Trang chủ » BÀN LUẬN » CỤC MÁU ĐÔNG: NGUYÊN NHÂN, TÁC HẠI, ĐIỀU TRỊ, PHÒNG NGỪA

CỤC MÁU ĐÔNG: NGUYÊN NHÂN, TÁC HẠI, ĐIỀU TRỊ, PHÒNG NGỪA

       I. LỜI MỞ 

      Bình thường, đông máu và hình thành cục máu đông là một phần trong quá trình cầm máu và làm lành vết thương. Cục máu đông thường tan ra và biến mất nhờ quá trình tan máu tiếp sau đó, để sự tưới máu trở lại bình thường khi vết thương lành.

    Trong vài bệnh lý  cục máu đông bất thường hình thành bên trong các mạch máu, lớn dần và gây tắc nghẽn dòng máu lưu thông và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng: bệnh huyết khối.

   II. SỰ HÌNH THÀNH CỤC MÁU ĐÔNG

     Cục máu đông bệnh lý là hậu quả tác động qua lại giữa 3 yếu tố:

       1. Thay đổi huyết động

    Dòng máu chậm lại hoặc dòng chảy bị xáo trộn, chảy rối, khiến các tế bào máu di chuyển chậm và dễ bám dính vào các tổn thương ở nội mô mạch máu, từ đó làm khởi phát quá trình đông máu, hình thành nên lưới sợi fibrin, gia tăng bắt giữ các tế bào máu khác làm tăng kích thước cục huyết khối. 

       2. Tổn thương tế bào nội mô

     Các mảng xơ vữa hình thành trong lòng mạch thúc đẩy sự hình thành cục máu đông khi chúng bị nứt, vỡ. Hầu hết các trường hợp nhồi máu cơ tim và đột quỵ xảy ra có liên quan đến sự nứt vỡ của các mảng xơ vữa trong động mạch này.

      3. Gia tăng nồng độ các yếu tố đông máu

    Các yếu tố đông máu hoà tan trong huyết tương có vai trò trong tăng cục huyết khối hay gặp trong các ung thư , suy tim mạn tính, trong bệnh nhân bỏng do mất dịch và  đông máu rải rác trong lòng mạch hay gặp trong sốc.. 

    III. NHỮNG CƠ QUAN BỊ CỤC MÁU ĐÔNG GÂY HẠI

    Cục máu đông, huyết khối, gây thiếu máu cục bộ, triệu chứng và mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào tính chất của cục máu và cơ quan bị ảnh hưởng. Ba cơ quan thường gặp là:

    1. NÃO BỘ

    Nhẹ, người bệnh có các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, giảm trí nhớ… Nặng hơn, có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua với các biểu hiện: đột ngột nhìn mờ, méo miệng, nói khó, tê yếu tại chân tay hoặc liệt một bên cơ thể. Các biểu hiện này thường tự mất sau vài giây, nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ não.

     

     Trường hợp năng, gây đột quỵ não, nhồi máu não, hay tai biến mạch máu não, chiếm 85% tổng số ca, với ba dấu hiện kinh điển dễ nhận ra là “méo cười, ngọng nói, và xuội tay”. Đây là bệnh lý nặng nhất của thuyên tắc não, gây tử vong cao nếu không cấp cứu kịp trong giờ vàng. Thậm chí, nếu vượt qua cơn tai biến mạch máu não, người bệnh vẫn có nguy cơ cao là phải đối mặt với nhiều di chứng nặng nề, khiến chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. Các di chứng thường là: mất khả năng vận động, liệt chân tay, liệt nửa người; rối loạn ngôn ngữ, khó diễn đạt; sa sút trí tuệ, giảm nhận thức…, khiến phải sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.

       2* TIM

   Cục máu đông là một nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim. Đây là bệnh lý xảy ra khi một hoặc cả hai nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, dẫn đến tình trạng cơ tim không nhận đủ máu nuôi dưỡng và bị hoại tử, khiến chức năng bơm máu của tim  bị suy giảm hoặc mất, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như suy tim, đột tử,... .

         

     3* PHỔI

   Là một bên lý rất nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thuyên tắc phổi thường là biến chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu, khi cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến phổi, dẫn đến tắc nghẽn ở phổi.

   

          4*  CÁC CƠ QUAN KHÁC

    Ngoài ra, cục máu đông cũng có thể khiến cho chân tay, ruột, vùng bụng, … không được cung cấp đủ máu và có nguy cơ bị hoại tử.

