Trang chủ » Chưa phân loại » HỌC TẬP HỒ CHỦ TỊCH !!!

HỌC TẬP HỒ CHỦ TỊCH !!!

Đây là bài mới đăng trên Bauxite Việt Nam,  tác giả Vương Trí Dũng. Vài giờ nữa Quốc hội sẽ “bấm nút” cho dự án ĐSCTBN.  Xin trích đăng lại….

Trần Bá Thoại

BÁC HỒ VÀ BÀI HỌC VỀ CHUYỆN ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC

Vương Trí Dũng

Tôi thật cảm động khi được xem lại hình ảnh Bác Hồ cầm khăn lau nước mắt, thừa nhận sai lầm của Đảng trong Cải cách ruộng đất. Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác vừa qua với những thước phim tài liệu quý giá, những giọt nước mắt nghẹn ngào của các nhân chứng đã cho ta thấy Bác vĩ đại dường nào.

Người dân Việt Nam lại một lần nữa nhớ đến Bác với sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn và niềm kính yêu vô hạn. Các thế hệ sinh sau khi Bác mất, đã cảm nhận được dân tộc ta thực sự đã sinh ra một người anh hùng dân tộc vĩ đại. Ai cũng học được Bác một điều gì, chí ít là trong tiềm thức. Nhưng người phải học tập được nhiều hơn từ tấm gương của Bác sẽ phải là người có trọng trách cao hơn.

Nhiều người sẽ còn nhớ mãi đoạn phim tài liệu ghi lại hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Bác Hồ. Đại tướng nói: “Bác Hồ là con người của những quyết định lịch sử” và Ông kể lại 3 câu hỏi ngắn gọn của Bác để rút ra quyết định Toàn quốc kháng chiến.

“Hà nội giữ được bao lâu? Thưa Bác, một tháng (sau này là hai tháng). Thế các thành phố khác? Thưa Bác, được lâu hơn. Còn vùng nông thôn? Dạ, vùng nông thôn thì dĩ nhiên là ta giữ được. Thôi ta trở lại Tân trào”.

Chỉ có Bác Hồ mới có khẳ năng siêu phàm, trong bối cảnh vô cùng phức tạp của muôn vàn các mối quan hệ, đã sáng suốt tinh chọn ra 3 câu hỏi cực kỳ đơn giản nhưng rất then chốt. Từ những câu hỏi của Bác và câu trả lời của Đại tướng, chúng ta không chỉ thấy ngay được quyết định mà còn thấy được cả quá trình tiếp diễn trong tương lai của cuộc kháng chiến: Tạm thời phải rời bỏ thành phố về rừng núi và nông thôn xây dựng căn cứ và lực lượng để tạo dựng thời, cơ tái chiếm thành thị.

Ba câu hỏi của Bác đã loại bỏ bao nhiêu lý luận phức tạp, và quan trọng hơn, đã gạt hết mọi nghi ngờ về sự đúng đắn của quyết định Toàn quốc kháng chiến và tương lai của nó. Đó là một cuộc ra đi thấy được ngày về.

Vì sao lại có được 3 câu hỏi như vậy? Đó là do phương pháp tiếp cận hệ thống. Tồn tại các phương pháp tiếp cận hệ thống hoàn hoàn toàn khác nhau giữa các nhà hoạch định chiến lược và những người triển khai tác nghiệp. Khi nhận những quyết định mang tính định hướng chiến lược, người hoạch định phải căn cứ vào những yếu tố mang tính tiên đề. Còn khi triển khai tác nghiệp, người cầm quân phải dựa vào những tính toán chuyên gia chi tiết kỹ lưỡng.Trong các trường hợp phức tạp của dữ liệu đầu vào, khi mà những phân tích chuyên gia chi tiết không khái quát hết vấn đề, thì luôn luôn phải dựa vào các yếu tố mang tính tiên đề. Các kết luận rút ra từ các phân tích chuyên gia không được mâu thuẫn với các yếu tố tiên đề hay các kết quả mang tính kinh điển. Một phương án rất chi tiết vừa trình lên có thế sẽ bị gạt đi nếu người nhận quyết định giỏi nhìn thấy ngay được sự vi phạm căn bản với các tiên đề hay các kết quả thực nghiệm kinh điển. Trong trường hợp quyết định Toàn quốc kháng chiến, Bác tin tưởng vào câu trả lời của Đại tướng là hoàn toàn đúng đắn và 3 khẳng định đó đã trở thành các yếu tố mang tính tiên đề.

