“ĐỀ KHÁNG INSULIN”
TS.BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng)
Hỏi: Trên báo Tuổi trẻ cuối tuần ngày 15/02/09 trong các trang quảng cáo tôi thấy có bài Hộ Tạng đường- Bảo vệ tạng ở bệnh nhân tiểu đường (tôi có scan gởi kèm), BS Hoàng Cương có viết “…Điều trị bằng insulin có thể không đạt được việc kiểm soát đường huyết như mong muốn ở những bệnh nhân đã có đề kháng với insulin…….Bản thân insulin cũng bị nghi ngờ là một nguyên nhân của bệnh tim mạch…”
Tôi muốn được giải thích: (1) Đề kháng insulin là gì? Vì sao khi đã có đề kháng với insulin thì việc dùng insulin không kiểm soát đường huyết hiệu quả nữa? (2) Vì sao insulin bị nghi ngờ gây ra bệnh tim mạch?
thuha_116@yahoo.com
Trả lời: Đề kháng insulin (insulin resistance) là tình trạng insulin bị giảm mất hiệu quả tác dụng kiểm soát đường máu so với bình thường, nghĩa là bệnh nhân tuy có nồng độ insulin máu bình thường, thậm chí còn cao hơn cả mức trung bình, nhưng cơ thể bệnh nhân đái tháo đường thể 2 vẫn không kiểm soát đường máu ổn định. Cần lưu ý tình trạng đề kháng insulin hoàn toàn không có nghĩa là cơ thể chống lại insulin như suy nghĩ thông thường. Muốn xác định bệnh nhân có tình trạng đề kháng insulin hay không, thầy thuốc chuyên khoa nội tiết có nhiều cách: * Đo tỉ số: Nồng độ insulin/Nồng độ glucose máu (I/G) tỉ số này từ 0,3 đến 0,4 là bình thường, nếu thấp hơn là có tình trạng “đề kháng insulin” và nếu cao hơn là có tình trạng “cường insulin”. ** Các chỉ số khác như chỉ số HOMA, QUICKI…rất chính xác, nhưng quá phức tạp nên thường chỉ được dùng trong nghiên cứu khoa học, hoặc những trường hợp bệnh lý đặc biệt, cần có chế độ chăm sóc riêng.
Insulin có gây ra bệnh tim mạch không?
Bản chất insulin là một hormone bình thường hiện hữu trong cơ thể con người chúng ta. Insulin được sinh tổng hợp và tiết ra từ các tế bào bê-ta của tuyến tụy tạng.
Chúng ta bị đái tháo đường trong 2 tình huống: một là tế bào bê-ta của cơ thể không sinh tổng hợp đủ lượng insulin theo nhu cầu và hai là tình trạng đề kháng insulin khiến hormone này không còn tác dụng hiệu quả, dù rằng nồng độ insulin trong máu đủ ngang bằng hay cao hơn mức bình thường. Trên lâm sàng thì bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch thật sự là bạn đồng hành với nhau.
Cho nên có thể nói vắn tắt rằng tình trạng đề kháng insulin là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường và đái tháo đường hay có các biến chứng tim mạch, còn bản thân insulin là chất sinh học bình thường chắc chắn chẳng liên quan gì các bệnh tim mạch cả.
Thuốc điều trị đái tháo đường hiện nay?
Có rất nhiều loại thuốc điều trị đái tháo đường, chúng được xếp trong 4 nhóm: (1) Hormone insulin, là thuốc điều trị đái tháo đường tốt nhất và hợp sinh học nhất, đặc biệt với công nghệ gen (gen engineering) người ta đã sản xuất được insulin “người” 100% nên rất an toàn; khó khăn còn lại của việc dung insulin liệu pháp là bảo quản thuốc khó khăn hơn và bị đau khi chích thuốc, đã có nhiều nghiên cứu insulin không chích (non-ịnjectable insulin) như: insulin dạng uống, insulin dán vào da, hít vào mũi hay xịt vào miệng nhưng chưa đưa ra dùng đại trà,(2) Nhóm các thuốc kích thích tế bào bê-ta tăng tiết thêm insulin,(3) Nhóm thuốc chống lại sự đề kháng insulin hay làm tăng nhạy cảm với insulin và cuối cùng (4) Nhóm thuốc làm giảm sự tiêu hóa, hấp thu đường glucose từ ruột. Tùy theo tình trạng bệnh cụ thể, thầy thuốc sẽ chọn và phối hợp thuốc thích hợp cho từng bệnh nhân.
Cần lưu ý là mỗi căn bệnh sẽ thích hợp với một số thực phẩm nào đó, và chúng ta có thể dùng chúng để phối hợp, hỗ trợ điều tri bệnh. Bản thân các thực phẩm này không phải là thuốc nên dứt khoát không thể dùng nó để thay thế thuốc chuyên khoa.