         

      IV. DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG 

    Cục máu đông thường tiến triển âm thầm trong thời gian dài, các triệu chứng chỉ có khi cục huyết khối gây tắc mạch. Tùy theo vị trí cơ quan, loại mạch máu bị tắc nghẽn mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau:

     1. Huyết khối động mạch

      * Tắc mạch não: gây nhồi máu não

      *  Tắc mạch vành: gây nhồi máu cơ tim

      * Tắc mạch chi: gây hoại tử, nếu không thể loại bỏ cục huyết khối gây tắc thì cần tiến hành cắt bỏ chi bị hoại tử

      2. Huyết khối tĩnh mạch

        *  Đau gặp ở huyết khối tĩnh mạch sâu, mức độ đau tăng khi đi lại

        *  Màu da vùng bị huyết khối tĩnh mạch đỏ chuyển dần thành màu xanh tím đen.

        *  Sưng nề tay, chân

        * Có thể thấy những tĩnh mạch nông giãn.

        * Loét da vùng dưới vị trí tĩnh mạch bị huyết khối.

     IIINHỮNG AI CÓ NGUY CƠ BỊ CỤC MÁU ĐÔNG?

     Cục máu đông trong lòng mạch máu thường bắt nguồn từ các mảng xơ vữa động mạch. Khi thành mạch có các mảng xơ vữa bong ra, các yếu tố đông máu được kích hoạt và hình thành cục máu đông. Những người có nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong cơ thể là:

       – Thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp….

       – Thường xuyên hút thuốc lá.

       – Cao tuổi: đây là đối tượng dễ mắc các bệnh lý về nội tiết, tim mạch.

       –  Bị hạn chế vận động, như người liệt không có khả năng vận động ngồi nhiều, lười vận động…..

       – Người từng mắc COVID-19.

       – Tác dụng phụ của một số loại thuốc, như thuốc ngừa thai…       – 

      IV ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

         1. ĐIỀU TRỊ

      * Thuốc ngăn kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông máu để làm tan cục máu đông, phác đồ điều trị cũng tùy thuộc vào vị trí và mức độ nguy hiểm của huyết khối.

       * Can thiệp phẫu thuật hoặc thủ thuật: Phẫu thuật mở tĩnh mạch loại bỏ huyết khối, phẫu thuật đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học…

      2. PHÒNG NGỪA

     – Kiểm soát cân nặng, huyết áp…

    – Tuân thủ điều trị các bệnh mắc kèm như: tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường…

     – Ăn uống lành mạnh: Xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh và chất xơ, uống nhiều nước. Hạn chế các món ăn nhiều mỡ động vật và các chất béo bão hòa; hạn chế các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia

      – Tập thể dục đều đặn, thường xuyên

       – Sử dụng các thực phẩm chức năng cần thiết. 

   V. THAM KHẢO

[1] Huyết khối (cục máu đông): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

https://www.vinmec.com/vi/benh/huyet-khoi-cuc-mau-dong-4874/

[2] Cục máu đông nguy hiểm như thế nào?

https://suckhoedoisong.vn/cuc-mau-dong-nguy-hiem-nhu-the-nao-169220905192904369.htm

[3] Cách phát hiện “kẻ thù nguy hiểm”- cục máu đông

https://suckhoedoisong.vn/cach-phat-hien-ke-thu-nguy-hiem-cuc-mau-dong-169190458.htm

[4] Cục máu đông trong não, vì đâu mà có?

https://suckhoedoisong.vn/cuc-mau-dong-trong-nao-vi-dau-ma-co-169190556.htm

[5] Cục máu đông: tác hại, dấu hiệu nhận biết ?

https://medlatec.vn/tin-tuc/mau-dong-co-nguy-hiem-khong-dau-hieu-nhan-biet-nhu-the-nao–s195-n27818

[6] Cục máu đông, ngăn chặn bằng cách nào?

 [7] Phòng ngừa và làm tan cục máu đông, giúp phòng ngừa đột quỵ

 [8] Huyết khối tĩnh mạch sâu có gây đột tử?

https://suckhoedoisong.vn/huyet-khoi-tinh-mach-sau-co-gay-dot-tu-169241029092525897.htm

             TS.BS Trần Bá Thoại

    Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM