Trang chủ » Chưa phân loại » KHAI THÁC HỢP LÝ TÀI NGUYÊN QUỐC GIA

KHAI THÁC HỢP LÝ TÀI NGUYÊN QUỐC GIA

  KHAI THÁC HỢP LÝ TÀI NGUYÊN QUỐC GIA

      Từ đầu năm đến nay, quá nhiều thông tin xấu về biến đổi khí hậu, môi trường: sông Hồng cạn nước, trâu bò chết đói hàng loạt do thiếu cỏ ở Hà Tĩnh, đồng bằng sông Cửu Long khô hạn, triều cường nhiều nơi ở TP Hồ Chí Minh…

 Sông HỒNG cạn nước

Sông MÊ KÔNG cũng khô kiệt

Đồng bằng CỬU LONG nứt nẻ 

     Sông Cửu Long (Mekong) khô hạn đã được dự báo khi Trung Quốc xây dựng nhiều đập nước ở thượng nguồn….; đây là việc các nước trong Ủy ban Sông Mê kông (MRC) gồm Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, Trung Quốc không chịu vào đã và đang tranh luận gay gắt.

Một đập Thủy lợi của TRUNG QUỐC thượng nguồn MÊ KÔNG

     Bức xúc, lo lắng hơn là những thông tin “không vui” về việc nhiều địa phương cho thuê rừng đầu nguồn, một động thái được ví là “..chặt chân thật đi bán để mua chân gỗ về thay ..”.

    Xin trích một số bài viết có liên quan

       Thứ Hai, 01/03/2010, 11:17

     LỢI ÍCH QUỐC GIA  

   TS Lê Đăng Doanh

TP – Gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng lên tiếng về việc 10 tỉnh dọc biên giới cho doanh nghiệp nước ngoài thuê gần 300.000 ha rừng, kể cả rừng phòng hộ đầu nguồn và những địa điểm xung yếu đối với quốc phòng và an ninh quốc gia.

Trong đó, diện tích các doanh nghiệp Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc thuê đến 264.000 ha, chiếm 87% diện tích rừng cho thuê.

Đây là vấn đề không chỉ “sai một ly, đi một dặm” mà có thể đi sai cả ngàn dặm và chưa biết sẽ đi đến đâu, gây ra những hệ quả nào, vì diện tích cho thuê quá rộng, thời gian thuê là nửa thế kỷ, vị trí thuê có tính chiến lược về quốc phòng và an ninh.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh và Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đã lên tiếng trả lời phỏng vấn đài BBC, bác bỏ lo ngại và sự phản đối của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, bảo vệ quyết định của tỉnh trong khi các cơ quan có trách nhiệm chưa chính thức trả lời ý kiến tâm huyết của tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Đã đến lúc công luận lên tiếng đòi hỏi có sự thẩm định độc lập quá trình cho thuê, luận cứ kinh tế – kỹ thuật cũng như các vấn đề liên quan đến quốc phòng – an ninh của đất nước chứ không thể chấp nhận tình trạng ai nói cứ nói, rừng tỉnh tôi, tôi cứ cho thuê.

Cần khẳng định việc bảo vệ rừng và đất rừng là lợi ích quốc gia, liên quan đến những tỉnh hạ nguồn và việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đến gần 300 ngàn ha rừng đến 50 năm là việc quốc gia đại sự, chứ không thể là việc riêng của tỉnh này hay tỉnh khác nữa.

Trước hết, việc chặt phá rừng cũ, trồng rừng mới hiệu quả đến đâu đang là một vấn đề còn tranh cãi trên thế giới.

Nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo Việt Nam nếu trồng mới không hiệu quả, kịp thời, đúng yêu cầu kinh tế – kỹ thuật, kịp thời vụ (để tránh bị rửa trôi, xói mòn vào mùa mưa khi chặt cây rồi nhưng chưa kịp thời trồng được cây mới) thì chẳng khác gì “tự chặt đôi chân lành lặn, nguyên vẹn của mình để lắp vào đấy đôi chân giả”. Tức là lợi bất cập hại và hại gấp nhiều lần.

Có rất nhiều lý do để lo ngại: nếu trồng không đúng cây, theo đúng phương án kinh tế – kỹ thuật, đúng thời hạn, nếu công ty thiếu trách nhiệm hay không đủ năng lực, nếu giám sát thiếu chặt chẽ, phương án cho thuê có sơ hở, chỉ cần chặt hết gỗ đã có lãi thì việc trồng lại rừng có thể là một việc trên giấy hoặc kéo rất dài, gây ra những hệ quả khó lường.

