hiếu Lễ, được vua Minh Mạng đồng ý và làng đã giữ tên Phú Lễ từ đó đến ngày nay.

2. Phú Lễ, một làng quê văn vật

@ Phú Lễ cùng với những thăng trầm của đất nước.

 Những mốc lịch sử đáng ghi nhớ:

*Cuối năm 1774 khi quân Chúa Trịnh tiến đánh Phú Xuân của Chúa Nguyễn, đoàn quân đã vượt qua sông Bồ  khoảng lưu vực làng Phú Lễ.

*Năm 1788 vua Quang Trung (Nguyễn Huệ lên ngôi) đích thân đốc quân đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long, vô số trai tráng trong làng nhập ngũ tòng chinh và đoàn đại quân cũng vượt sông Bồ thẳng tiến ra Bắc.

*Triều Nguyễn bắt đầu từ năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi với vương hiệu Gia Long, là lúc nhiều nhân sĩ trí thức trong làng ra làm việc nước.

+Đầu tiên phải kể đến vị quan nổi tiếng Trương Văn Uyển, đã làm quan nhiều nơi: Án Sát Quảng Nam, Bố Chính Quảng Nghĩa, Tổng Đốc Định Tường và Vĩnh Long, Tuần Phủ Bắc Ninh, Tổng Đốc Ninh Thái..; Ông là người “khai sinh” tên làng qua việc dâng sớ xin vua Minh Mạng đổi tên từ Bái Đáp thành Phú Lễ. Khoảng từ 1836 đến 1848 Tổng đốc Trương Văn Uyển đã quyên góp tiền lộc, của cải để tu bổ đình, chùa làng, đúc chuông cúng dường …Hiện nay trên chuông cổ trong chùa làng Phú Lễ- chùa Quang Bảo còn khắc ghi:

Tự Đức nguyên niên thập nhị nguyệt nhị thập nhật.

Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Ninh Thái

Tổng đốc quan phòng Trương Văn Uyển tạo cúng.

Kích thước chuông cũng được ghi rõ:

Phú Lễ tự chung

Cao 2 thước 6 tấc 5 phân

Lưng tròn 3 thước 1 tấc

Tĩnh trọng 180 cân dư.

Bài văn đầy đủ khắc trên chuông đã được dịch và in trên sách “Các bài văn trên chuông ở Việt Nam”.

Một công trình dân sinh thân thuộc là cống đá trên hương lộ chính cũng được Tổng Đốc Uyển cho xây dựng năm1840, gần 100 năm sau cống này được bà Trần Bá Thị Lan cải tạo lại (1936) từ đó mang tên “Cống bà Lan”  cho đến ngày nay.

Chính Tổng Đốc Trương Văn Uyển là thân sinh của Phò mã Trương Văn Chức của vua Thiệu Trị, vì thế trước năm 1945 cái bến nước trên sông Bồ khoảng trước nhà thờ họ Trương được đặt tên là “Bến Công chúa”. Phò mã Trương Văn Chức sau này có tham gia “giặc chày vôi”-cuộc nổi dậy của anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực- chống việc xây lăng tốn kém, dân tình lầm than, khổ sở của vua Tự Đức. Cuộc khởi nghĩa (nổi loạn) thất bại, Phò mã Trương Văn Chức bị buộc tội chết theo “tam ban triều điển”, tức là phải chọn một trong ba cách chết (1) thắt cổ bằng một giải lụa,(2) tự đâm chết bằng gươm và (3) uống thuốc độc tự vẫn. Mộ phần Tổng Đốc Trương Văn Uyển và Phò mã Trương Văn Chức hiện còn ở làng. Riêng bà Công chúa sau khi chồng chết trở về lại Huế và khi mất được mai táng trong phần mộ của Hoàng gia triều Nguyễn.

+Đại thi hào Nguyễn Du cũng có duyên nợ với làng Phú Lễ: Số là vào năm Gia Long thứ 5 (1806), Nguyễn Du được triệu vào kinh đô Huế giữ chức Đông Các Đại Học Sĩ; năm 1809, làm Bố Chính tỉnh Quảng Bình. Tháng 2 năm 1813, Nguyễn Du được thăng Cần Chánh Đại Học Sĩ, rồi có chỉ sai làm Chính Sứ tuế cống đi Trung Hoa và tháng 4 năm Giáp Tuất (1814) khi trở về Kinh ông được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Nguyễn Du sắp sửa đi sứ Trung Hoa lần nữa, nhưng bị bệnh mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn, hưởng dương 56 tuổi. Trong thời gian làm việc ở Huế đã có lần Tố Như tiên sinh đi dã ngoại dọc bờ bắc sông Bồ ngang qua làng Phú Lễ và khi dừng chân trước bến đò Hạ Lang, ngắm cảnh làng Hương Cần ở bờ bên kia sông Bồ, ngài có ứng khẩu làm thơ:

Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh,

Giang bắc, giang nam vô hạn tình.

Thượng uyển oanh kiều đa đố sắc,

Cố hương thuần lão thượng cam khanh.

Triều đình hữu đạo thành quân hiếu,

Trúc thạch đa tàm phụ nhĩ minh.

Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh,

Mãn sàn trệ vũ bất kham thinh.

Bản dịch Việt ngữ của Vĩnh Ba

Đường cái Hương Cần xanh liễu xanh,

Người Nam kẻ Bắc xót xa tình.

Vườn vua mặc lũ oanh ganh tiếng,

Quê cũ rau thuần quen nấu canh.

Hiếu sự bạn tròn: Triều có đạo,

Ước thề tôi phụ: Nghĩa không thành.

Canh khuya đối bóng thêm buồn bã,

Mưa muộn bên giường nghe hãi kinh.

+Đời vua Tự Đức có những vị nổi tiếng như:

-Thượng thư Nguyễn Xuân Triêm, vị quan cũng đầu tư nhiều công đức trong việc tu bổ đình, chùa, miếu mạo. Đặc biệt hiện nay ở chùa Quang Bảo, chùa làng Phú Lễ, đang còn lưu lại nhiều dấu tích vị Thượng thư đáng kính này như con ngựa gỗ và các bài văn…

– Tả quân Đô Úy dinh Thần Cơ Trần Bá Nam.

– Cai đội Mỹ Triều Hầu Trần Bá Cơ.

* Năm 1885, khi phò vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế chạy ra Tân Sở, Quảng Trị đội quân thủ túc trong phong trào Cần Vương của Tôn Thất Thuyết đã vượt sông Bồ ở bến đò làng Hạ Lang, bây giờ là vị trí cầu Tứ Phú (nối Thị trấn Tứ Hạ với Xã Quảng Phú), sau đó băng qua hương lộ làng Phú Lễ để theo hướng bắc chạy ra chiến khu Tân Sở.

* Khoảng những năm 20-30 của Thế kỷ XX,  Cụ Nguyễn Sinh Khiêm, anh cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sinh sống bằng nghề thầy thuốc Nam và lấy vợ là người làng Phú Lễ, thời đó dân làng vẫn quen gọi Cụ là “Ông Thầy Nghệ”; không may những người con của Cả Khiêm đều chết khi còn nhỏ.

* Năm 1947 khi mặt trận Huế vỡ, nhiều thiếu niên trong làng được đưa ra miền Bắc học tập.

@ Phú Lễ  là nơi cung cấp nhân tài

Ngoài những vị quan chức nổi tiếng trong thời quân chủ nêu trên, trong thời cận và đương đại làng Phú Lễ cũng là nơi sản sinh nhiều nhà khoa học cho đất nước, những vị khoa bảng xuất sắc có thể kể:

– Kỹ sư Trần Bá Hoàng (Công chánh, Kiến trúc). Đây là một Kỹ sư Đông dương đầu tiên của làng. Ông học rất xuất sắc tại Hà Nội, là bạn đồng môn với Hoàng thân Souvanuvong của Lào. Kỹ sư Trần Bá Hoàng còn để lại nhiều công trình giao thông công chánh nổi tiếng trên toàn quốc.

– Kỹ sư Trần Bá Luận (Công chánh, Dệt may). Là một kỹ sư trẻ đầy tài năng của Phú Lễ. Từ lúc còn rất trẻ Ông đã mở xưởng dệt vải rất lớn ở làng –Xưởng dệt Trần Bá Luận, thiết kế và xây dựng cống Bà Lan trên hương lộ chính dọc sông Bồ của làng, cho đóng tàu thủy và sắm ô tô để kinh doanh vận tải đường thủy và đường bộ, canh tác đồn điền ở Việt Nam và cả bên Lào…Tiếc rằng “tài vận tương đố”, Ông mất quá sớm khi chưa có kẻ nối dõi tông đường, mộ phần hiện được “đại gia đình” phụng lập ở nghĩa trang Cồn Bại, dưới bóng cây Thổ giác độc đáo của Phú Lễ.

– Giáo Sư Trần Đình Sử (Văn học)

– Giáo Sư Nguyễn Xuân Nam (Văn học). Là Giáo Sư Lý luận văn học rất nổi tiếng của Đại Học Sư Phạm Hà Nội, tham gia viết Từ điển văn học Việt Nam cũng như nhiều sách giáo khoa, chuyên khảo khác.

– GS. TSKH  Nguyễn Xuân Chánh (Vật lý). Nhà vật lý chất rắn đầu đàn của Việt Nam. Giáo Sư Nguyễn Xuân Chánh là Viện trưởng Viện Vật Lý Kỹ Thuật Việt Nam. Nhiều năm là Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều lần đi công tác ở Anh, Hà Lan, Mỹ…

– Giáo Sư  Trần Bá Đệ (Sử học)

– GS.TSKH Trần Bá Chữ ( Vật lý). Đang giảng dạy ở trường Kiểu Mẫu Huế, Giáo Sư Trần Bá Chữ thoát ly ra Bắc rồi tiếp tục đi học tập, nghiên cứu nước ngoài…Giáo Sư là đầu ngành vật lý Laser của Viện Khoa học Quân sự Việt Nam.

– TS. Trần Bá Thái (CNTT) Giám đốc Công ty CNTT Netnam.

Thế hệ trẻ hơn sau này

– TS Trần Bá Thoại (Y khoa). Học Y khoa Huế, Sài Gòn và Hà Nội. Giảng viên Đại học Y Huế, Đại học Đà Nẵng, Ủy viên BCH Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam.

– TS Nguyễn Xuân Thống (CNTT) Học tập và công tác ở Australia.

3. Những cây lạ, món ăn ngon, độc đáo của làng:

 3.1.Thịt heo-bánh ướt làng Phú Lễ

Dưới thời Chúa Nguyễn và cả triều Nguyễn sau này, nhiều trai tráng làng Phú Lễ đã được tuyển chọn vào đội Lý Thiện hay Ty Thượng Thiện của  vua chúa, nhờ đó dân làng cũng học được cách làm heo, luộc thịt …kiểu cung đình. Sau này các lò mổ heo ở cả xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền gần như đều tập trung hết làng Phú Lễ, dân trong xã gọi đùa dân làng Phú Lễ là dân “đâm họng” (chọc tiết heo). Và cũng đã từ lâu lắm ở làng vẫn còn tồn tại, lưu truyền câu ca dao:

Gió đưa trái ớt đèo queo,

Lấy chồng Phú Lễ, thịt heo láng mồm.

Cũng như nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, món thịt heo bánh ướt bao giờ cũng có bốn thành phần chính: thịt heo, bánh ướt, nước chấm và các loại rau rán ăn kèm. Riêng thịt heo bánh ướt làng Phú Lễ độc đáo, thơm ngon và nổi tiếng nhờ ba “bí quyết”:

Một là: thịt heo. Loại heo chọn để ăn thịt luộc là loại heo cỏ mới lớn. Giống heo này da lông màu đen, nhỏ con, lưng oằn.. được nuôi bằng cám gạo nấu chín chung với các loại rau vườn, thân chuối xắt lát, vằm nhỏ…tạo thành một món xúp tổng hợp gọi là “cám heo”. Nhờ được chọn giống và nuôi bằng thực phẩm độc đáo như thế thịt heo Phú Lễ rất mềm, thơm ngon và đặc biệt là rất ít mỡ.…khác hẳn các giống heo “công nghiệp” khác.

