Trang chủ » Chưa phân loại » HỘI NGHỊ THẾ GIỚI VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

HỘI NGHỊ THẾ GIỚI VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

 Băng tan ở Nam Cực

 Triều cường TP HCM

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU!

               Trần Bá Thoại

     Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 15) từ hôm nay 07/12 cho đến 18/12/2009 ở Copenhagen (Đan Mạch) quy tụ những vị nguyên thủ quốc gia, giới lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, nhiều chuyên gia cao cấp và các nhà hoạt động về môi trường, dự kiến có đến 17.000 đại biểu về họp.

    Hội nghị diễn ra trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang diễn ra theo xu hướng xấu, mức báo động: (1) nhiệt độ trái đất tăng thêm 0,74 0 C từ 1996 đến 2005 và còn tăng hơn trong thời gian tới, (2) bão tố, lũ lụt ngày càng phức tạp, hung dữ hơn, (3) mực nước biển dâng cao với nạn triều cường đe dọa nhiều nơi.

   Cần lưu ý là ba yếu tố xấu này lại có liên quan mật thiết với nhau: Việc phá rừng lấy gỗ, lấy đất canh tác, xây nhà máy thủy điện không chỉ ảnh hưởng lên lũ lụt, mà còn làm tăng hiệu ứng nhà kính, phá vỡ tầng ô-zôn, lý do là lá cây rừng trong quá trình quang hợp đã sử dụng rất nhiều các-bô-níc để tổng hợp ra chất hữu cơ, nên đã giúp quả đất giảm đi rất nhiều chất “đầu sổ” gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường vẫn ví rừng là “lá phổi của hành tinh” chúng ta. Khi nhiệt độ trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính, khối băng khổng lồ ở hai cực quả đất sẽ tan chảy ra, nước biển dâng lên và triều cường ngày càng lớn.

    Nhận thức mối đe dọa môi trường như thế, ngày nay nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu lo lắng, sửa chữa những “tàn phá” môi trường trước đây: Trung Quốc dự tính sẽ chi thêm 300 tỷ USD trong 10 năm tới để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thái Lan gần đây cũng đã cho thấy xu hướng “ưu tiên” giữ môi trường hơn là chạy theo lợi nhuận kinh tế, qua việc Tòa án hành chính tối cao ra phán quyết ngưng xây dựng 65/76 dự án ở khu công nghiệp Map Ta Phut. Ở Việt Nam những năm gần đây, với lý do “đất nước phát triển rất cần điện và thiếu điện”, nhiều nhà máy thủy điện được thi công ào ào như “nấm mọc sau mưa”. Hậu quả là rừng già, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh …nếu cần người ta cũng triệt hạ tuốt để ưu tiên làm thủy điện. ThS.KS lâm nghiệp Lương Vĩnh Linh, GĐ Vườn Quốc gia Cư Yang Sin than thở: “Nhiều kiểm lâm viên bỗng ngộ ra rằng họ chỉ có thể ngăn chặn dân nghèo chặt phá vài héc ta rừng để kiếm sống; chứ không cách gì ngăn nổi đại gia phá hàng trăm héc ta rừng để làm giàu bằng các dự án thủy điện”. Nhưng rồi những trận lũ lụt khủng khiếp sau hai cơn bão số 9 và số 11 đã khiến cho chính quyền địa phương “sáng mắt”, nhận ra rằng “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, và rồi tuy cũng đã muộn, nhưng cũng đã có nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đã bị rút phép thi công.

     Dù đã đạt được hai Nghị định thư Rio de Janeiro 1992 và Nghị định thư Kyoto 1997;  nhưng những cam kết này không có “thực chất” vì các nước có lượng khí thải nhiều nhất như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil..lại có vẻ lảng tránh và chẳng đưa ra một cam kết cụ thể nào về lộ trình cắt giảm khí thải.

     Hy vọng trong hội nghị thượng đỉnh này, các nước giàu, nước lớn -vốn là những nước “phun ra” nhiều khí thải nhất trên thế giới cùng ngồi lại để bàn lại:  phát triển kinh tế xã hội nhưng phải “sạch và xanh”.