Trang chủ » Chưa phân loại » CẤM ĐỐT VÀNG MÃ NHƯ CẤM PHÁO

CẤM ĐỐT VÀNG MÃ NHƯ CẤM PHÁO

 Nhà nhà đốt vàng mã

 Đốt cả xe hơi

 Đốt cả trăm con ngựa

      ĐỐT VÀNG MÃ: HỦ TỤC CẦN LOẠI BỎ!                          

                             TRẦN BÁ THOẠI

        Mấy năm gần đây việc đốt vàng mã, “hóa vàng” đã trở thành “phong trào” chạy đua, thành một “tệ nạn” xã hội, biểu hiện rõ nét của “mê tín dị đoan”. Gần đến Tết âm lich, những lò sản xuất vàng mã đang chạy hết công suất để trước là “phục vụ” và sau đó kiếm lời.

   Tập tục đốt giấy vàng mã có rất lâu đời, ban đầu người ta đốt vàng mã với  ý nghĩa là gởi cho người thân dưới cõi âm ít tiền tài, của cải để chi tiêu. Thợ hàng mã ngày trước chỉ làm thủ công; nay nhờ nhiều vật liệu mới, nhờ máy móc hổ trợ, lại thêm xu hướng thị trường chạy theo thị hiếu khách hang, người thợ đã sáng tạo quá nhiều thứ vật để đốt: tiền Việt, đô la Mỹ, điện thoại di động, vật nuôi,  xe máy, xe hơi, gái đẹp, nhà lầu…vô thiên lủng và không chừng với đà này người ta đốt luôn cả cái phi thuyền không gian cho người âm đi du lịch vũ trụ cũng nên!!! Tại bệnh viện tôi, cả bốn khoa lớn Nội, Ngoại, Sản, Nhi đều có các thùng đốt vàng mã khá to, ngày thường người ta cũng đốt, đến ngày rằm, mồng một ….thì như một lò quay, người ta tranh nhau tống tháo đống giấy vàng mã vào thùng đốt cho xong việc, chẳng có gì linh thiêng cả.

      Khi được hỏi “Vì sao phải đốt và đốt quá nhiều như vậy? ” Các câu trả lời nhiều nhất là “Xưa bày thì nay làm”. Nhưng nếu cố gặng hỏi thêm: Vậy   xưa bày trong sách nào, giáo lý nào? Trong kinh dạy của đạo giáo nào?  thì chắc chẳng ai hay biết. Nhiều vị thiền sư, cao tăng đã lên tiếng phản đối việc dành quá tiền bạc để mua sắm và đốt vàng mã vô lối. Xin trích một đoạn Đại đức Thích Tâm Hải đã viết, bàn về tục đốt vàng mã:  

        Cách đây hơn 50 năm, một vị lãnh đạo Phật giáo uy tín ở miền Bắc, cố Hòa thượng Tố Liên, người đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế về Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung, người đã đưa lá cờ Phật giáo về nước và ngày nay trở thành đạo kỳ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đau lòng lên tiếng thống thiết trong một bài viết trên tạp chí Đuốc Tuệ từ năm 1952: “Bịa đặt tục mê tín, dị đoan, làm hình nhân thế mạng vào lễ tam, tứ phủ để đầu độc mê tín đến ngày nay là bắt đầu từ người Vương Luân(…) Đến sự mê tín của dân tộc Việt Nam, chúng ta cũng chẳng kém thế, vì chưng trước đây, người Trung Quốc đã nắm quyền đô hộ mình hơn 1.000 năm”.

     Sau khi tìm hiểu nguyên nhân và phân tích về sự nguy hại khó lường của những tệ đoan mê tín, vị cao tăng này đã khẳng định: “Xin hỏi trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào? Nếu các ngài tìm thấy, bần tăng này xin cam tâm vào địa ngục để chịu lấy vong hữu.

     Nếu không tìm thấy tục đốt vàng mã do Phật giáo hay Nho giáo truyền dạy, một lần nữa bần tăng thiết tha yêu cầu các ngài bỏ tục vàng mã đi, lại sẽ khuyến hóa mọi người bỏ tục đốt vàng mã đi, vì tục đốt vàng mã là do Vương Dũ và Luân Vương đầu độc dân Trung Quốc làm dân Việt Nam chúng ta cũng bị hại lây. Nay chúng ta cùng nhau triệt để bài trừ mê tín đốt vàng mã, quyết nhiên giữa dân tộc Việt Nam này để dành cho chúng ta viên thành một công nghiệp kiến quốc vậy” (trích lại từ Văn Hóa Phật Giáo, số 15-8-2008).

