I. LỜI MỞ
Mùa hè mang lại nhiều lợi ích: những cuộc dã ngoại, nhiều môn thể thao ngoài trời, những trò chơi phong phú..Nhưng ánh nắng mùa hè lại chứa hai nguy cơ gây hại sức khỏe: tia tử ngoại và trúng nóng.
Cần lưu ý những gì để ngăn ngừa những nguy cơ này ?
II. TIA CỰC TÍM LỢI VÀ HẠI
1. Lợi ích của tia tử ngoại
Tia cực tím giúp tổng hợp vitamin D trong cơ thể bằng cách kích thích da tổng hợp vitamin D (cholecalciferol) từ cholesterol. Vitamin D là yếu tố cự kỳ quan trọng trong chuyển hóa Calci, Phospho và chuyển hoa xương. Nhờ tia cực tím UV trong ánh nắng trẻ em sẽ không bị còi xương.
Khoa học chứng minh rõ rằng, vitamin D còn có tác dụng ngừa bệnh vảy nến, phòng ngừa một số bệnh ung thư như u ruột kết, chống lão hóa ….
2. Tia cực tím gây “độc” cho con người
Tia cực tím, tử ngoại, ultraviolet, UV, là tia sáng có bước sóng thấp nhất trong bảy sắc cầu vồng: đỏ, xanh, vàng, lục, lam, chàm, tím. Cực tím có 3 loại là A, B và C. Tia UV-A có bước sóng 315 – 380 nm, có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. Tia UV-B có bước sóng 280 – 315 nm, gây say nắng, tổn thương làm đen da. Tia UV-C có bước sóng 100 – 280 nm, cũng có thể gây ung thư da nhưng thường bị tầng ô-zôn cản lại. Tính chung, con người tiếp xúc với UV-A (90%) và UV-B (10%).
Năm 1992, Canada là nước đầu tiên trên thế giới, đưa ra chỉ số cực tím (UV index) lên dự báo hằng ngày trên phương tiện truyền thông, với các mức từ 0-10. UV index càng cao, tia tử ngoại càng nhiều và thời gian gây tổn thương càng ngắn.
Hiện nay, đa số quốc gia dùng hệ thống đánh giá của Mỹ, theo đó UV index được chia theo điểm từ 1 đến 11+.
+Những bệnh lý da
Trong y văn, tia cực tím trong ánh nắng có thể gây ra những tổn thương bệnh lý da cấp và mạn tính sau: (1) Bỏng nắng (viêm da ánh sáng, sunburn). Sau tiếp xúc với nắng to, đột xuất, như tắm biển, đi nắng buổi trưa, da sẽ bị bỏng nắng. Da sẽ đỏ hồng, phồng rộp, cảm giác đau rát khó chịu, vài ngày sau da sạm nâu đen, bong vảy và tróc dần như vỏ rắn…; (2) Dị ứng với ánh mặt trời. Phát ban ánh sáng đa dạng (polymorphous light eruption, PLE) chiếm 90% bệnh da do dị ứng với ánh nắng; (3) Khởi phát và làm nặng hơn các bệnh liên quan, như lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ, nám da, phát ban đa dạng ánh sáng…; (4) Lão hóa da do tia cực tím (photoaging); (5) Ung thư da. Cả ba loại tia cực tím A, B và C đều có thể làm tổn thương da, tăng quá trình lão hóa, tổn thương DNA, tạo ra nhiều gốc tự do, gây tăng sinh tế bào viêm ở trung bì và lâu dài gây ung thư da.
+ Những bệnh lý mắt
Tia UV trong ánh nắng mặt trời cấp thời có thể kích ứng gây viêm giác, kết mạc khiến đau mắt, chảy nước mắt, nhìn mờ…Những dấu hiệu này thường biến mất trong 1-2 ngày. Nếu tiếp xúc lâu dài, các tổn thương do tia tử ngoại sẽ tích lũy gây đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng. Càng tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời, nguy cơ càng tăng.
3. Bảo vệ cơ thể tránh tổn thương do tia cực tím
+ Mùa hè, tia cực tím có cường độ mạnh nhất vào giữa trưa vì vậy hạn chế ra ngoài, ở trong bóng râm càng nhiều càng tốt khoảng thời gian này.
+ Đội mũ rộng vành, mặc áo dài tay, quần dài vải dệt sít.
+ Dùng kem chống nắng có độ SPF 30+ hoặc hơn. Thoa kem trước khi ra nắng khoảng 20 phút và thoa lại sau mỗi 2 giờ.
+ Đeo kính râm có chống tia cực tím bất cứ khi nào đi ra nắng, và những nơi có tia bức xạ mạnh.