Để có căn cứ quyết định, cần làm thí điểm trên quy mô nhỏ, có sự giám định độc lập chặt chẽ, đi đến kết luận chắc chắn trước khi làm đại trà.

Kinh nghiệm các nước cho thấy việc cho các công ty Trung Quốc thuê đất, thực hiện thầu là rất phức tạp, khác hẳn với kinh nghiệm đối với các công ty khác.

Các công ty này thường mang theo đông đảo công nhân Trung Quốc đến làm việc, kéo theo các dịch vụ mua sắm, ăn uống đặc thù của văn hóa Trung Quốc, thậm chí lập ra khu phố riêng, tiêu tiền Trung Quốc với nhau.

Tạp chí Tấm Gương (CHLB Đức) đã có bài phóng sự về thị trấn Bò Tèn của Lào, gần biên giới với Trung Quốc, tràn ngập công nhân Trung Quốc, đường sá có biển chỉ tiếng Hoa, đồng Nhân Dân Tệ tiêu thoải mái, người Lào ở đó chỉ còn là công dân Lào về mặt hành chính còn thực chất là “công dân kinh tế Trung Quốc”.

Một số nước châu Phi cũng đã có kinh nghiệm tương tự với các công ty khai thác rừng, khoáng sản của Trung Quốc.

Thử hỏi, với thời gian cho thuê 50 năm, số diện tích cho thuê lớn, số người lao động cần huy động sẽ lên đến bao nhiêu và ở trên những địa bàn ấy bao lâu.

Đó là những kịch bản không thể hoàn toàn loại bỏ, cần tỉnh táo xét đến trước khi trở thành “sự việc đã rồi”.

Vì vậy, toàn bộ các hợp đồng của các tỉnh đã ký kết về việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê dài hạn cần được đưa ra thẩm định bởi một Hội đồng khoa học độc lập, hoạt động công khai minh bạch, dưới sự giám sát của Quốc hội và các cơ quan công luận.

Toàn bộ hồ sơ về quá trình cấp phép cần được kiểm tra nghiêm túc, lấy ý kiến chính thức các cơ quan liên quan, kể cả các cơ quan có trách nhiệm về quốc phòng an ninh.

Hội đồng sẽ có trách nhiệm đề xuất những kiến nghị cần thiết để xử lý các hợp đồng đó nhân danh lợi ích lâu dài của quốc gia và của dân tộc chứ không phải lợi ích ngắn hạn của một địa phương.

Nếu phát hiện có những nghi vấn trong quá trình ký kết hợp đồng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan có trách nhiệm để làm rõ vụ việc.

Điều cần rút kinh nghiệm ngay là tại sao một việc quan trọng như vậy, cho thuê từng ấy đất rừng, thời gian 50 năm, diễn ra trên 10 tỉnh ở những địa bàn xung yếu về an ninh – quốc phòng lại không bị phát hiện sớm hơn bởi các cơ quan quản lý, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm khác?

Nếu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không lên tiếng thì vụ việc có lẽ đã êm xuôi chăng và hệ quả sẽ thế nào?

Công luận mong đợi sự vào cuộc của các cơ quan có trách nhiệm, của các nhà khoa học và mong các cơ quan chức năng sớm có trách nhiệm trả lời không chỉ đối với cá nhân công dân Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mà đối với đông đảo người dân Việt Nam.

 

Thứ Hai, 01/03/2010, 08:22

Tướng Đồng Sỹ Nguyên:

CHO NƯỚC NGOÀI THUÊ ĐẤT RỪNG LÀ RẤT NGUY HIỂM

TP – “Đất rừng ở ta không phải là nhiều, trong khi có nơi còn lấy đất rừng của dân để cho nước ngoài thuê là rất nguy hiểm”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khẳng định, khi trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

L.T.S: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) vừa có thư gửi  Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cảnh báo về việc các tỉnh cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn trồng rừng nguyên liệu dài hạn. Tiền Phong có cuộc trò chuyện với ông, xung quanh câu chuyện này.

