Trang chủ » Chưa phân loại » HỌC SINH ĐÁNH NHAU

HỌC SINH ĐÁNH NHAU

    BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG:LỖI DO NGƯỜI LỚN!

                      TRẦN BÁ THOẠI

   Gần đây khá nhiều video clips quay cảnh học sinh đánh nhau được tung lên mạng, gây lo lắng lớn cho cả phụ huynh lẫn dân chúng nói chung. Điều bức xúc nhất là khi các hành vi bạo lực, tàn nhẫn, nguy hiểm này diễn ra thì các bạn học sinh và cả người lớn đứng ngồi quanh đó bàng nhiên như đi vào sới xem đá gà không hơn không kém!!!

    Trên phim thấy các em rất trẻ, nhưng nói năng tục tĩu, vô văn hóa, đúng hơn là “mất dạy”; còn hành vi thì quá ư nguy hiểm, tàn nhẫn và phi nhân tính. Những lý do để các em “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với nhau rất “lãng xẹt”: để “lấy le”, để “lên gân”, thấy không thích, bị “nhìn đểu”, tranh nhau tình cảm.v.v…

    Con người “chi sơ tánh bổn thiện”, đa số đứa trẻ sinh ra đều trong sáng như tờ giấy trắng, chúng sẽ lớn dần, bắt chước hành vi của người lớn, học hỏi tích lũy kiến thức, đạo đức lối sống.v.v…rồi theo năm tháng sẽ trưởng thành. Các em là sản phẩm của xã hội, môi trường sống và là gương phản ảnh trình độ giáo dục hướng dẫn của người lớn. Nếu được hướng dẫn, học tập tốt các em sẽ thành công dân “chuẩn mực” và ngược lại sẽ cho ra những mầm mống xấu, tạo gánh nặng cho xã hội sau này. Chuyện xưa kể rằng Chương thị, mẹ của thầy Mạnh Tử, đã phải dời nhà đến ba lần vì sợ con lây nhiễm thói xấu của môi trường chung quanh là ví dụ sâu sắc về ảnh hưởng xã hội lên sự phát triển nhân cách đứa trẻ.

    Có lẽ bạo lực học đường xuất phát từ 3 hướng:

 1.Xã hội: Đầy rẫy thói hư tật xấu, chẳng có nhiều gương tốt để thế hệ trẻ soi, những điểm xấu nổi cộm: một là thiếu tinh thần thượng tôn luật pháp; ai cũng “”, “lách”, xem thường pháp luật để thủ lợi cho riêng mình, hai là quá nhiều sai phạm hay vô trách nhiệm, thường che đậy ngụy biện bằng những ngôn từ “lấp liếm”, khó hiểu…hoặc “cả vú lấp miệng em” và ba là nói một đằng làm một nẻo, chẳng bao giờ noi gương: nói là tiết kiệm, bài chống hủ tục, mê tín dị đoan… nhưng lại cúng bái, cầu khẩn, đốt vàng mã quá mức…   

  2. Gia đình: Phụ huynh và thân nhân thường rơi vào một trong hai thái cực, một là hoặc “thờ ơ”, “bán cái”, chỉ biết công việc và hầu như khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường hoặc hai là thiên vị, bênh vực con cái quá mức cần thiết.

  3. Nhà trường: Thường “chạy theo thành tích”, cố ráng lấy điểm thi đua bằng mọi giá; vì thế chất lượng chắc chắn sẽ không đảm bảo. Một vấn đề vô cùng quan trọng với giáo dục là “học lễ” học “đạo làm người” (công dân giáo dục) thì hình như không được lưu tâm lắm. Chúng ta đã không làm đúng châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn”, chính ông Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV, bộ Giáo dục&Đào tạo cũng thừa nhận là đã chỉ “..nặng dạy chữ, nhẹ dạy người..” cho nên đứa trẻ phát triển không cân đối, phần “con” nhiều hơn phần “người” và thế là bạo lực nảy sinh!!!

    Tóm lại chính người lớn chúng ta đã chủ quan hay khách quan với việc giáo dục uốn nắn con trẻ. Suy cho cùng trong bạo lực học đường, cả hai học sinh “đánh bạn” và “bị bạn đánh” đều là nạn nhân của những bất cập gia đình, giáo dục và xã hội do người lớn chúng ta không chu toàn. Cần thương chúng, đầu tư hướng dẫn chúng hơn là điều tra tội lỗi và trừng trị thô bạo…

Ngoài chụp ảnh lưu niệm, xin Bộ trưởng có những đầu tư, suy nghĩ thiết thực… giúp cho “thế giới ngày mai” đáng thương này