Trang chủ » Chưa phân loại » CÒN QUÁ NHIỀU ÂU LO TRƯỚC NGÀY “BẤM NÚT” DỰ ÁN TÀU CAO TỐC

CÒN QUÁ NHIỀU ÂU LO TRƯỚC NGÀY “BẤM NÚT” DỰ ÁN TÀU CAO TỐC

Mấy ngày này tuy World cup đang cạnh tranh quyết liệt. Nhưng chẳng người Việt nào quên, ngày mai 19/6 là ngày Quốc hội sẽ “bấm nút” quyết định “nên hay không” dự án ĐSCTBN.

Dù quá hiểu, quá quen với kiểu vận hành “độc đạo” của nhà cầm quyền (Đảng và Chính phủ) Việt Nam, nhưng chúng cũng còn “tí xíu”  hy vọng : Biết đâu trong QH cũng có người “có suy xét” lâu dài !!!!   Thuỵ Sĩ  đã đá thắng Tây Ban Nha…Biết đâu !!!!!

Xin trích đăng những bài viết có lẽ là “cuối”…về ĐSCTBN.

Trần Bá Thoại

NHẤN NÚT VÀ ĐỘNG CƠ

Mạc Văn Trang

Không hiểu sao sắp đến thời điểm (chiều 19/6/2010) các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn nút về đại dự án đường sắt tàu cao tốc Bắc Nam (TCT), tôi cứ thấy thấp thỏm, bồn chồn chờ xem kết quả. Tâm lý con người quả là lạ thật. Mình không phải ĐBQH, không chắc sống đến ngày nhìn thấy TCT, chỉ là kẻ về hưu, phó thường dân, vậy sao cứ thắc thỏm!

Cũng biết rằng, những ĐBQH có cái “quyết tâm chính trị” như ĐB Trần Tiến Cảnh đã phát ngôn thì chắc chẳng quan tâm đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, vạn bài viết đăng trên các báo chí đầy đủ lý lẽ và tâm huyết của bao nhiêu nhà khoa học, nhà chuyên môn ở trong và ngoài nước đã tha thiết trình bày. Cái “quyết tâm chính trị” ấy đã thao tác hóa việc bấm nút trong tư duy rồi, chỉ chờ tín hiệu là phản ứng!

Kỳ lạ thật, chỉ một động tác nhấn nút, một động tác xảy ra trong tích tắc mà chứa đựng cả hai trường phái Tâm lý học đối lập nhau, đụng độ nhau lớn nhất của thế kỷ XX: Tâm lý học hành vi và Tâm lý học hoạt động.

Tâm lý học hành vi (Behaviourism) thì cho rằng, người ta nghĩ gì, muốn gì, thích gì, tin gì… ở trong đầu như cái hộp đen, làm sao biết được và cũng chẳng cần biết, chỉ cần khi ra lệnh (kích thích) đối tượng hành động (phản ứng) đúng như ta mong muốn là “tốt”. Cái lý thuyết kích thích – phản ứng (S-R) của J. B. Watson sau này được E. C. Tolman bổ sung, được B. F. Skinner nhấn mạnh vào hành vi tự tạo và ứng dụng vào xã hội thì về cơ bản vẫn thế. Hành vi phản ứng “tốt” được thưởng sẽ được củng cố, lần sau thấy tín hiệu kích thích là tích cực phản ứng và chờ thưởng… Phần thưởng càng lớn thì “tính tích cực” càng hăng. Phản ứng “không tốt” thì trừng phạt để răn đe. Đó là nguyên tắc huấn luyện thú làm xiếc, huấn luyện công nhân, binh lính, dạy học chương trình hóa… Nhưng phạt chưa tới ngưỡng răn đe thì không hiệu quả và phạt nhiều lần sẽ nhờn thuốc (kiểu “phạt cho tồn tại”, “kiểm điểm nghiêm khắc”, “xử lý nội bộ”…) chẳng còn tác dụng. Tóm lại, thuyết hành vi chỉ quan tâm mỗi việc: anh có nhấn đúng cái nút tôi mong đợi hay không, còn những gì đằng sau nó, ngoài nó, anh không cần quan tâm, đã có “trên” chịu trách nhiệm… Tôi vẫn nhớ câu chuyện về một phi công Mỹ minh chứng cho điều này. Viên phi công lái B52 ném bom xuống Hà Nội đêm 26 tháng 12/1972, bị bắn rơi máy bay, bị bắt. Khi bị hỏi: tại sao anh dã man, tàn bạo ném bom giết hại dân lành…? Viên phi công nhún vai, trả lời: là một quân nhân, tôi được lệnh đến tọa độ đó là nhấn nút, tôi phải hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, còn xảy ra chuyện gì ở dưới đất là trách nhiệm của những người ra lệnh, những nhà chính trị, tôi không quan tâm!… Nhưng sau đó những viên phi công này được dẫn đến phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai để họ thấy cái nhấn nút vô cảm của họ đã giết hại bao nhiêu đàn bà, trẻ em, bệnh nhân và tàn phá tan hoang những mái nhà dân lành như thế nào. Viên phi công nọ đã ôm mặt khóc. Họ nói, họ đã bị lừa dối để nhúng tay vào tội ác. Lương tâm họ còn bị dày vò suốt cả cuộc đời cho cái động tác bấm nút trong một tích tắc… Đó chính là điểm yếu của Tâm lý học hành vi để Tâm lý học hoạt động tấn công: con người không phải cái máy nhấn nút, nó còn có lương tâm, ý thức…