Ông Đồng Sỹ Nguyên nói: “Tôi có thư gửi vì một số anh em ở các tỉnh báo cáo với tôi. Các anh em ở Nghệ An không đồng ý việc cho nước ngoài thuê đất để trồng rừng ở các huyện miền núi, đầu nguồn.

Sau khi nhận được thông tin, tôi có hỏi lại Chủ tịch tỉnh và họ công nhận. Trong khi đó, tại tỉnh, Công an tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phản đối. Mà sự phản đối ấy là đúng.

Vì sao tôi đi sâu vấn đề này? Vì tôi có 7 năm làm chương trình 327. Từ những ngọn núi cao trên 1.000 m đến các đồi núi rừng khác, đâu tôi cũng lội hết”.

Dân thiếu đất sao lại cho thuê?

Bức thư đã được ông gửi từ bao giờ?

Tôi gửi từ trước Tết.

Từ khi gửi thư đến nay ông đã nhận được hồi âm?

Sau khi tôi gửi lên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có điện thoại cho tôi nói là đã nhận được thư và giao Bộ NN&PTNT kiểm tra.

Sau khi Bộ NN&PTNT kiểm tra đã có báo cáo gửi Thủ tướng và có gửi cả cho tôi. Báo cáo có thừa nhận cho 11 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng tại 10 tỉnh.

Việc các tỉnh cho thuê đất rừng được thực hiện theo Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Đất đai. Điều gì khiến ông lo ngại và gửi thư?

Qua 7 năm làm công tác trồng, bảo vệ rừng phòng hộ, càng đi vào thực tế tôi thấy đất nước ta chiều dài rất dài trong khi chiều ngang rất hẹp. Núi với biển rất gần. Độ dốc lớn. Cho nên khi có lũ quét thì sẽ phá hủy rừng núi, đồng ruộng, nhà cửa nhanh như tiếng động.

Do đó, phải làm sao phát động đồng bào dân tộc miền núi tập trung trồng rừng. Cả ở đồng bằng và ven biển nữa. Chỉ có trồng rừng theo đặc điểm địa hình Việt Nam thì mới hạn chế được phần nào tác động của thiên tai.

Vậy mà nay mình cho nước ngoài vào thuê đất trồng rừng, liệu ta trông mong gì được ở họ? Nhà đầu tư nước ngoài họ chỉ quan tâm lợi nhuận mang về nước họ.

Kết quả kiểm tra của Bộ NN&PTNT ra sao, thưa ông?

Nội dung báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, họ đã trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và tổng hợp báo cáo của 8 tỉnh về việc cho nước ngoài thuê đất rừng. Báo cáo có thừa nhận cho nước ngoài thuê, hoặc liên doanh để trồng rừng tại 10 tỉnh với diện tích trên 300.000 ha.

Các diện tích cho thuê đó cụ thể là thế nào, thưa ông?

Như tôi đã nói, đặc điểm của nước ta là dài, núi và biển cận kề, vì vậy việc trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn ở miền núi là vấn đề cấp bách. Việc này ai làm. Phải để cho người dân Việt Nam làm.

Do đồng bào miền núi đất ruộng ít, đất rừng nhiều. Tại sao không chia đất rừng cho đồng bào miền núi làm, khắc phục cái đói cho họ để cho người cày có ruộng. Đây là yêu cầu bức bách. Cách mạng sở dĩ thành công cũng là nhờ khẩu hiệu “người cày có ruộng”.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ở ta bình quân chỉ 0,15 ha rừng trên đầu người, thấp hơn nhiều mức bình quân thế giới 0,6 ha/đầu người. Qua kiểm tra thực tế tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh và huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, nếu chia tổng diện tích đất quy hoạch làm rừng sản xuất cho các hộ dân thì cũng chỉ 4 – 5 ha/hộ.

Diện tích này không lớn đối với sản xuất lâm nghiệp. Như vậy sao lại phải cho nước ngoài thuê?

Tôi nghĩ, nếu mỗi hộ ở miền núi được giao 4 – 5 ha đất rừng sản xuất, thì người miền núi còn dễ làm giàu hơn đồng bằng, do có thể thực hiện đa cây, đa con.

Một cây trồng đất rừng giá trị lắm. Ví dụ nếu bán một cây xà cừ như ở trước cửa nhà tôi là phải 50 triệu đồng. Nên nếu một hộ dân trồng 10 cây xà cừ thì tha hồ thế chấp, vay ngân hàng. Rồi cấp sổ đỏ cho họ thay vì cho người nước ngoài thuê.