Hai là: nước chấm. Trong khi miền Bắc hay chấm thịt với mắm tôm (mắm ruốc), miền Trung đa số chấm với mắm cái (mắm nêm) và miền Nam chấm với tương (chao) thì ở làng Phú Lễ và Huế nói chung thịt được chấm với nước mắm ruốc- nước mắm làm từ con ruốc biển (con khuyếc) chứ không làm từ con cá như nước mắm thông thường- loại nước mắm này có  đặc trưng là hơi “nặng mùi” và đậm độ đạm cao, ăn rất “nhức răng”. Trước đây các bà nội trợ địa phương thường dùng nước mắm ruốc nguyên chất cho thêm ớt bột giã vụn từ loại ớt “chìa vôi” hay ớt hiểm rất cay; ngày nay để phổ cập  hơn các bà có cải biên: pha thêm đường thành nước mắm ngọt, pha thêm ớt xắt lát, pha chanh để gia giảm độ chua cay hợp khẩu vị khách dùng.

Ba là: các loại rau sống ăn kèm. Trong “tổ hợp” nhiều thứ loại rau ăn kèm như các nơi khác có hai món đặc biệt địa phương là rau thơm Huế (rau thơm trắng) và trái vả tươi xắt lát, thiếu hai món “chẳng nơi nào có được” này món thịt heo Phú Lễ coi như mất hẳn mùi vị “đặc trưng”!!!.

Một đặc điểm cũng đáng lưu ý là những quán thịt heo bánh ướt Phú Lễ thường được bố trí dọc bờ sông Bồ sát những bụi tre làng vi vu gió mát thổi.

Về tính bắt mắt và khẩu vị, thì thịt heo bánh ướt Phú Lễ cũng thuộc loại “xuất sắc”. Theo Giáo sư Trần Văn Khê thì một món ăn được gọi là ngon phải “đánh thức” được cả ngũ quan của thực khách; điều này thịt heo-bánh ướt Phú Lễ có thừa: (1) mắt nhìn nhiều màu: trắng trẻo của bánh, đỏ của ớt, vàng mơ của nước mắm ruốc, vàng nhạt của lát vả, xanh tươi của rau rán (2) mũi ngửi được hương thơm: của thịt, của nước mắm…(3) lưỡi nếm lắm mùi vị: ngọt, bùi, béo, cay, chua, đắng…. (4) miệng nhai thấy mềm, cứng, dai, dẻo và (5) tai nghe nhiều âm điệu vui: tiếng gió vi vu qua lá tre, tiếng vỡ sào sạo trong miệng của vả, của thịt, hành phi ..và thi thoảng cũng có thể mở nhạc khi nhấm nháp cho vui tai.

Thay lời mời của người Phú Lễ

 Ngày nay hệ thống đường sá, giao thông đã được cải tạo tương đối thuận tiện. Lấy mốc từ thành phố Huế, để về Phú Lễ quê tôi bạn theo quốc lộ 1A hướng ra Bắc, cách Huế khoảng 20 cây số là cầu An Lỗ, vượt qua cầu này bạn rẽ phải ngay và đi tiếp con đường về Sịa, nay gọi là tỉnh lộ 11, thêm khoảng 500 mét là đích đến: các quán thịt heo “láng mồm” độc đáo.

Để kết thúc, người viết xin sửa “đôi tí” bài thơ lục bát về làng Phú Lễ và xem đây là lời mời thân thiện với khách khứa, bạn bè thập phương:

Phú lễ, Quảng phú, Quảng điền,

Quê tôi nắng đẹp, gió hiền, nước trong.

Bao giờ bạn thấy thong dong,

Về ăn heo luộc, cháo lòng quê tôi.

3.2. Cây nưa và món

CON CÁ CHỘT NƯA

(Món ăn “nhà quê” này đã đi vào thi ca rồi đấy)

Cây nưa thuộc họ cây môn (khoai nước, khoai sọ) và cây bạc hà nước (dọc mùng), lá nưa nhiều khuyết chẻ như lá đu đủ, chột nưa là phần thân ăn được và rất ngon. Cây nưa ưa đất ruộng ẩm nên thường được trồng vào cuối hè và thu hoạch vào gần cuối đông khi mưa ở Huế đã bắt đầu dai dẳng. Củ nưa ăn rất ngứa cho nên sau khi thu hoạch củ nưa thường được bảo quản khô trên dàn bếp để làm giống cho mùa sau. Về tính ngứa của củ nưa, có một câu thơ vui người Phú Lễ nào cũng biết:

Ngày xưa có mụ bán nưa,

Mụ ngồi mụ đ.. văng nưa ra ngoài.

