Trang chủ » Chưa phân loại » KHAI BÚT ĐẦU NĂM

KHAI BÚT ĐẦU NĂM

       TRẦN BÁ THOẠI
   Xin dành những dòng chữ đầu năm để viết những vấn đề liên quan đến con trai tôi và bạn bè của nó, những thanh niên U 20 đang chuẩn bị vào đại học, những người chủ tương lai của đất nước mai này khi “tre đã già”, đó là vấn đề NỘI LỰC bản thân .

    Số là hôm qua chương trình trực tiếp truyền hình trước giao thừa do anh Lại Văn Sâm dẫn chuyện, người dẫn đã hay và ba vị khách mời: nhà báo Hữu Thọ, nhà văn Chu Lai và nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cũng khá “đạt”, theo tôi chính sự sâu sắc của những vị khách mời này đã để lại điều thú vị …
     Ấn tượng nhất với tôi có lẽ là ý kiến của nhà văn “quân đội” Chu Lai. Theo ông ta thì cái quá khứ hào hùng chỉ là chất men, là niềm tự tin để chúng ta tiến tới…còn muốn khẳng định mình thì phải đưa ra những thành quả làm được hôm nay. Tôi muốn tản mạn đầu năm với những bạn trẻ về vấn đề này.
     Hơn 20 năm trước, khó khăn xoay xở lắm tôi mới xem được phim “Chuyện tử tế”, “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Một đoạn lời thoại trong phim vô cùng ấn tượng là so sánh cách dạy, tư duy giáo dục của người Nhật và người Việt chúng ta ….Trong khi chúng ta nói với con cái là chúng ta có rừng vàng, biển bạc, có nhiều tài nguyên, khoáng sản…thì người Nhật làm ngược lại, họ nói với thể hệ học sinh, thanh niên rằng: Nhật rất nghèo cả đất đai lẫn tài nguyên, nước Nhật lại hay bị động đất…và phải đầu hàng vì thua trận trong Thế chiến thứ II và rồi họ đưa ra kết luận “Tương lai của đất nước chúng ta (Nhật) phụ thuộc hoàn toàn vào bàn tay khối óc của thế hệ trẻ”. Vậy là người Nhật đã đưa ra một tiền đề quan trọng mà một Võ sư, thầy tôi thường dạy: “Nỗ lực rồi cậy trông”.
     Giờ đây cả thế giới là một ngôi nhà chung, có người Việt đi giảng dạy ở châu Âu, châu Mỹ.. và ngược lại nhiều GS người Pháp, người Úc….thường xuyên được mời giảng tại Việt Nam… Nhưng cũng cần phân biệt thật rạch ròi: giao du quốc tế không có nghĩa là chúng ta có đẳng cấp quốc tế , đặc biệt là những lời khen “ngoại giao”, lấy lòng nên thường không có chuẩn chính xác. Gần đây “cộm” lên một vấn đề là Làm sao Việt Nam có trường đại học tầm cỡ quốc tế ? Dù không phải là người tự ti hay tiêu cực; nhưng theo tôi đây là một ý tưởng bất khả thi (unfeasible) khi xét về khả năng và trình độ. Theo các chuyên gia Hoa Kỳ, bất cứ dự án nào muốn khả thi cần có 4 chữ M: Man power (con người), Money (tiền của), Materials (cơ sở vật chất) và Management (quản lý)…chiếu theo tiêu chí này chúng ta khó đạt được ý muốn, còn cứ ráng chắc thành “ảo vọng”.
     Là bác sĩ lâu năm, theo tôi trong y học, để chữa bệnh thì khó khăn nhất, tiêu chí để đánh giá “hơn hay thua nhau” chính là khâu chẩn đoán tìm ra bệnh chứ không phải là khâu cho thuốc.

     Trong cuộc sống, một thanh niên trẻ trước ngưỡng vào đời, thành hay bại sau này, quan trọng nhất là anh ta phải xác được Mình là ai? Mình ở trình độ nào? Điều kiện kinh tế xã hội hiện tại ra sao? Và luôn luôn phải nhớ rằng ý muốn và khả năng là hai vấn đề khác biệt. Đến đây tôi nhớ câu chuyện ngụ ngôn mẹ thường kể hồi còn bé về chuyện ngộ nhận của con gà trống: gà trống vẫn huênh hoang là nhờ nó gáy ông mặt trời mới nhớ mà “mọc” lên…và kết cục ai cũng rõ.
    Và lời khuyên đầu năm với các bạn trẻ là Hãy đứng trên chân của mình. Những kẻ bất tài mới “dựa hùm nhát khỉ”, “theo đóm ăn tàn” hay tệ hại hơn là  đi làm “ăn mày dĩ vãng”…
    Chúc năm mới VẠN SỰ NHƯ Ý

PAINT YOUR LIFE (TỰ VẼ ĐỜI MÌNH).pps