Người nước ngoài thuê vì họ trồng rừng nguyên liệu. Quan điểm trồng rừng của tôi khi tôi phụ trách chương trình 327 cũng có người phản đối do không hiểu đặc điểm rừng Việt Nam.

Quan điểm của tôi, đã là đất rừng, cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và cả rừng kinh tế là phải kết hợp. Rừng phòng hộ thì cứ 1ha đất chỉ cần dành trồng 500 cây lim, gụ, táu, lát… Còn 1.000 cây nguyên liệu là keo.

Cứ đan xen với nhau thì lúc nào cũng có rừng khai thác và phòng hộ cho các đời con cháu. Đây cũng là điều kiện để đồng bào xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Có ý kiến cho rằng, việc các tỉnh cho nước ngoài thuê rừng cũng do  áp lực tăng trưởng, tăng thu cho ngân sách?

Tôi cũng băn khoăn nhiều nhưng nói không biết có ai nghe không. Tại sao dân mình, đất mình mà không giao làm. Sao không cho nông dân vay khá hơn thay vì cho nước ngoài vay để kinh doanh bất động sản, xây dựng cao ốc.

Cho nông dân vay để trồng rừng thì không sợ mất tí nào. Mỗi hộ chỉ cần trồng một ít cây xà cừ, một ít cây lát thì tha hồ trả tiền vay. Việc đó phải tập trung lo cho dân trước, thay vì tăng thu ngân sách.

Trên thế giới, qua từng thời kỳ, có nhiều nước, nước Mỹ cũng vấp phải bong bóng bất động sản làm cho nước Mỹ bao lần suy thoái kinh tế. Ngay Trung Quốc cũng phải thừa nhận các tỉnh thi nhau bán đất để tăng thu ngân sách, phô trương tăng GDP 13 đến 14%.

Để đạt mức tăng này nhanh nhất là bán đất. Điều đó chỉ có lợi trước mắt nhưng tương lai thì vô cùng nguy hiểm. Bán đất để tăng thu ngân sách, theo tôi là điều ngớ ngẩn, không hiểu kinh tế. Họ muốn phô trương thành tích thật nhanh mà không tính lâu dài.

Còn dưới góc nhìn về an ninh quốc phòng thì sao, thưa ông?

Kháng chiến chống Pháp ta có căn cứ Việt Bắc. Kháng chiến chống Mỹ ta có rừng Trường Sơn, rừng đước ở miền Nam…Rừng đã che chở cho cách mạng. Khi chiến tranh là phải có căn cứ để sơ tán nhân dân, đối phó với địch…

Giờ những đất đầu nguồn, đất rừng này đều thuộc về đất căn cứ cả. Nghệ An cho thuê ở Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp…, những vùng khi có chiến tranh thì phải lên đó.

Tại sao dân ta thiếu việc làm, phải đi làm thuê ở Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan…Ta sang họ thì làm thợ, còn họ sang ta làm thầy. Tại sao không giảm bớt phần tiền đầu tư vào bất động sản đưa sang trồng rừng, giảm lượng thất nghiệp, giúp người dân làm giàu.

Ngay như khu Ciputra ở Hà Nội, chúng ta cho thuê 50 năm rồi họ khoanh lại xây biệt thự, bán lại cho dân ta. Phần lợi nhuận hốt được thì họ mang về nước.

Không chỉ có vậy, họ còn dựng hàng rào, biến khu đất thuê này thành khu biệt lập, mà không phải ai muốn vào là vào được. Ở ngay Thủ đô còn vậy, huống chi ở miền núi xa xôi, hẻo lánh.

Nhưng thưa ông, lãnh đạo một số địa phương cho thuê đất rừng  khẳng định việc cho nước ngoài thuê đất rừng đã được cân nhắc rất kỹ về vấn đề an ninh quốc phòng rồi?

Từ báo cáo của Bộ NN&PTNT, tôi thấy có điều khá nhạy cảm là doanh nghiệp nước ngoài họ lại chọn thuê ở nhiều địa điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Cụ thể, họ thuê đất ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng là các tỉnh biên giới. Tại Nghệ An, họ thuê ở các địa điểm gần với đường 7 và 8 sang Lào. Họ thuê ở Quảng Nam, có đường thuận tiện đi lên Tây Nguyên, qua Campuchia.