Chỉ vài vùng đất đặc biệt- huyện Quảng điền và huyện Hương Trà- thì củ nưa trồng ở đây có thể ăn được và rất ngon vì hương vị độc đáo hơn hẳn các loại khoai sọ khác.Trong hai huyện trồng nưa củ ăn được này, nưa làng Phú Lễ luôn luôn là “thượng hạng”. Chột nưa (thân) là phần chính để chế biến nhiều món ăn riêng đặc hữu của địa phương.

Một món ăn rất bình dân nhưng “cực kỳ” Huế là chột nưa kho với cá vụn nước lụt mùa đông như cá cấn, cá mại, cá mương, cá sơn, cá lòng tong …tên địa phương gọi chung là “cá cù”. Có lẽ loại cá này người Huế (và cả người Phú Lễ) định cư ở nước ngoài hiện nay không còn cơ hội thưởng thức nữa, vì cá cù thật sự là tập hợp của nhiều loại cá con mới nở đang “cù rủ nhau” ngược dòng lên nguồn thượng lưu sông rạch, muốn vớt chúng người ta phải dùng lưới lỗ nhỏ như màn chắn muỗi, kiểu đánh bắt thế này thường bị cấm ở các nước công nghiệp phát triển. Thừa Thiên Huế là tỉnh “thừa trời“, mùa đông mưa lụt đến “thối đất“, bù lại đây là mùa thu hoạch vụ nưa và dưới sông rạch lại có lắm “cá cù”.  Món con cá chột nưa được người Huế nghĩ ra một cách sáng tạo để ăn với cơm nóng hổi trong cái ẩm lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông. Cách chế biến món chột nưa kho cá vụn này lại vô cùng đơn giản: chột nưa được lột sạch vỏ dọc từ gốc lên ngọn, xong thái thành lát dày khoảng lóng tay; cá vụn rửa sạch để nguyên cả con không cần phải bóc mang, bỏ ruột; chỉ cần thêm mắm muối, tiêu hành và ít thịt mỡ rồi đem đi kho vừa nước, cũng có người cho thêm lá nghệ tươi vào soong cá cù để thêm hương vị lạ hơn. Có thể nói cái độc đáo, cái “hồn”  của món “nhà quê” đặc hữu Huế này là con cá vụn nước lụt. Vì được để nguyên con không bỏ ruột nên nồi cá kho chột nưa có một khẩu vị đặc biệt không lẫn với món ăn nào khác đó là vị đăng đắng “nhẫn nhẫn”, bùi bùi khó tả rõ…Không những người địa phương mà cả những người tứ xứ nếu đã có lần dùng qua chột nưa kho cá vụn gần như đều cảm nhận mùi vị và có thể bị “ghiền” món này. Chột nưa kho cá vụn cũng là nguồn cảm hứng để nhà thơ người Huế- thật đúng là người huyện Quảng Điền- rất nổi tiếng là Tố Hữu sáng tác bài thơ ” Con cá chột nưa” quen thuộc với chúng ta.

Thật ra chột nưa còn được dùng để nấu nhiều món canh độc đáo địa phương khác như: canh chua cá hẻn mồi (cá trê nhỏ), canh chua cá lóc (tràu), canh chột nưa nấu với tôm, chột nưa hầm thịt, chột nưa cũng được cho dùng kèm trong các loại lẫu như một loại rau..

Còn một món ăn từ chột nưa “chẳng nơi nào có được” nữa đó là dưa nưa hay chột nưa muối chua. Kỹ thuật làm dưa nưa cũng được làm như dưa môn, nhưng khi ăn dưa nưa có vị bùi, thơm hơn và đặc biệt không bao giờ bị ngứa miệng cả. Người Huế thường dùng dưa nưa để ăn kèm với các cá nướng, đặc biệt là cá trê đồng nướng chấm nước mắm gừng; mùa mưa lạnh món này có thể dùng để nhâm nhi cũng khá “bắt mồi” lắm đấy.

3.3. Cây ngô đồng

NHỮNG HỒN MA TƯỞNG TƯỢNG

Tỉnh lộ 11 là con đường tráng nhựa huyết mạch của Phú Lễ, nối từ quốc lộ 1A chạy xuống thị trấn Sịa, huyện lỵ của huyện Quảng Điền, xuyên hết chiều dọc của làng. Nhưng con đường “tâm linh” của Phú Lễ lại là con hương lộ chỉ được đổ bê tông dọc theo bờ bắc sông Bồ. Trên suốt chiều dài của con hương lộ này, quay mặt ra sông có nhiều địa chỉ quan yếu của Phú Lễ như Đình làng, Chùa Quang Bảo (chùa Phú Lễ), Đàn miếu Âm hồn và nhiều Nhà thờ họ: Trần Bá, Trần Đình, Trương Văn, Nguyễn Xuân…. Dọc theo hương lộ này, đặc biệt sát bờ sông Bồ đoạn chảy qua làng Phú Lễ, có nhiều bóng cây cổ thụ, cành tán sum suê, người Phú Lễ vẫn gọi là cây Ngô đồng hay Vông đồng.

Như tôi được biết trong Nam có cây y hệt được gọi là cây Bã đậu, cây Vông đồng còn gọi là vông nem thì có hay màu da cam, lá để gói nem chua, còn cây Ngô đồng trong văn học -loan phượng đậu cây ngô đồng- lại là cây khác ở Huế có khoảng hai, ba cây: ở công viên Tứ Tượng, bên bờ nam sông Hương, đối diện khách sạn Morin, sát nhà hàng Paradise và vài cây ngô đồng trong Đại nội; nghe đồn rằng gỗ cây ngô đồng này đem làm đàn thì “số dzách”, chẳng thua gì đàn “Bá Nha- Tử Kỳ”… Thôi tôi là con dân Phú Lễ nên vẫn gọi như quê nhà: cây ngô đồng vậy.

Cây Ngô đồng là một loại cây mộc to lớn: Cây cao đến cả chục mét, hồi nhỏ muốn nhìn đến ngọn cây, chúng tôi phải ngước cổ hết cỡ nhìn lên, thiếu đường té ngữa ra đất. Thân cây rất to đến hai, ba người ôm mới xuể, thân lại có rất nhiều gai đen nhọn như răng chó. Lá ngô đồng rất đẹp, xanh bóng, hình trái tim như lá cây bồ đề. Hoa có tua, màu đỏ huyết dụ rất đẹp. Ngược với kích cỡ đồ sộ của thân và ngọn cây, trái cây ngô đồng lại rất khiêm tốn: chỉ lớn bằng cái bánh bao với hình dáng như quả quít có nhiều múi, đặc biệt các múi ở đây thật sự là phần xơ mộc cứng, như các vảy cứng của trái cây thông Đà Lạt, để bảo vệ những hạt ngô đồng nâu hạt dẻ, lép như đồng xu ở bên trong; khi trái già sẽ chín khô thì rắc, rắc…trái ngô đồng sẽ vỡ tung ra từng mảnh khô khan hình liềm bán nguyệt, hột sẽ được giải phóng, phân tán tứ tung ra bốn phía tứ phương.

Chẳng rõ từ đâu và ai là người đầu tiên gây trồng những gốc ngô đồng độc đáo, đi cả huyện Quảng điền chỉ thấy các cây này hiện diện ở làng Phú Lễ mến yêu. Ngay từ thời tấm bé tôi đã thấy sừng sững hai cây ngô đồng rất “ấn tượng”: Một cây ở góc phải tiền cảnh đình làng, mọc sát cây kim cang cổ thụ và một cây ở sát bờ sông Bồ ngay trước Đàn miếu Âm hồn của nghĩa trang Cồn Bại.

Nhiều ký ức đã hằn sâu trong tôi và nhiều bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt là việc ba tôi “chế tạo” bánh xe cho tôi chơi từ trái ngô đồng và những lần cùng bạn bè đi học trên đường ven sông dưới bóng cây ngô đồng:

* Việc tạo đồ chơi từ trái ngô đồng: Thời chúng tôi chưa có đồ chơi cho trẻ em, đồ nhựa thì rất hiếm…Để làm chiếc xe cho tôi chơi, ba tôi phải vất vả lắm mới hái được những trái ngô đồng còn non, bóc lớp vỏ xanh đổ lộ phần cứng có khía như trái bí đỏ, rồi chọc cuống, tra trục “bánh xe” vào.. điểm thú vị là khi đẩy xe cái bánh “ngô đồng” này sẽ lóc cóc, lọc cọc rất vui tai..

*  Những lần cùng bạn bè đi học ngang gốc ngô đồng:  Người ta đồn rằng trên ngọn những cây cổ thụ, đặc biệt là trên hai cây ngô đồng này lắm ma, âm hồn..cư trú. Vì thế khi đi học trên đường làng, nhất là hôm học đầu giờ chiều, những học sinh tiểu học như tôi thường phải đi tập trung, “nín thở” bước nhanh dưới bóng ngô đồng rợp nắng, nhiều lúc suýt “đứng tim” vì trưa nắng đang lầm lũi đi nhanh thì ..rào.. rào.. rào…. những mảnh trái ngô đồng khô rơi từ đọt tầng cao xuống….thế là anh em chúng tôi còn nước hè nhau chạy “vắt giò lên cổ”, chạy “tim văng khỏi ngực”…..

Giờ đây khi đã đến tuổi U 60, mỗi lần về quê thế nào tôi cũng đi lại vài lần trên con đường làng dọc sông Bồ yêu dấu và ngắm nhìn những bóng cây ngô đồng mà lòng trào dâng những kỷ niệm êm đềm tuổi ấu thơ.

3.4. Cây mù tru

MÙ TRU PHÚ LỄ: HOÀNG LAN  HOANG DẠI CỦA TUỔI THƠ

Trong các nghĩa trang làng Phú Lễ như Cồn Bại, Vụng Cù, Lòi, “Cây số 26”.. có một loại cây dại, hoa rất thơm đó là cây mù tru.

Mù tru là cây hoa hoang dại, nhưng lại thuộc họ hoa “quý phái”: hoa hoàng lan Hoàng lan, Ngọc lan tây, Ylang-ylang hay Ylang công chúa- (ylang-ylang theo tiếng Tapagog có nghĩa là “hoa của các loài hoa” ). Cây mù tru chỉ cao khoảng 1 mét; lá mọc kép, dài và trơn láng như lá cây vú sữa;  hoa mù tru có khoảng 4-5 cánh mỏng, dài cở ngón tay, rủ xuống như hoa mãng cầu, khi non cánh hoa có màu xanh lơ hoa lý và khi đã nở -chúng tôi hay gọi là hoa chín- lại có màu vàng ươm và tỏa hương thơm đặc biệt: thoang thoảng, nhẹ nhàng, pha trộn giữa hương “ngọt bùi” của chuối ba hương, mùi thơm hoa cau “sực nức” lẫn hoa nhài dịu dàng…

Thế hệ chúng tôi, những thập niên 50-70 của thế kỷ trước, khi còn bậc tiểu học ở trường Phú Lễ ngay quê làng, thế nào cũng có ép trong những trang vở tiểu học những cánh hoa mù tru vàng ươm, thơm phức. Thời đó ngay ở thành phố son phấn, nước hoa cũng hiếm quý, xa xỉ chứ không đa dạng, đầy dẫy như bây giờ; và ở nông thôn, quê mùa thì hương của hoa mù tru – hoàng lan “hoang dã”- đúng là nước hoa “thứ thiệt” của chúng tôi.

