LƯU Ý CÚN CƯNG!
TS.BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng)
Hai chị em ruột Ph Th Q L 11 tuổi và Ph.Th. Q. C 8 tuổi nhập viện Đà Nẵng chỉ cách nhau 3 ngày, với hai dấu chứng nổi bật là sốt liên tục và đau đầu dữ dội.
Ngay sau khi vào viện, hai cháu được thăm khám cẩn thận, kết hợp với kết quả một số các xét nghiệm cận lâm sang liên quan, kể cả chụp CT sọ não, bác sĩ phát hiện nổi trội dấu hiệu viêm não-màng não. Kết quả xét nghiệm kiểm tra dịch não tủy xác định bệnh của cả hai cháu là viêm màng não, nhưng chưa rõ tác nhân gây ra tình trạng viêm này. Thấy trong công thức máu cũng như trong dịch não tủy của cả hai cháu bé đều có một điểm đặc biệt là có sự gia tăng lượng đáng kể loại bạch huyết cầu ái toan- dấu hiệu gợi ý một tình trạng nhiễm ký sinh trùng như giun sán- bác sĩ điều trị khai thác rất kỹ bệnh sử gia đình và phát hiện một chi tiết nổi bật: gia đình có nuôi và “chơi” nhiều loại chó cảnh và hai cháu bé vẫn thường xuyên chơi đùa, bồng bế chó. Các xét nghiệm ELISA máu để sàng lọc mầm ký sinh trùng (giun sán) được tiến hành ngay, kết quả là cả Q.L và Q.C đều bị nhiễm giun chó Toxcara canis. Chẩn đoán cuối cùng của hai cháu là Nhiễm giun chó Toxcara canis ở hệ thần kinh trung ương, gây biến chứng viêm não-màng não nặng.
Toxocara canis là loại giun tròn sống ký sinh đường ruột của loài chó. Chu kỳ của giun chó cũng như giun đũa ở người, con trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài nở thành ấu trùng, nếu chó tái nhiễm, ấu trùng này sẽ vào đường tiêu hóa sau đó ấu trùng sẽ phát triển ra con giun trưởng thành, sống ký sinh tại đường ruột, đẻ trứng và một chu trình mới lại bắt đầu. Nếu trẻ nuốt phải ấu trùng giun chó, ấu trùng này không thể phát triển nên giun trưởng thành trong cơ thể người được, nó vẫn tồn tại dạng ấu trùng và lưu hành trong dòng máu đến ký sinh, đóng thành kén, gây phản ứng viêm và tạo ra các u hạt thâm nhiễm bạch cầu ái toan ở các cơ quan nội tạng rồi gây ra bệnh cho con người. Đặc biệt khi ấu trùng đến định vị hệ thần kinh trung ương sẽ gây viêm não-màng não, đau đầu dữ dội, động kinh, liệt bán thân hay liệt chi…đây là thể nặng có thể gây tử vong và di chứng.
Năm 2003 Giáo sư Trần Đông A lần đầu tiên phẫu thuật một bệnh nhi 7 tuổi với rất nhiều kén giun chó bám đầy gan gây tổn thương nặng, trước đó cháu nầy bị chẩn đoán nhầm là u gan. Thống kê tại TP Hồ Chí Minh cho thấy hằng năm có đến 200 bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun chó, mèo vào viện. Mới gần đây, tháng 9/2008, một bệnh nhân 18 tuổi với chẩn đoán u não, được giới thiệu đến bệnh viện Đại học Y Dược Huế để điều trị dao gamma (gamma knife); nhưng tại đây nhờ các xét nghiệm cẩn thận, bệnh nhân này được phát hiện là nhiễm giun chó vào não; sau đó chỉ điều trị nội khoa và ra viện an toàn. Hai cháu Q.L và Q.Ch dù là những trường hợp đầu tiên phát hiện tại bệnh viện Đà Nẵng, nhưng may mắn cho các cháu là các bác sĩ ở đây đã chẩn đoán sớm nên điều trị kịp thời, hai bệnh nhi đã đáp ứng tốt với điều trị tích cực theo đúng phác đồ y học.
Chó là vật nuôi quá thân thiết với người Việt Nam chúng ta: trong tình cảm, trong thơ văn và ngay cả trong tín ngưỡng chó có một vị trí đặc biệt. Phong trào nuôi vật cảnh, đặc biệt nuôi chó đang rộ lên và đây cũng là một trò chơi hay ho, nhiều thú vị….Chỉ tiếc rằng nhiều người nuôi chó đã không tuân thủ những quy định, cảnh báo cần thiết để phòng bệnh cho chó và cho con em mình. Nuôi chó cần lưu ý hai điều: một là chó cũng có thể mắc nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây sang người, chúng ta chỉ để ý bệnh chó dại nhưng thường quên những bệnh lây nhiễm khác, trong đó giun chó chỉ là một ví dụ. Cho nên đã nuôi chó cần phải có bác sĩ thú y theo dõi, tiêm chủng ngừa đầy đủ và phải điều trị chu đáo khi chúng mắc bệnh, phải quản lý vệ sinh đặc biệt về lông, phân, nước tiểu, chuồng trại, sân nuôi cẩn thân; hai là không cho trẻ chơi đất cát trong vườn, chuồng chó hoặc tiếp xúc quá nhiều với vật nuôi này.