Tâm lý học hoạt động, cũng có những tên tuổi lớn như L. X. Vygoxki, X. L. Rubinstein, A. N. Leonchiep… Lý thuyết này cho rằng hành vi của người khác về chất với động vật. Cái nhấn nút là một hành vi chứa đựng cả lịch sử – văn hóa người. Đối với mỗi cá nhân, cái nhấn nút được điều chỉnh bởi toàn bộ nhân cách của người đó, mà tiêu điểm là ý thức về động cơ bấm nút. Thế động cơ là gì? Động cơ là cái vì nó mà người ta nhấn nút. Người theo thuyết hành vi liền bắt bẻ: vì cái gì mà người ta nhấn nút làm sao anh đo đếm, biết được? Anh chỉ có thể biết cái kết quả nhấn nút mà thôi! Nếu anh biết được động cơ của người ta thì chả còn ngoại tình, gián điệp, tham nhũng… Người theo thuyết hoạt động thấy bí, chỉ còn trông chờ vào cái… động cơ của người nhấn nút xem “vì cái gì” để luận bàn, dự báo…

Hơn 2500 năm trước Khổng Tử đã cho rằng: động cơ là chỗ vi diệu nhất của hành động, là sự hiện ra trước của điềm lành dữ vậy. (Cơ giả động chi vi kiết hung chi tiên hiện giả dã); động cơ là chỗ “cùng sâu”, có hiểu nó mới “thông được cái chí trong thiên hạ”… Đức Phật thì nói, bố thí có đến mười mấy loại động cơ khác nhau: bố thí vì muốn khoe của, vì sĩ diện, vì ban ơn, vì muốn làm vừa lòng người khác, vì cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, giải hạn, chuộc lỗi lầm, vân vân… Trong tất cả những động cơ của việc bố thí như vậy, chỉ có một động cơ chân chính đích thực là: bố thí vì lòng từ bi hỉ xả – thương người như thể thương thân!

Vậy các ĐBQH nhấn nút vì cái gì? Có thể vì cái “quyết tâm chính trị” nào đó; vì sức ép, lo sợ; vì lợi quyền cá nhân; vì lợi quyền phe nhóm; vì không hiểu lắm nhưng cứ nhấn; vì trách nhiệm trước nhân dân, sau khi đã lắng nghe dân, tìm hiểu kỹ các ý kiến phản biện, cân nhắc kỹ và nhấn nút… Trong các lý do trên, chỉ lý do sau cùng là động cơ chân chính, đích thực của ĐBQH. Vì cái gì mà đa sô ĐBQH nhấn nút đã báo trước điềm lành dữ của quốc gia, dân tộc.

