Trang chủ » Chưa phân loại » HIỂU ĐÚNG CÁC XÉT NGHIỆM Y KHOA

HIỂU ĐÚNG CÁC XÉT NGHIỆM Y KHOA

Gần đây, khi bàn về tiêu cực trong ngành y tế, tôi được nhiều bệnh nhân hỏi cùng nội dung:

(1) Xét nghiệm y khoa để làm gì ?

(2)  Nhân viên y tế có thể dựa vào xét nghiệm để tiêu cực không?

  Bài viết này thay cho câu trả lời vậy.

   Trần Bá Thoại

 HIỂU ĐÚNG CÁC XÉT NGHIỆM Y KHOA!

     Là ngành khoa học thực nghiệm, Tây Y thường chẩn bệnh dựa vào bằng chứng (evidence based medicine). Bên cạnh các phương pháp khám bệnh chung như Đông Y: hỏi, nhìn, sờ, gõ và nghe, trước khi gút lại chẩn đoán Tây Y còn để ý đến các cơ năng sinh tồn: nhiệt, mạch, huyết áp, nhịp thở và đặc biệt là luôn luôn đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng, đó là các xét nghiệm đặc hiệu, để chứng minh, khẳng định chẩn đoán.

    Hiện nay đã có vô số xét nghiệm, thăm dò chẩn đoán trong nhiều lãnh vực khác nhau: sinh hóa, huyết học, vi sinh, tế bào học, hình ảnh… Nhưng dưới góc độ mục đích sử dụng, các xét nghiệm y khoa thường được chia làm ba nhóm:

       * Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh (diagnostic test): Đây là những xét nghiệm đặc hiệu cho căn bệnh được bác sĩ nghi ngờ, hướng suy nghĩ tới, ví dụ xét nghiệm vi trùng lao (BK) trong bệnh lao, HIV trong bệnh AIDS….

      * Các xét nghiệm để sàng lọc bệnh (screening test): Là những xét nghiệm để phát hiện bệnh, đánh giá dịch tể học về tần suất mắc bệnh trong  một cộng đồng, ví dụ xét nghiệm đường glucose máu để tầm soát bệnh đái tháo đường, xét nghiệm TSH cho trẻ sơ sinh để tầm soát (sàng lọc) bệnh suy giáp bẩm sinh… 

      * Các xét nghiệm để loại trừ hay gián biệt bệnh (differential test): Những xét nghiệm này giúp bác sĩ loại trừ (gián biệt) các căn bệnh có biểu hiện khá giống nhau; ví dụ bệnh nhân đau vùng thượng vị (chấn thủy) dù đã có tiền sử viêm dạ dày, hoặc đã được soi dạ dày thì cũng nên siêu âm bụng để loại trừ các bệnh gây đau tương tự như sỏi mật, sỏi ống tụy.v.v…

      Để đánh giá một xét nghiệm y khoa chúng ta cần để ý 3 điều: một là giá trị chẩn đoán của nó, tức là mức độ “bà con, sát sườn” của xét nghiệm với căn bệnh nghi ngờ. Những xét nghiệm chủ đạo để chẩn bệnh này được gọi là xét nghiệm vàng hay tiêu chuẩn vàng, ví dụ  nồng độ glucose máu với bệnh đái tháo đường, nồng độ hormone T3 và T4 trong bệnh cường giáp Basedow vi-rút HBV để chẩn đoán viêm gan B…hai là độ chính xác của xét nghiệm; tức là mức độ tin cậy của kết quả có được. Về độ tin cậy này người ta đưa ra hai chỉ tiêu là độ nhạy cảm (Se, sensibility) và độ đặc hiệu (Sp, specificity), một xét nghiệm vừa có độ nhạy lẫn độ đặc hiệu cao là xét nghiệm lý tưởng thầy thuốc nên chọn và ba là thời gian làm xét nghiệm, ví dụ đường glucose có thể đo glucose khi đói (Go), hai giờ sau ăn (G2) hoặc đường máu bất kỳ (Gc); nồng độ hóc môn nội tiết nữ estradiol được làm ngày nào ( E 1, 2…15, 28 ) của chu kỳ kinh nguyệt; độ đặc của máu (Hct) được đo ngày thứ mấy ở bệnh nhân sốt xuất huyết.v.v….

      Vì chưa hiểu hết ý nghĩa và sự phức tạp của các xét nghiệm y khoa, nên đã có quá nhiều ý kiến chê trách ngành y tế, tựu trung trong 3 vấn đề:

     * Cho làm nhiều xét nghiệm quá vì bác sĩ kém cõi nên phải “bao vây”, cho thừa xét nghiệm mới chẩn ra bệnh chăng?

     * * Cho làm nhiều xét nghiệm là cơ hội bác sĩ “móc túi” bệnh nhân, tăng thêm thu nhập?.

    * * * Cho làm nhiều xét nghiệm, đặc biệt tuyến trên cho làm lại các xét nghiệm có vẻ “tương đương” mà tuyến dưới đã làm vì bác sĩ muốn “làm oai”, muốn chứng minh mình “hiểu rộng”; bất chấp tuyến dưới đã “chịu khó” làm đủ xét nghiệm chẩn ra bệnh, thậm chí còn đưa ra cả “hướng điều trị và tiên lượng” !!!.

      Trong y học, rất nhiều bệnh được phát hiện do “sàng lọc” hoặc do “tình cờ”. Đã có rất nhiều bệnh nhân có vẻ “bình thường”, tình cờ làm xét nghiệm tổng quát để chữa răng sâu, hay để mổ ruột thừa viêm mới phát hiện bị nhiễm HIV, viêm gan, đái tháo đường, thừa mỡ máu…Cho nên cũng phải công bằng mà nhận xét rằng: tất cả các xét nghiệm “hàng loạt” đều cần thiết nhưng với mức độ “ưu tiên” khác nhau mà thôi, trên thực tế thầy thuốc không thể chỉ cho thật “vừa đủ” xét nghiệm theo căn bệnh đang theo dõi được. 

      Mọi ngành nghề đều có người tốt kẻ xấu, “ở đâu cũng có anh hùng và ở đâu cũng có thằng khùng, thằng điên”; y tế không là ngoại lệ. Đã có nhân viên y tế lạm dụng, làm giả xét nghiệm để tham ô, tiêu cực…tiền cả bạc tỷ. Người viết cũng làm việc lâu năm trong ngành y, mong rằng bài viết này sẽ được nhiều người đọc, thấu hiểu và cảm thông với y tế.