    Tinh thần và thái độ của bậc cao tăng này hiện nay vẫn chưa cũ, trước thực trạng trên mà báo chí đã nêu. Cần phải loại bỏ các tệ đoan mê tín ra khỏi các cơ sở chùa chiền. Đó cũng chính là thái độ của Phật giáo về vấn đề này”.

      Hơn một trăm năm trước, Cụ Phan Châu Trinh, một nhân sĩ yêu nước người Quảng Nam Đà Nẵng, đã phát động phong trào Duy Tân rộng khắp toàn quốc. Những nội dung chính của phong trào Duy Tân là: (1) Bỏ búi tóc sam, tóc bối thay bằng cắt tóc ngắn, (2) Bỏ áo dài, khăn đóng thay bằng Âu phục, (3) Bỏ đi guốc thô, guốc mộc thay vào đó là đi  giày, đi dép (4) Bỏ các tệ mê tín dị đoan như đốt vàng mã, chữa bệnh bằng tàn nhang, nước lã… Cụ Phan Châu Trinh cho rằng muốn giành được độc lập, khôi phục chủ quyền cho đất nước, việc thiết yếu đầu tiên là nâng cao dân trí, sau đó mới là đấu tranh bạo động. Hồi đó phong trào Duy Tân được hưởng ứng nhiệt liệt trên toàn quốc; giờ đây  đến thế kỷ 21, con cháu hậu sinh lại cãi lời tiền nhân !!!!

    Cũng có người cổ súy cho việc đốt vàng mã ngụy biện rằng “Người dương ra sao, người âm cũng vậy” hoặc “đốt nhiều sẽ giải tội nhiều và sẽ được nhiều điều tốt”. Nhưng chính cách giải thích này lại tự mâu thuẫn: nếu cầu mong cho thân nhân mình được siêu thoát thì hà cớ chi phải gởi nhiều tiền bạc, xe pháo, vật dụng (âm, ma)… xuống nhiều như vậy, chắc họ sẽ ở miết dưới cõi âm tăm tối và khó “siêu thoát” được lắm !!! Nhiều người khi cha mẹ còn sống chẳng phụng dưỡng chu đáo; nhưng khi chết lại “hóa vàng” hơi nhiều, phần thì để khoe mẽ về sự hiếu thảo (vốn có hơi ít) hơn là tình yêu thương thật sự, phần khác để lương tâm (không biết có răng hay không) bớt cắn rứt đi chăng !!!

     Đứng trên góc nhìn khoa học việc đốt vàng mã hoàn toàn không có cơ sở và sai trái: một là không thể những phẩm vật này xuống âm phủ được, nếu có xuống được thì cũng không thể sử dụng được vì toàn đồ giả và đồ khuyết tật, thiếu cơ phận cả, hai là gây ô nhiễm môi trường, tạo nguy cơ cháy nổ.. và ba là lãng phí rất lớn; người ta ước tính chỉ riêng hai làng làm nghề mã lớn là Cót và Đông Hồ, mỗi ngày tiêu thụ hết hơn 3 tấn giấy, cả năm nước ta đốt hết 50.000 tấn vàng mã.  Hà Nội năm 2003 (đốt ít hơn hiện nay) cũng đã đốt 400 tỉ VNĐ “tiền thật” để mua vàng mã (tiền ma), số tiền này đủ xây cả trường đại học, quá nhiều lớp học cho học sinh vùng sâu vùng xa hiện đang còn học nhà tranh tre, làm vô số nhà tình nghĩa hay các công trình phúc lợi xã hội khác..

    Trước đây, đám cưới, nhà mới, liên hoan, đặc biệt là ngày Tết… người dân đều có đốt pháo. Hai làng nghề pháo nổi tiếng là Bình Đà ở miền Bắc và Nam Ô ở Đà Nẵng. Khi pháp lệnh cấm đốt pháo được ban hành hai làng này phải chuyển đổi nghề và bây giờ dù không còn pháo, cuộc sống dân cư rất  cuộc sống cũng đã ổn định. Thiết nghĩ nhà nước phải có chính sách quản lý việc đốt vàng mã như việc cấm đốt pháo trước đây để xã hội bớt lãng phí, tiết kiệm tiền.