Người ta có trăm mưu ngàn kế để che đậy động cơ bất chính, nên thật giả có thể lẫn lộn. Vì thế dân ta mới nói: “Sông sâu còn có kẻ dò/ Lòng người nham hiểm ai đo cho tường”. Nhưng dân cũng mách bảo: “… /Ở lâu mới biết lòng người có nhân”, hay “Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra” và “Vải thưa không che được mắt thánh” (của nhân dân), vì dân có thể “đi guốc trong bụng” (các ĐBQH)… Dân biết mà không ngăn được thì đành: “… Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!”…

Thế đấy, nhấn nút chỉ là một động tác, trong tích tắc, nhưng vì cái gì mà ĐBQH nhấn nút lại báo trước điềm lành – dữ của cả đất nước hôm nay và mai sau!

17/6/2010

 

Thứ Năm 17 tháng 6 năm 2010

KẾT QUẢ THĂM DÒ Ý KIẾN QUỐC HỘI CÓ Ý NGHĨA GÌ ?

Nguyễn Văn Tuấn

Thế là chỉ sau 2 ngày nói sẽ lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về đường sắt cao tốc, Quốc hội đã soạn câu hỏi và 1 ngày sau đã có kết quả.  Chưa thấy nước nào trên thế giới làm thăm dò ý kiến về một vấn đề hệ trọng theo kiểu chớp nhoáng và chụp chột như thế!  Câu hỏi được soạn theo kiểu nhét chữ vào miệng người, thì kết quả cũng chẳng có giá trị gì.  Thật ra, kết quả thăm dò này gây ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời.

Trước khi bàn qua kết quả đó, có vài vấn đề về con số.  Theo báo chí thì người ta gửi hai câu hỏi thăm dò ý kiến đến 488 đại biểu.  Nhưng Quốc hội hiện nay có 493 đại biểu, vậy tại sao 5 đại biểu kia không được gửi câu hỏi?  Trong số 488 phiếu gửi đi, có 474 (tức là 97%) phiếu trả lời; như vậy cũng tốt vì cái “response rate” cao hơn nhiều so với các cuộc trưng cầu dân ý khác.

Diễn giải thế nào về ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH)?  Dựa vào con số trả lời của cách thăm dò ý kiến của Quốc hội, mỗi báo diễn giải một cách.  Trong khi Vietnamnet cho rằng kết quả trên có nghĩa là “Quốc hội đồng ý chủ trương làm đường sắt cao tốc”, thì Vnexpress hiểu rằng  “Có thể lùi thời gian làm đường sắt cao tốc”, còn Pháp Luật TP có cách hiểu ngược lại “Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Gần 200 ĐBQH không ủng hộ”.  Theo tôi thì những kết quả này chẳng nói lên được điều gì cả, và nhất là chưa trả lời được câu hỏi có nên tiến hành hay không nên tiến hành dự án đường sắt cao tốc.

Để giải thích tại sao tôi nghĩ như vậy, cần phải đối chiếu phần trả lời với câu hỏi đặt ra (Bảng dưới đây).  Xin nói trước rằng tất cả những con số này tôi thu thập qua báo chí tường thuật, và rất rời rạc.

Câu hỏi Số  trả lời
Câu 1: Việc Quốc hội quyết định thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM
Theo phương án Chính phủ trình: Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp lần này, làm căn cứ để Chính phủ triển khai các bước tiếp theo 271
Phương  án khác: Quốc hội chưa thông qua  Nghị quyết tại kỳ họp lần này, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án để thông qua vào kỳ họp sau 192
Ý kiến khác 13
Câu hỏi 2: Nếu Quốc hội đồng ý ra Nghị quyết tại kỳ họp về dự án này, thì nội dung Nghị quyết sẽ thể hiện theo các hướng sau đây
Phương án 1: Tán thành xây đường sắt cao tốc như tờ trình của Chính phủ.  Sau đó nghiên cứu lập dự án đầu tư toàn tuyến Hà Nội – TP.HCM. Đầu tư trước hai đoạn Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang, bắt đầu khởi công từ năm 2014, đưa vào sử dụng năm 2025. Thông qua toàn tuyến vào năm 2035 148
Phương án 2: Tán thành chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc nhưng lùi thời gian khởi công xây dựng và lựa chọn 1 lộ trình phù hợp. Theo đó: 201
Giao Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn về các điều kiện đảm bảo tính khả thi của dự án ?
Đồng thời trên cơ sở đó lập dự án đầu tư (dự án khả thi) một trong hai đoạn tuyến, hoặc Hà Nội – Vinh hoặc TP.HCM – Nha Trang để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương xây một trong hai tuyến và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 ?
Tiến hành đánh giá tổng kết việc đầu tư khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo  QH xem xét triển khai các bước tiếp theo ?
Ý kiến khác ?