Mùi thơm quê hương “đậm đà” này có lẽ còn vương trong ký ức hoài của nhiều người, đặc biệt những vị làm ăn thành đạt, người cư trú ở các phương trời xa…Riêng chúng tôi, những bạn bè cùng lớp, hoa mù tru đúng là kỷ niệm thơ ấu: Hồi đó vào năm lớp Nhì ( lớp 4 bây giờ), lớp chúng tôi ở quê có thêm một cô bạn học mới, cô bé tên là N. ,vốn là cháu của cô T. và thầy T.V.Q. chủ nhiệm lớp, cô bé từ thành phố về học trường làng. Dưới ánh mắt mấy cậu học sinh tiểu học “nhà quê” như chúng tôi thì N. là hoa khôi thứ thiệt, một “thiên nga” giáng hạ; và thế là sau một khoảng thời gian giơ “mắt ếch”, chúng tôi bắt đầu đứa bí mật, đứa bạo dạn thi nhau “ve” vãn, lấy lòng. Tôi học giỏi nhất lớp, nhưng đẹp trai phải kể là ông anh họ tôi- N.H.A.T- nhưng học chung cùng lớp vì cùng tuổi nhau. Anh tôi ngoài những cánh mù tru hoang dã còn chơi thêm tuyệt chiêu “chẳng ai chịu thấu”, là hát bài “Những đồi hoa sim” khá hay thời đó tặng N. , vì thế lớp chúng tôi cặp đôi  “ T. N tiêu điều”. Anh tôi tỏ vẻ giận và cấm tôi gọi như thế, nhưng tôi biết anh ta khoái và “phổng mũi” lắm, còn chúng tôi cũng rầu lòng nhưng chẳng biết làm răng… Hơn 40 năm sau nhắc lại anh tôi vẫn cười cười…bậy..bậy.

3.5. Cây thổ giác

“THẦN MỘC” GÁC CỬA NHÀ ĐỒ

Cả làng Phú Lễ chỉ có độc nhất một cây cổ thụ đặc biệt che bóng mát cho mái Nhà Đồ- nhà để kiệu, xe rồng đưa đám tang- cả gần thế kỷ nay.

Thổ giác là một loại cây cổ thụ, cao cả chục mét, hoa vàng như phượng và trái như bồ kết. Cây thổ giác hiện nay là một nhánh con, mọc từ gốc cây mẹ. Từ thập niên 50 của thế kỷ trước chính tại vị trí này cây thổ giác mẹ vươn cao lên trời xanh, trên nhiều nhánh to có hốc cây kín đáo, hồi đó trên ngọn cây cao và các hốc là nơi trú ngụ của nhiều loài chim quý hiếm: sáo nâu, sáo đen, nhồng, cà cưỡng…

Với quan niệm những cây to thường có “người âm” cư ngụ, đặc biệt cây thổ giác lại sinh trưởng bên Nhà Đồ, nên từ lâu người ta thường hương khói dưới gốc cây trong các ngày rằm, mồng một..

Hồi bé vì nhà ở rất gần cây thổ giác đặc biệt này, do đó với tôi nó thân thiết và quen thuộc như người nông dân với cây lúa. Đặc biệt sau này phần mộ của đại gia đình cũng ngay sát đó, nếu cần chỉ vị trí mộ Ba Mẹ, tôi cho thêm một chi tiết: gần cây thổ giác thế là mọi người định vị ra ngay.

3.6. Cây kim cang

MÓN ĂN “CÓ MỘT KHÔNG HAI” CỦA  CHĂN TRÂU

Một cây trồng khá nhiều trong các nghĩa địa là cây kim cang.

Cây kim cang cao cỡ cây mít có nhiều gai cứng nhọn- có lẽ đây là lý do người Phú Lễ trồng nhiều kim cang trong nghĩa địa, để bảo vệ lăng tẩm, mồ mả tránh cà lưng, húc sừng của lũ trâu bò thả rong chăng-, lá kim cang lại xanh mướt đẹp như lá táo mèo, trái thì hoàn toàn như trái nhãn: có vỏ bọc ngoài non màu xanh, gần chín (hườm hườm) màu vàng và chín trở màu đỏ.

Do bản tính nghịch ngợm, hồi bé dù sợ nhưng lại rất thích cỡi trâu và chơi với lũ  trẻ chăn trâu. Dù chưa ai phân chất, hướng dẫn trái kim cang xấu tốt, bổ béo thế nào…chúng tôi rất nhiều lần ăn trái kim cang này. Vị kim cang chua chua như trái dâu Truồi, thơm như trái lòn bon Quảng Nam…nhưng một đặc điểm “ có một không hai” của kim cang so với các trái cây khác là: ăn khoảng 10 trái thế nào cũng “nẻ lưỡi”

Hiện nay cây kim cang còn khá nhiều ở quê. Ai là người gốc làng hoặc “ái mộ” Phú Lễ, khi có dịp ghé quê tôi xin dùng thử  ….dưới 10 trái kim cang cho biết mùi cây “quái” của làng “đâm họng”.