III. TRÚNG NÓNG: RỐI LOẠN THÂN NHIỆT DO NẮNG NÓNG
1* Thân nhiệt cần ổn định
Cơ thể luôn có sự cân bằng động giữa lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt mất đi: Nhiệt sinh ra chủ yếu do “chuyển hóa”, đốt cháy thức ăn, một phần là do hấp thụ nhiệt bên ngoài. Nhiệt lượng nhiệt thừa sẽ được cơ thể thải trừ qua bốn cách: dẫn truyền (conduction), đối lưu (convection), bức xạ (irradiation) và bay hơi (evaporation). Nhờ đó, thân nhiệt luôn được ổn định ở mức 37 độ C nhờ một trung tâm điều hòa thân nhiệt nằm ở vùng dưới đồi của hệ thần kinh trung ương, não bộ. Trung tâm này hoạt động như một cái “ổn nhiệt” (thermostat), giúp thân nhiệt luôn hằng định không thay đổi. Sự thay đổi chỉ xảy ra khi nhiều bệnh lý làm rối trung tâm điều nhiệt khiến cơ thể bị tăng thân nhiệt như sốt, trúng nóng, say nắng mùa hè… hoặc ngược lại bị hạ thân nhiệt như giá rét, tê cóng mùa đông.
2* Trúng nóng: rối loạn thân nhiệt do quá nóng
Trúng nóng, sốc nhiệt (heat exhaustion, heat shock) là một dạng rối loạn thân nhiệt bệnh lý hay gặp, thân nhiệt tăng cao hơn bình thường do nhiệt độ môi trường sống cao quá mức thích nghi, quá khả năng “tự làm mát” của cơ thể. Những ngày quá nóng, có độ ẩm cao, lao động nặng nhọc, khả năng trúng nóng càng tăng cao.
Ngoài say nắng (trúng nóng do ra nắng) còn có những trường hợp trúng nóng khác, không liên hệ với ánh nắng như như: làm việc trong hầm lò, đốt củi than trong xưởng nướng bánh, xí nghiệp có đun, đốt… Do môi trường quanh cơ thể quá nóng, nhiệt lượng tạo ra không có cách tỏa ra ngoài, cấp nhiệt lớn hơn thải nhiệt nên cơ thể bị trúng nóng.
Trúng nóng gây mất nước, điện giải và tổn thương trung tâm điều hòa nhiệt độ khiến thân nhiệt tăng cao, khát nước dữ dội, thở nhanh, thở hổn hển, mạch nhanh, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mệt ngất..
3* Phòng chống trúng nóng: uống nhiều nước, che tránh nắng
Nước ta là xứ nhiệt đới, nóng và ẩm. Do đó vào mùa hè cần cảnh giác và phòng ngừa khả năng bị trúng nóng ở những người cao tuổi, trẻ nhỏ, công nhân lao động nặng nhọc trong môi trường nóng, độ ẩm cao, làm việc dưới nắng gắt, cụ thể:
* Uống nhiều nước: Nước có vai trò cực kỳ quan trọng như là dung dịch hòa tan, vận chuyển chất, cân bằng thân nhiệt… Mùa nắng cần uống nhiều nước, tốt nhất là nước khoáng, nước trái cây, oresol…
* Tránh nắng và che chắn bảo hộ bằng những cách đơn giản như: (1) Thay đổi giờ giấc làm việc như nông dân cấy lúa vào sáng sớm, gặt đập lúa ban đêm, công nhân đổ bêtông sáng sớm hoặc chiều tối..; (2) Bố trí làm việc nơi mát, có trần cách nhiệt, có bóng che và; (3) Sử dụng thiết bị bảo hộ như mặc áo phông, áo gió…
IV. NHỮNG ĐIỀU LƯU Ý
* Hằng ngày, trên truyền thanh, truyền hình, dự báo thời tiết thường nêu hai thông số quan trọng là nhiệt độ không khí và chỉ số tử ngoại (UV index). Đây là hai thông số môi trường cần phải biết khi làm việc, di chuyển ngoài trời. UV index được chia điểm từ 1 đến 11+.
* Theo Wikipedia, khi tia tử ngoại UV ngoài trời ở mức 6 thì da con người sẽ bị cháy nắng (sunburn) trong vòng 30 phút, nhưng nếu tăng lên mức 12 thì da bị cháy nắng sẽ nhanh hơn, chỉ còn trong 15 phút. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng khuyên mọi người hãy mang khăn choàng, đội mũ rộng vành, mặc thêm quần áo che chắn và mang kính râm để bảo vệ cơ thể mỗi khi phải ra nắng có chỉ số cường độ tử ngoại (UV index) ngay từ mức 3 trở lên.
* Mắt người không thể thấy các tia tử ngoại UV, hơn nữa tia UV-A, có thể xuyên qua mây mù, không khí. Do đó, cần mang kiếng râm, bôi kem chống nắng đi ra ngoài, kể cả khi có vẻ trời có vẻ nhiều mây ít sáng.
* Cần bổ sung đầy đủ nước và muối khoáng khi làm việc môi trường nóng, ra mồ hôi nhiều. Nước tốt nhất là nước có khoáng chất (mineral water).
TS.BS TRẦN BÁ THOẠI
Uỷ viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM
V. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dưới nắng hè, coi chừng “trúng nóng”
https://dantri.com.vn/suc-khoe/duoi-nang-he-coi-chung-trung-nong-20160504072408271.htm
[2] Vì sao nắng gắt gây “độc” cho da?
https://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-sao-nang-gat-gay-doc-cho-da-20160517081655954.htm
https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2016/05/14/phong-tranh-benh-da-do-nang-he/
[3] Tác hại của tia tử ngoại ảnh hưởng đến mắt và cách bảo vệ mắt