Tại sao trong câu 1 có 466 người trả lời, còn câu 2 chỉ có 148 + 201 = 349 người trả lời?

Điều khó diễn giải là trong câu hỏi đầu, có 271 người (tức 57% người được hỏi) thông qua dự án kì này (“theo phương án Chính phủ trình: Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp lần này, làm căn cứ để Chính phủ triển khai các bước tiếp theo”), nhưng đến câu 2 thì chỉ có 148 người (31%) “Tán thành xây đường sắt cao tốc như tờ trình của Chính phủ”. Tại sao số người trả lời câu 1 không nhất quán với câu 2?  Điều này chứng tỏ đại biểu cũng không biết mình trả lời cái gì.  Do đó, điều mâu thuẫn ở đây là câu đầu thì có 57% ok với phương án của Chính phủ, nhưng câu 2 thì chỉ có 31% tán thành tờ trình của Chính phủ!

Tình trạng lẫn lộn (confusion) này xuất phát từ cách đặt câu hỏi một cách … cực kì ngớ ngẩn.  Ngớ ngẩn là vì câu hỏi và câu trả lời đều mang tính nhập nhằng, chứ không tách biệt (mutually exclusive) – một điều “đại kị” trong các cuộc thăm dò ý kiến.

Ấy thế mà báo VNexpress.net cho biết “Một đại biểu hội bình luận, kết quả thăm dò này thể hiện sát tinh thần và nội dung thảo luận trong Quốc hội, và đúng với nguyện vọng cử tri về việc tiến hành dự án một cách thận trọng, từng bước.”  Lại một kiểu nhét chữ vào miệng dân!  Cuộc thăm dò này chỉ thực hiện trong các đại biểu Quốc hội, chứ có hỏi ý kiến người dân đâu.  Thật ra, kết quả thăm dò ý kiến dân của giới báo chí cho thấy 65% không đồng ý với siêu dự án này.

Tóm lại, những kết quả này không có ý nghĩa gì cả, bởi vì (i) cách đặt câu hỏi sai về mặt phương pháp, (ii) câu hỏi thiếu tính khách quan, và (iii) quần thể trả lời không đại diện người dân.

Một dự án với ngân sách 56 tỉ USD dài 33 trang.  Một cuộc thăm dò ý kiến với những câu hỏi được soạn trong vòng 1 ngày, không hề qua qui trình khoa học nào cả.  Làm sao chúng ta có thể đặt niềm tin vào những cách làm việc như thế.

NVT…………………………………………………………………………………………………………………..

TB. Xin kể các bạn nghe một chuyện ngoài lề, nhưng có liên quan đến tầm quan trọng của việc soạn câu hỏi.  Một đồng nghiệp tôi đi thi lí thuyết trong một phần của chương trình lấy bằng hành nghề y bên Úc.  Phần thi lí thuyết gồm một bộ câu hỏi 300 câu (chỉ có 240 câu thật sự tính điểm, và 60 câu để nhờ thí sinh đánh giá giúp — không tính điểm, mà thí sinh cũng không biết 60 câu đó là câu nào), vốn đã được soạn thảo cẩn thận cả 5 năm trời.  Soạn xong, họ cho thi thử, để đánh giá tính khả thi, độ tin cậy, tính chính xác, và thời gian trả lời.  Sau vài lần thi thử, họ phải chỉnh sửa lại câu hỏi một vài lần nữa.  Phải tốn thêm vài tháng, thậm chí năm để đem những câu hỏi này ứng dụng vào thực tế (tức cho thi thật).  Mỗi câu hỏi như thế tốn 18,000 đôla trước khi cho ra thi chính thức. Đó chỉ là một kì thi cử, chứ chẳng phải chuyện quốc gia đại sự gì mà người ta còn làm cẩn thận như thế.  Còn ở VN thì Quốc hội làm cứ như là ad hoc, hay là họ không nhận thức tầm quan trọng của việc họ làm?