Học tập Bác, áp dụng vào trường hợp vấn đề đường sắt cao tốc gây tranh cãi hiện nay tại Quốc hội và trong công chúng, chúng ta cũng đưa ra được 3 câu hỏi đơn giản mà từ câu trả lời có thể thấy ngay được quyết định và cũng gạt bỏ được nghi ngờ về tính đúng đắn của nó.

1. Đường sắt thông thường vận tốc 100-200km/h có ở những nước nào? Có ở tất cả các nước phát triển và các nước tiên tiến.

2. Thế còn đường sắt cao tốc? Đường sắt cao tốc chỉ có ở một số ít các nước tiên tiến.

3. Đường sắt cao tốc có sau hay trước đường sắt thông thường? Đường sắt cao tốc có sau.

Thế là rõ. Việt Nam sẽ có đường sắt cao tốc khi trở thành một nước phát triển tiên tiến, sau khi đã có đường sắt thông thường vận tốc 100-200km/h.

Học tập cách tiếp cận vấn đề của Bác còn có được nhiều bài học sâu xa hơn cho những nhà quản lý hiện nay của nước ta.

1. Không ngộ nhận về tầm nhìn chiến lược

Một số người hay nói về tầm nhìn chiến lược. Điều đó cao xa quá.

Bác Hồ giỏi và vĩ đại như vậy nhưng trong suốt cuộc đời, Người chưa bao giờ tỏ ra, hay chủ ý trở thành một nhà triết học của những học thuyết.

Bác Hồ là nhà cách mạng hành động.  Người đưa ra những quyết định chiến lược mang tính lịch sử nhưng lời lẽ rất giản đơn. Người nhìn được xa nhưng cách nói lại thấy gần.

Chúng ta muốn nhìn đến năm 2035, đó là điều dễ hiểu. Nhưng có vấn đề phải cấp thiết tính đến và có những điều chưa cần bàn đến. Thí dụ khi mở đường phố mới thì phải nhất thiết tính đến cầu vượt, đường hầm, vì dân số tăng, lượng xe ô tô tăng, nhà hai bên phố xây rồi không phá được. Vậy mà đường Phạm Hùng dài rộng mới làm ở khu đô thị hiện đại hàng đầu của Hà Nội lại không có cả cầu vượt lẫn đường hầm. Ngày nào cũng thấy tắc nghẽn, không đợi chờ đến năm 2035. Còn đường sắt cao tốc các đoạn, thí dụ: Hà Nội – Vinh, Vinh – Đà Nẵng, Đà Nẵng – Nha Trang, Nha Trang – TP Hồ Chí Minh là những đoạn có thể xây dựng hoàn toàn độc lập mà không có hệ lụy của nhau. Vậy thì cần gì phải nghiên cứu cho đoạn Đà Nẵng – Nha Trang mãi đến năm 2030 mới xây dựng. Vào thời điểm đó, các điều kiện công nghệ cũng như kinh tế đã hoàn toàn thay đổi, vị thế và cách nhìn đã khác. Lúc đó thế hệ sau có thể quyết định xây dựng đường cao tốc 500km/h với công nghệ mới mà dẫu có muốn để ý đến công trình 300km/h của cha anh thì cũng đành phải gạt bỏ. Như vậy là có cái phải làm hộ, nhưng cũng có điều không phải hoặc không được làm thay cho con cháu. Nhìn gần mà còn sai, nhìn quá xa để làm gì, vì thực sự rất khó nhìn xa.

