Ngủ thiếp thế này là sai đấy!!!!
ĂN ĐẦY, NGỦ ĐỦ: THI ĐẬU !!!
Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng)
Hằng năm vào mùa thi cử, đặc biệt là thi vào đại học, mọi thí sinh đều dồn ra “hết công suất” học ôn, luyện thi.. với mong muốn thành công, đạt ý nguyện. Học và thi là những hoạt động trí óc căng thẳng, tiêu tốn nhiều năng lượng calo. Do đó, ngoài chuyện phải chăm sóc chế độ ăn hợp lý để cung cấp đủ năng lượng, chế độ ngủ và nghỉ ngơi cũng phải được để ý, được phân bố hết sức khoa học.
Chuyện ăn uống thường được đề cập khá nhiều trên các phương tiện truyền thông, do đó gần như mọi thí sinh đều biết. Nhưng chuyện ngủ, nghỉ ngơi thì ít được quan tâm để ý, thậm chí xem thường. Y học chỉ rõ rằng giấc ngủ quan trọng và rất cần thiết cho sức khoẻ con người không kém cái ăn: “Ăn được ngủ được là tiên, Không ăn không ngủ là tiền vất đi”.
Nghiên cứu trên hai nhóm thanh niên: nhóm 1 (ngủ 6-7 giờ/ngày) và nhóm 2 (ngủ dưới 6 giờ/ ngày), kết quả cho thấy nhóm 1 chỉ 56 % có biểu hiện sức khoẻ không tốt, trong khi nhóm 2 có đến 99%.!!!
Thiếu ngủ làm cơ thể mất tập trung, hay quên, hay lẫn lộn, thần kinh dễ bị kích động, hệ miễn dịch, hệ nội tiết và chuyển hoá hoạt động kém…Các nhà khoa học ở Vienna, Áo, nghiên cứu thấy kiến thức được tiếp thu dễ dàng nhất là sau giấc ngủ; họ cũng chỉ rõ trí nhớ cũng tăng thêm 30% dễ dàng nếu học sinh được cho ngủ 20 phút ngay sau buổi học !!! Các nhà nghiên cứu ở Colorado, Hoa Kỳ, cho thấy lượng hóc-môn insulin tăng sau giấc ngủ đủ giấc, do đó người thiếu ngủ có nguy cơ béo phì cao hơn bình thường.
Lượng thời gian để ngủ trung bình của con người là 8 giờ mỗi ngày. Trên thực tế các nhà khoa chưa xác định chính xác được thời lượng ngủ lý tưởng vì hai lẽ: một là nhịp sinh học có khác nhau giữa người này và người kia và hai là chất lượng giấc ngủ cũng quan trọng không kém thời lượng ngủ. Một người ngủ sâu với thời lượng ít, giấc ngủ vượt nhanh qua giai đoạn rung nhãn cầu (REM, rapid eye movement) thì tốt hơn là ngủ nhiều thời gian nhưng chập chờn, mộng mị.
Các sĩ tử mùa thi cử cần lưu ý ba điều:
1. Cần có một chế độ ăn hợp lý cần đảm bảo cả khối lượng lẫn chất lượng:
* Về khối lượng, học viên trong mùa ôn thi nên ăn 4 bữa mỗi ngày: buổi sáng phải điểm tâm thật “nặng”, phải nạp đủ năng lượng sau gần “nửa ngày” không ăn, buổi trưa ăn vừa phải, ăn “time break”, buổi chiều ăn no và về tối nên ăn “khuya” nhẹ nhàng hay uống một cốc sữa trước khi ngủ.
** Về chất lượng nên ăn đủ chất, đủ 4 thành phần là đạm, đường (bột), dầu mỡ và muối khoáng, vitamin; cần tăng cường thêm vitamin C và các vitamin nhóm B khác…; lưu ý là không nên lạm dụng các thức ăn, thức uống được “quảng cáo” là tăng lực, tăng “nhớ”, tăng “thông minh”…
2. Cần đảm bảo chế độ nghỉ ngơi, đặc biệt là giấc ngủ. Giấc ngủ đúng góp phần quan trọng để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, cha ông ta có câu ví von “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.
Về chuyện ngủ các em cần lưu ý:
* Nên ngủ đủ giấc như thường ngày, nếu ráng tăng thời gian học ôn, nhồi nhét mà “quên” luôn ngủ thì cũng chẳng ích gì vì lúc quá mệt quá thiếu ngủ đầu óc nó chẳng tiếp thu gì thậm chí còn bị thoát ra kiểu “phản ứng hạt nhân”, bắn một hạt vào nhân sẽ vỡ tung tất cả.
** Không dùng thuốc, thực phẩm để chống buồn ngủ như cà phê, thuốc kích thích… với mục đích tăng thêm thời gian học ôn.
3. Phải nhớ rằng chúng ta đang “ôn thi”, tức là rà soát lại kiến thức, ôn lại những điều chúng ta đã học nhiều năm trước đây..chứ không phải là ra sức, ra thời gian để học thêm cái mới.
“Kiến thức là cái gì còn lại sau khi đã quên hết”, khi ôn thi cũng cần bảo vệ sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần, để khi đi thi có sáng suốt, tự tin và thể hiện tốt những gì đã thu nhận được trong cả quãng thời gian dài học tập.
Chúc các em thành công.