Như vậy là nắm những con đường trọng yếu của mình. Bây giờ nói như thế nhưng nay mai họ đưa người đến. Kinh nghiệm cho thấy khi làm các dự án, họ đều đưa người đến thành các làng mạc, thị trấn.

Thưa ông, trong báo cáo của Bộ NN&PTNT, quan điểm của họ về vấn đề này thế nào?

Bộ NN&PTNT kiến nghị với Chính phủ 5 vấn đề, thì trong đó có hai nội dung tôi hoàn toàn đồng ý: Một là do đất lâm nghiệp bình quân trên đầu người của ta quá ít (chỉ 0,15 ha/người), trong khi nhu cầu đất lâm nghiệp của dân rất lớn.

Vì vậy, nên hạn chế việc cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâm nghiệp, chỉ nên khuyến khích thu hút đầu tư thông qua liên doanh, liên kết với dân và doanh nghiệp trong nước;

Hai là khẩn trương giao đất, giao rừng cho người dân, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho dân để họ có tư liệu sản xuất và có thể liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để trồng rừng…

Nếu làm được như trên là rất tốt. Trên cơ sở đó chỉ đạo, hướng dẫn cho dân vay vốn phát triển, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT vẫn chưa dứt khoát, họ cũng mới chỉ kiến nghị theo kiểu khuyến cáo, đề nghị hạn chế cho nước ngoài thuê.

Phải đình chỉ ngay

Ý ông là phải cấm hẳn?

Trong thư gửi Bộ Chính trị tôi đã nói rõ, với những tỉnh đã lỡ ký cho doanh nghiệp nước ngoài thuê, thì phải tìm cách thuyết phục họ khoán cho đồng bào tại chỗ trồng, với những tỉnh thuộc vùng xung yếu mà chưa ký thì đình chỉ ngay.

Tôi cho rằng, phải giao đất rừng đến hộ. Sau đó, Nhà nước phải cho họ vay vốn để trồng rừng, đảm bảo kinh tế cho người dân. Điều đó là cần. Còn cho nước ngoài thuê thì họ đi theo lợi nhuận. Của mình thì lợi nhuận phải kết hợp với lợi ích lâu dài của đất nước.

Tốt nhất là để cho các doanh nghiệp trong nước làm. Điều này có thể làm được. Xóa đói giảm nghèo là phải tổ chức được sản xuất của nông dân. Nông dân phải tự đứng mà sản xuất, tự mình làm chủ thì mới xóa đói giảm nghèo bền vững được.

Thỉnh thoảng ti vi có các chương trình, các tổng công ty lên ủng hộ, tặng quà cho người nghèo 1 hay 2 tỷ đồng nhưng làm thế không ra đâu cả, vì nó như là bố thí. Như thế làm sao xoá đói giảm nghèo vững chãi được.

Tôi cũng đề nghị cấp sổ đỏ, giao đất khoán rừng cho dân, Nhà nước bớt đầu tư, cho vay không cần thiết để cho dân miền núi vay nhiều hơn, đạt một công đôi việc: Vừa làm kinh tế vừa làm rừng phòng hộ.

Quan niệm của tôi, tách rừng làm kinh tế và rừng phòng hộ riêng là một sai lầm nghiêm trọng. Phòng hộ phải kết hợp từ trên núi cho đến biển cả, làng mạc, đô thị.

Nhưng có ý kiến cho rằng, những nơi cho nước ngoài thuê lâu nay là đồi núi trọc, có giao dân cũng không mặn mà?

Lý đó không chấp nhận được. Đất mình, dân mình. Mình phải rất kiên trì giáo dục, thuyết phục. Khi tôi làm Chương trình 327, muốn mở rộng dự án nhưng không có đất. Đất không còn.

Bây giờ làm như thế này và trong báo cáo của Bộ NN&PTNT có nói, có nơi như ở Lạng Sơn giao cho nước ngoài chồng lấn lên cả đất của dân. Điều này rất nguy hiểm.

Còn họ nói các nơi đó không có ai làm thì phải hỏi họ: Anh lãnh đạo chính quyền làm gì? Đảng và chính quyền là phải lo cho dân làm. Thế tại sao anh đi xuất khẩu lao động được mà không đưa dân đến những vùng đó để làm được.

