Trang chủ » Chưa phân loại » LŨ LỤT DO AI ?

LŨ LỤT DO AI ?

THỦY ĐIỆN BA HẠ

    LŨ LỤT DO AI ? CẦN KHOA HỌC !     

   Bão số 9, thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên Huế), thủy điện A Vương (Quảng Nam) thi nhau xả lũ, vùng hạ lưu bị lũ lụt nặng. Bão số 11 thủy điện Sông Ba Hạ xả nước, Phú Yên chìm sâu trong làn nước lụt, tổn thất cho người dân về cả sinh mạng lẫn tài sản quá lớn, nhiều người bỗng chốc lâm cảnh màn trời chiếu đất,  thành kẻ “trắng tay”.

     Dưới góc độ một người bình thường, đặc biệt hơn là chính cư dân trong vùng bị lũ, ai ai cũng nhận định rõ ràng lũ có liên quan đến thủy điện, mà cụ thể là các nhà máy thủy điện xã lũ không đúng đã góp phần làm “lũ chồng lên lũ” và kết cục là đổ thêm họa trên đầu dân.

      Nhưng những người có trách nhiệm nói gì?

 1. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dõng dạc: “không thủy điện nào là không có quy hoạch”, “đã xả lũ đúng quy trình kỹ thuật”, “các địa phương đều điều hành rất tốt”, “nhà máy không có lỗi”, “vừa rồi các địa phương đã di dời dân rất tốt, chuẩn bị đến từng hộ dân..”; rồi ông “dạy”: “Bài học thứ nhất là dân phải ý thức…thứ hai, dự báo không thể chính xác và thứ ba mưa lũ hiện nay là ” lịch sử “, đều gây chết người” 

  2.Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào: “Mưa lũ đúng là bất khả kháng…xả lũ cũng là bất khả kháng”, “không xả lũ vỡ đập còn nguy hiểm hơn”…Khi được hỏi: Có phải nhiều thủy điện xả lũ đã gây lũ nặng cho hạ lưu? Ông cho rằng: “Chúng tôi kiểm tra lại và thấy rằng nếu không có các hồ thủy điện thì lũ có thể cao hơn”.!!!

  3. Chi cục trưởng Thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên Dương Văn Hướng : “Thủy điện Sông Ba Hạ đã xử lý đúng quy trình xã lũ… Trong tình hình mưa bão lớn như vừa qua, thậm chí nếu có đến 10 thủy điện Sông Ba Hạ cũng không thể ngăn lũ tràn về hạ lưu, trong khi cần phải đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện”. Khi được hỏi là Thủy điện Ba Hạ có lường trước, có trách nhiệm thế nào? ông trả lời “Chúng tôi đã báo trước thời điểm và khối lượng xả lũ. Địa phương phải tự mình đánh giá tình hình để lên kế hoạch đề phòng, di dời dân thôi”…

   4. Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần thủy điện A Vương Nguyễn Văn Lê: ” ..nói thủy điện A Vương xã lũ gây ngập nặng là không chính xác,….A Vương chỉ xã 150 triệu m3 nước, chiếm 1/20lượng nước trên hệ sông Vu Gia” , và ông ta còn cho rằng” Hồ A Vương đã giảm lũ cho hạ lưu bằng cách trữ thêm 146,1 triệu m3 nước”!!!

    5. Tổng Giám đốc Cty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ Võ Văn Tri thật thà, có tinh thần “khoa học” trả lời các câu hỏi:

 * Liệu thủy điện Sông Ba Hạ đã không có khả năng điều tiết lũ, cắt lũ với hạ lưu?: “Làm sao cắt lũ, điều tiết lũ được khi dung tích hồ chứa chỉ 349,7 triệu m3 nước. Chúng tôi biết rõ điều đó ngay từ khi xây dựng công trình này, bên tư vấn đặt vấn đề hồ chứa phải 1 tỷ m3 ít nhất cũng 850 triệu m3”.

  * Như vậy chuyện xả lũ là tất yếu? “ việc xã lũ vừa qua là giải pháp buộc phải lựa chọn, bởi đó là cách duy nhất để bảo đảm an toàn, nếu không làm thế chắc chắn thảm họa sẽ khủng khiếp hơn”.    

     Các nhà khoa học chuyên ngành nhận định ra sao?

    1. Ông Nguyễn Thanh Quang,Ban Chỉ huy PC BL tỉnh Quảng Nam:” …qua đợt xả lũ, hầu hết các công trình thủy điện đã vá đang xây dựng, trong đó có A Vương, chỉ chú trọng đến hiệu quả phát điện, an toàn cho công trình mà chưa quan tâm đến chuyện nập lụt ở hạ lưu..” 