Việt Nam sẽ có đường sắt cao tốc. Đó là điều không bàn cãi.

Và điều không bàn cãi tiếp theo, rút ra từ bài học không ngộ nhận về tầm nhìn chiến lược, là chưa phải lúc bàn về đường sắt cao tốc. Đó là việc làm của thế hệ kế tiếp.

2. Không đốt cháy giai đoạn

Bài học nhãn tiền của sự nóng vội về hợp nhất đã làm Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết tan rã. Còn Liên minh châu Âu hiện nay đang cố xích lại gần. Những gì mà nhiều nước văn minh đi trước đã phải trải qua, được kiểm nghiệm bằng thực tiễn thì không cố tình tỏ ra sáng tạo, đi tắt, loại bỏ. Thế hệ tiếp theo sẽ bàn về đường sắt cao tốc sau khoảng 15 – 20 năm nữa khi mà hệ thống đường sắt tốc độ 100 – 200 km/h đã được thiết lập trù mật.

Nóng vội bỏ qua đường sắt tộc độ thông dụng nhất đã được thực tiễn kiểm nghiệm ở nhiều nước là mâu thuẫn với các kết quả kinh điển và hiển nhiên sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Mệnh đề “Không đốt cháy giai đoạn” có hiệu lực không chỉ cho vấn đề đường sắt cao tốc mà nên thận trọng cân nhắc xuyên suốt cho tất cả các quyết sách quan trọng.

3. Bài học về nhân sự

Đề xuất đường sắt cao tốc là hậu quả của trình độ quản lý.

Một vấn đề không mấy phức tạp, nếu nói thật lòng là rất đơn giản, làm sao lại có thể xuất hiện trên bàn Quốc hội? Đó là do những người đề xuất. Trình độ của cán bộ quản lý hiện nay đã làm cho họ nhìn không ra hay nhìn sai lệch cái cần bàn. Thay vì sự lựa chọn đã rõ ràng lại đề xuất những vấn đề không đúng lúc, gây ra tranh cãi. Điều nguy hiểm hơn là những đề xuất đó còn kéo theo sự mất tiền cho các nghiên cứu thăm dò, dự báo, thử nghiệm. Một khoản tiền không nhỏ cùng với sự phí phạm thời gian.

Nếu những người chịu trách nhiệm quản lý được lựa chọn một cách khoa học rộng rãi thì chắc chắn đã không có vấn đề đường sắt cao tốc vào thời điểm hiện nay. Không thể không học Bác về cách bổ nhiệm cán bộ.

4. Thừa nhận sai lầm

Tôi không nghi ngờ gì về việc Quốc hội sẽ không thông qua vấn đề đường sắt cao tốc, mặc dù người dân đang lo Quốc hội không dám bác Chính phủ – điều vị nể thường có trong quan hệ Á đông. Nhưng đã nói đến quyền lợi quốc gia thì sự đồng thuận khiên cưỡng phải gạt bỏ. Rồi sẽ có một số người bằng mọi cách vận động để giành giật một chủ trương. Họ lý luận rằng chỉ xin chủ trương thôi, còn nghiên cứu, còn trình Chính phủ, còn trình Quốc hội, chứ đã làm đâu mà phải lo. Cái lo là mất tiền oan cho một vấn đề đã rõ, không cần phải nghiên cứu.

Chúng ta cũng không nghi ngờ về mục đích của những người bảo vệ dự án đường sắt cao tốc hiện nay. Vì nó bao hàm lòng mong muốn cho nước nhà phát triển. Tuy nhiên ở đây cần lưu ý lời dạy của Lê Nin về nhiệt tình cách mạng.

Sai lầm trong các quyết định ở mọi cấp độ là một vấn đề thông thường không tránh khỏi. Bác Hồ khóc thừa nhận sự sai lầm của Đảng là điều đáng khâm phục, nhất quyết phải học tập.

Được đăng bởi bvnpost vào lúc 07:49