Giờ sông Mê Kông nước chặn đầu nguồn, đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt trong khi nước mặn xâm lấn thì hiểm họa ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là đã ở trước mắt. Không thể chủ quan. Phải thấy trước được điều đó. 

Muốn giữ được an ninh lương thực thì phải giữ được đất đai. Đất đai là tài nguyên quý nhất của đất nước và là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông dân.

Bá Kiên – Phạm Tuyên

  Thiếu tướng NGUYỄN TRỌNG VĨNH

TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH:

“CẦN XEM LẠI VIỆC CHO THUÊ ĐẤT RỪNG”

Ông Vĩnh cho rằng việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa.

Đầu tháng 2, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có thư kiến nghị lên Trung ương Đảng nêu ý kiến cảnh báo mạnh mẽ việc một số tỉnh cho doanh nghiệp nước ngoài thuê dài hạn một diện tích lớn đất rừng đầu nguồn. Pháp Luật TP.HCM có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Trọng Vĩnh.

. Vì sao ông phản đối các dự án cho thuê đất rừng?

+ Như tôi đã nêu trong thư kiến nghị, cho nước ngoài thuê rừng, nhất là rừng đầu nguồn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa. Người ta có thể chặt phá, khai thác bừa bãi mà hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng: thủy lợi hết nước, lũ lụt, lũ quét đổ về đồng bằng. Đó là chưa kể mối đe dọa về an ninh quốc phòng.

Cho thuê dài hạn lại càng không thể được. 50 năm là quá dài, ba thế hệ chứ có ít đâu. Phía doanh nghiệp nước ngoài sẽ đưa người sang khai thác, làm nhà, định cư, hình thành những cộng đồng dân cư ở một số vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng…

. Nhưng phản hồi từ phía địa phương như Lạng Sơn cho rằng chính quyền có cơ chế để có thể giám sát, kiểm soát các dự án?

+ Họ nói vậy chứ cho thuê dài hạn ai mà kiểm soát được! Họ không kiểm soát nổi đâu mà có khi cũng chẳng buồn kiểm soát.

 Ở đây tôi cũng muốn nói rõ không ai lại đi phản đối các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài, tôi cũng vậy. Nhưng thu hút đầu tư thì phải là đầu tư vào các ngành công nghiệp, công nghệ, sản xuất ra hàng tiêu dùng chứ không phải đầu tư vào đất đai. Nước ta là nước nông nghiệp, dân rất đông, người cày còn thiếu ruộng, sao lại đem đất cho nước ngoài thuê?

. Bây giờ trở lại với các dự án cho thuê đất rừng, ông nghĩ có giải pháp nào?

+ Phải đình chỉ ngay các dự án chưa ký kết, còn nếu đã ký rồi thì cũng chấm dứt, chấp nhận bồi thường. Về dài hạn, phải có chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý. Tôi chỉ có thể kiến nghị như vậy thôi.

. Xin cảm ơn ông.                    

  Đoan Trang thực hiện

 TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN ĐƯỢC TRAO TẶNG HUY HIỆU 70 NĂM TUỔI ĐẢNG

TT – Chiều 26-2, Đảng bộ Văn phòng Chính phủ đã tổ chức trọng thể lễ trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đợt 3-2-2010 tặng trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó thủ tướng.

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng – phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng – tặng trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, đồng thời tặng hoa và chúc mừng sinh nhật lần thứ 87 của trung tướng.

    Thủ tướng nhấn mạnh: “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một đảng viên trung kiên của Đảng, cán bộ lão thành xuất sắc của Nhà nước và Quân đội nhân dân VN, tên tuổi của trung tướng gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại. Đặc biệt, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung tướng là người học trò xuất sắc, là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo…”.

    Trân trọng những ý kiến đóng góp của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong trung tướng tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp cho sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ.

TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN CẢNH BÁO VIỆC CHO NƯỚC NGOÀI THUÊ RỪNG

Trách nhiệm phải lên tiếng

– Được biết ông đã có thư gửi các cấp lãnh đạo có thẩm quyền cảnh báo nguy cơ từ việc cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn. Vì sao ông không đồng tình với việc này?

Ai làm gì tôi không biết nhưng tôi thấy đây là một trách nhiệm phải lên tiếng.