    2.Ông Vũ Trọng Hồng, Tổng Thư ký Hội Thủy lợi Việt Nam: “Phải khẩn cấp di dời dân rồi mới xả lũ, chứ không thể xả trước rồi nói rằng xả là hợp lý, xả là bất khả kháng”.

    3. GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: “Nếu quản lý hồ không theo quy định, nước trong hồ quá cao trong mùa mưa, không kịp xả nước trước, nhất là khi đã có dự báo mưa lũ, để rồi phải xả nước hồ chứa cùng thời điểm lũ tự nhiên đang về thì đúng là lũ “nhân tạo” đã chồng lên lũ tự nhiên” ; “…cần có cơ chế quản lý chung, có một “tổng chỉ huy”, chứ không thể để ai cũng vì lợi ích riêng của chủ đầu tư, của ngành mình, của riêng địa phương mình. Hiện nay, việc quản lý nguồn nước quá phân tán: Bộ NN&PTNT chỉ lo tưới tiêu; Bộ Công thương chỉ lo làm sao có nhiều điện; Bộ Tài nguyên& Môi trường chỉ lo chuyện môi trường…” “ trong điều kiện đặc biệt phải xây nhiều đập thủy điện “bậc thang” trên một dòng sông nhằm tận thu thế thủy năng, việc xả lũ của hồ trên ảnh hưởng lên hồ phía dưới…cho nên cần có sự phối hợp quản lý an toàn cho các hồ và tham gia chống lũ”.

   4. GS,TS Nguyễn Thế Hùng, Phó TTK Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, Tổ trưởng Bộ môn Kỹ thuật thủy lợi ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho rằng ” Nhiều công trình thủy điện ở miền Trung hiện chưa được thiết kế một cách hợp lý là bởi dự án không được sự phản biện một cách đầy đủ từ giới khoa học”…..”….Tôi nghĩ cái hợp lý mà họ nói chỉ là hợp lý cho họ thôi. Còn hợp lý cho môi trường, với lợi ích cộng đồng bên dưới hạ du hay không thì chưa đâu”  . Ông Hùng cho rằng  quy trình vận hành là không đúng . Dự báo khí tượng thủy văn cả hai trận lũ cho thấy lượng mưa không lớn đến mức xảy ra lũ kinh hoàng; điều đó cho thấy có bất thường tại cá thủy điện miền Trung. 

   Đọc lại những kiến thức cơ bản về thủy lợi      

      Theo nguyên lý cơ bản, trong các bài học bậc Trung học: Hơi nước bốc lên từ biển cả, vốn chiếm đến ba phần tư bề mặt quả đất, khi gặp lạnh sẽ kết tụ thành mưa rơi xuống mặt đất. Có bốn cách để điều hòa, lưu thoát lượng nước mưa “trên trời” rơi xuống này: một là giữ trên các tán cây (rừng) sau đó từ từ xuống đất hoặc bốc hơi, hai là thấm xuống lòng đất tạo nguồn nước ngầm, ba là chảy vào các chỗ trũng (đầm lầy, hồ chứa, hồ thủy lợi, hồ thủy điện,  ao, vực, bàu…) có tác dụng trữ nước tức thời , giảm lũ và cuối cùng bốn là chảy ra khe, lạch, suối lớn nhỏ để cuối cùng theo sông đi ra biển lớn. Việc phá rừng -để lấy gỗ, khai thác mỏ địa chất, lấy đất trồng trọt cũng như làm thủy điện- sẽ làm diện tích rừng che phủ giảm hẳn; việc lấp cá chỗ trũng để có quỹ đất khai thác…đã làm cho lũ càng ngày càng nhiều, nhanh và hung dữ hơn.

     Ông bà ta có câu răn dạy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phải rà soát yếu tố “chủ quan” trước khi gán cho “khách quan” hay hoàn cảnh. Nếu không mạnh dạn tìm ra, chỉ đúng những sai sót, yếu kém…để khắc phục thì có lẽ sang năm cũng lại các “bài ca” muôn thuở: “làm đúng” nhưng “bất khả kháng” chắc sẽ nguy to, “đại họa”. Mong sao năm sau những người có trách nhiệm thấy được cái tồn tại hôm nay, để vận hành đất nước tốt hơn, không còn có lũ lớn thê thảm, cho  người dân Việt Nam vốn quá khổ cực được nhờ.