Đặc điểm nước ta nhỏ hơn một tỉnh của Trung Quốc, chiều ngang hẹp, chiều dài dài, độ dốc núi đổ ra biển rất gần, các cơn lũ quét nhanh ngang tiếng động, thiên tai xảy ra liên tục, môi trường ngày càng xấu đi, đặc biệt nước biển dâng mất thêm diện tích ruộng đồng bằng. Đây là một hiểm hoạ cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia.

Ngoài chuyện chặt rừng đầu nguồn gây lũ lụt tôi còn băn khoăn ở chỗ nhiều địa điểm cho thuê có vị trí chiến lược và địa chính trị trọng yếu. Nhớ lại các thời kháng chiến, tất cả các tỉnh đều có căn cứ là các vùng rừng núi, kháng chiến chống Pháp ta có Việt Bắc, kháng chiến chống Mỹ ta có rừng Trường sơn và vùng Tây Nam Bộ. Những đất rừng đầu nguồn này đều nằm trong đất căn cứ hoặc ở vùng biên giới. Ví dụ. Nghệ An đang cho thuê ở Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đây là 3 địa bàn phên dậu quốc gia. Lạng Sơn cũng vậy.

Đảng, Nhà nước ta trong thời đổi mới cần sử dụng đất cho các mục tiêu là cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ quy mô, địa điểm, tính từng mét đất. Trong khi dân ta còn thiếu đất, thiếu nhà, thiếu việc làm, triệt để không bán, không cho nước ngoài thuê dài hạn để kinh doanh, trồng rừng nguyên liệu, địa ốc, sân gôn, sòng bạc…

Tuy đã muộn, nhưng ngay từ bây giờ, bất cứ cấp nào đều phải trân trọng từng tấc đất của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải có thể làm lại được, còn mất đất là mất hẳn.

Nhiều ý kiến phản đối, chính quyền tỉnh vẫn ký

– Có ý kiến cho rằng kiến nghị của ông bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chính xác, do đó phản ứng như vậy là có phần cực đoan?

Tôi có thông tin chứ không phải chỉ nghe nói đâu đó. Sở dĩ tôi có thông tin là do anh em ở bộ chỉ huy quân sự tỉnh và công an báo lên. Ngay khi nhận được tin báo tôi đã gọi về các địa phương để hỏi, lãnh đạo tỉnh cũng công nhận với tôi là có chuyện đó.

Ở một số địa phương, công an và bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã lên tiếng ngăn cản nhưng chính quyền vẫn ký. Thậm chí, có nơi Chủ tịch tỉnh kí cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn.

Hồi anh Võ Văn Kiệt làm Phó Thủ tướng, anh Kiệt có giao cho tôi làm đặc phái viên hai việc: Một là làm sao chấm dứt được việc đốt rừng; Hai là tạm thời đình chỉ việc xuất khẩu gỗ. Anh Kiệt cho đến lúc cuối đời vẫn còn trăn trở với 2 phần việc này.

Trong một văn bản ủy quyền cho tôi, anh ghi rõ giao đồng chí Đồng Sỹ Nguyên có quyền xử lí tại trận không cần báo. Gay gắt đến thế trong việc giữ rừng giữ đất. Để đồng bào có sức trồng rừng, anh Kiệt còn cho chở gạo từ phía Nam ra tiếp trợ.

Trong bảy năm được Đảng, Chính phủ giao phụ trách chương trình 327, tôi đã cùng các bộ, các địa phương lặn lội khắp mọi nẻo rừng, ven biển, các đảo; đã từng leo nhiều ngọn núi cao hàng 1000m, từ bước chân, qua ống nhòm đã tận mắt thấy cảnh tàn phá rừng để làm nương rẫy, chặt phá gỗ quý để sử dụng và xuất khẩu.

Mối nguy hại của việc tàn phá rừng đầu nguồn thế nào mọi người đều đã rõ. Bởi vậy, trồng rừng đầu nguồn là vấn đề sống còn, là sinh mệnh của người dân, chúng ta không chỉ trồng rừng mà còn phải bảo vệ rừng.

Đã cho thuê hơn 300 ngàn ha rừng

– Đến nay ông đã nhận được phản hồi nào về kiến nghị của mình chưa?

Khi tôi gửi kiến nghị lên thì có nhận được điện thoại của Thủ tướng. Thủ tướng nói với tôi là đã nhận được thư và đang giao cho Bộ Nông nghiệp đi điều tra thực tế. Bộ Nông nghiệp cũng đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng điều tra xong và gửi lại bằng văn bản cho tôi.

– Kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp ra sao, thưa ông?

Bộ Nông nghiệp đồng ý với tôi việc 10 tỉnh cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn là sự thật. Bộ đã trực tiếp kiểm tra tại 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ngoài ra tổng hợp từ báo cáo của 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. 10 tỉnh này đã cho 10 DN nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha, trong đó DN từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.

Giới chức địa phương khi được phỏng vấn đã bác bỏ quan ngại với lý do các dự án đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích của cộng đồng dân cư. Ông nghĩ sao về lập luận này?

Nói như thế là không thuyết phục.

Ngay trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp cũng đã xác nhận một sự thật là một số nơi đã thu hồi đất của dân (đất lâm nghiệp thực tế đã có chủ) để giao cho nước ngoài thuê.

Theo tự nhiên, dân đồng bằng phải có ruộng, người miền núi phải có rừng. Nay cho thuê hết đất rừng thì người dân sẽ mưu sinh thế nào, điều đó cần phải làm rõ. Bao nhiêu cuộc kháng chiến của ta cũng chỉ vì mục tiêu người cày có ruộng, người dân miền núi có rừng. Cách mạng thành công cũng nhờ mục tiêu đó mà người dân hướng theo.

Việc lo cho dân phải là việc đặt lên hàng đầu, trước cả việc thu ngân sách. Cứ dựa vào những lập luận như tăng thu ngân sách để có những quyết định ví dụ như cho người nước ngoài thuê dài hạn đất rừng đầu nguồn là một tầm nhìn rất ngắn!

Sao không tự hỏi vì sao các DN nước ngoài lại chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên? Rõ ràng đó là những tỉnh xung yếu biên giới, có những vị trí địa chiến lược mang tính cốt tử. Bản thân dân nước mình cũng đang thiếu việc làm.Và khi đã thuê được rồi thì liệu họ có sử dụng lao động là người Việt Nam hay là đưa người của họ sang?

Lấy ngay ví dụ việc cho nước ngoài thuê đất ở Đồ Sơn. Tôi đã trực tiếp đến kiểm tra, xung quanh khu vực đó, họ cho đóng những cột mốc to như cột mốc biên giới và không cho người Việt vào đó. Cận vệ của tôi tiếp cận xin vào họ cũng không cho, đến khi tôi trực tiếp xuống xe, làm căng quá mới vào được.

Việc một số địa phương nói rằng có những vị trí cho người nước ngoài thuê vì bao lâu nay vẫn để trống, nói như vậy là vô trách nhiệm, địa bàn anh quản lí mà để như thế tức là đã không làm tròn nhiệm vụ. Hồi tôi đi làm dự án 327, tôi rõ lắm, dân mình lúc nào cũng thiếu đất, muốn làm dự án còn không có mà làm, sao có đất để không được.

Kiến nghị đình chỉ ngay những dự án chưa ký

– Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì trước hiện trạng này?

Một số tỉnh đã lỡ ký với doanh nghiệp nước ngoài cần tìm cách thuyết phục họ khoán cho đồng bào tại chỗ trồng. Đặc biệt các tỉnh thuộc vùng xung yếu biên giới, những tỉnh chưa kỷ đình chỉ ngay. Thay vào đó, huy động các doanh nghiệp trong nước đầu tư, kết hợp sử dụng một phần vốn chương trình 5 triệu ha rừng để thực hiện.

Các tỉnh chỉ đạo các huyện, các lâm trường lập ra bộ phận chuyên trách. Trong vòng một năm, chính thức giao khoán đất, khoán rừng cho từng hộ. Trong bản, trong xã cấp sổ đỏ quyền sở hữu sử dụng đất rừng vào mục đích trồng rừng phòng hộ kết hợp rừng kinh tế.

Từ đây, tôi đề nghị mở rộng chương trình xoá đói giảm nghèo ở miền núi thành chương trình làm giàu cho đồng bào miền núi, kết hợp bố trí tái định cư của các công trình. Điều kiện làm giàu ở miền núi tốt hơn ở đồng bằng.

Đất đai là thứ tài sản nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của dân tộc, hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng.

Thu Hà thực hiện