Trang chủ » BÀN LUẬN » CHỤP PET CT: NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG, ỨNG DỤNG LÂM SÀNG, QUY TRÌNH THỰC HIỆN

CHỤP PET CT: NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG, ỨNG DỤNG LÂM SÀNG, QUY TRÌNH THỰC HIỆN

     I. LỜI MỞ

   Hiện nay, kỹ thuật chụp PET CT ngày càng được ứng dụng rộng rãi, nhiều bệnh viện công lẫn tư đều có trang bị phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại này.

   Dù các phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến như cắt lớp vi tính (CT) hay chụp cộng hưởng từ (MRI)  có thể đáp ứng phần lớn các chẩn đoán bệnh lý. Tuy nhiên PET CT scan có vị thế ưu việt riêng khi ứng dụng ở một số chuyên khoa sâu như tim mạch, thần kinh, đặc biệt trong phát hiện, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ung thư.

   II. PET CT LÀ GÌ ?

   Chụp PET CT, chụp cắt lớp positron (Positron Emission Tomography and Computed Tomography) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tân tiến ứng dụng các kỹ thuật y học hạt nhân, mang lại những hiệu quả ưu việt hơn phần lớn các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến.

   Cấu tạo một chiếc máy CT PET có nhiều điểm tương đồng với máy CT scan hay máy MRI thông thường. Điểm khác biệt nằm ở phương thức hoạt động: Bằng việc đưa vào tĩnh mạch một chất chỉ điểm phóng xạ (radioactive marker), hoạt chất này sẽ xuất hiện ở những khối u hoặc vị trí đang có quá trình viêm. Nhiễu xạ của hoạt chất này được buồng thu tín hiệu của máy CT PET ghi nhận và tái tạo lại thành hình ảnh.

 Chất chỉ điểm được sử dụng nhiều nhất là 18 fluorodeoxyglucose (FDG) đánh dấu bởi một lượng nhỏ đồng vị phóng xạ. Thông qua định vị và định lượng hợp chất này, các chuyên gia dễ dàng tìm được các ổ viêm hoặc những tế bào ung thư di căn đến những nơi khó phát hiện nhất.

    III. CÁC ỨNG DỤNG CỦA PET CT

   PET CT scan ưu thế ứng dụng vào các chuyên khoa sâu sau:

     1. Bệnh ung bướu

    Tế bào nào cũng sử dụng đường glucose để tạo ra năng lượng, kể cả tế bào ung thư. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển cực nhanh, các tế bào ung thư “háu ăn” hơn cả. Vì thế việc đưa một chất chỉ điểm phóng xạ có cấu trúc giống glucose, như FDG (18-fluorodeoxyglucose), sẽ nhanh chóng đến các tế bào ung thư này, từ đó chỉ điểm cho các bác sĩ biết các dòng tế bào nguy hiểm này đang ở đâu để chuẩn bị kế hoạch điều trị phù hợp.

     Chụp PET CT vừa có thể phát hiện được khối u nguyên phát, nơi biểu hiện chính của khối ung thư, vừa rất nhạy trong việc phát hiện sự di căn của khối u này. Ngoài ra việc áp dụng CT PET có thể giúp trả lời cho các câu hỏi:

         * Khối u này là lành hay ác?

         * Khối u này có nguồn gốc từ đâu?

          * Những cơ quan nào bị di căn?

         * Hiệu quả sau điều trị ung bướu như thế nào? khỏi hoàn toàn hay tái phát tại chỗ

  2. Bệnh tim mạch

    Ngoài ứng dụng thế mạnh trong các bệnh lý ung thư, ngày này việc ứng dụng PET CT còn mang lại những kế hoạch điều trị sớm hơn, dự phòng tốt hơn trong bệnh lý tim mạch. Trong đó vấn đề được quan tâm nhiều nhất đó là thiếu máu cơ tim.

    Một số ứng dụng của chụp PET CT trong bệnh lý hệ tim mạch bao gồm:

       * Xác định vùng cơ tim bị thiếu máu, vùng cơ tim đã chết

       * Giúp tiên lượng sớm nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng như khả năng can thiệp bằng phẫu thuật, đặt stent,…

        * Đánh giá quá trình chuyển hóa mô cơ tim

     Một số thế hệ sau này của PET CT đã kế thừa những ưu điểm của kỹ thuật tiền nhiệm, hiện đã và đang được ứng dụng dần ở các trung tâm tim mạch lớn như SPECT, PET-MRI,…

    3. Bệnh thần kinh

    Trong các bệnh lý hệ thần kinh, PET CT có thể ứng dụng để đánh giá hệ thống mạch máu cũng như khả năng cung cấp oxy đến các mô ở não bộ, chẳng hạn như nhóm bệnh lý đột quỵ, sa sút trí tuệ, rối loạn trí nhớ, co giật, hay khối u trong não…

    Một số chất dẫn truyền thần kinh cũng được dùng để định vị thông qua PET CT có thể kể đến như dopamine trong chẩn đoán bệnh Parkinson.

   IV. CHỤP PET CT KHI NÀO ?

   PET CT không sử dụng thường xuyên, mà  chỉ định khi:

    * Cần đánh giá tình trạng di căn xa của khối ung thư

    * Cần chẩn đoán chính xác tình trạng khối ung thư nguyên phát, nếu các phương tiện khác không thể cho câu trả lời phù hợp

    * Cần khảo sát sớm bệnh lý mạch vành mạn tính, gây thiếu máu cơ tim.

     * Cần khảo sát tình trạng thiếu oxy não, các khối u não..

  V. ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA PET CT

   1. Ưu điểm

    * Đánh giá được vừa cấu trúc, lẫn chức năng của mô tế bào cơ thể.

    * Giảm chi phí và hiệu quả hơn so với phẫu thuật thám sát .

    * Phân biệt được khối u là lành hay ác tính với độ tin cậy rất cao

    * Mang lại kết quả gần như tối ưu về khả năng xâm lấn, di căn.

    * Đánh giá được giai đoạn bệnh lý ung thư

    * Khảo sát được tình trạng tái phát, đáp ứng điều trị các bệnh lý ung bướu, tim mạch và thần kinh,…

     * Chẩn đoán sớm bệnh lý thiếu máu tim mạch

    2. Nhược điểm 

   * Nguy cơ nhiễm xạ:

   Việc thực hiện PET CT scan cũng mang nguy cơ chiếu xạ tương đương chụp CT thông thường. Nguyên nhân là do lượng nhiễu xạ của chất chỉ điểm rất nhỏ, không đủ để khiến cơ thể bị nhiễm, nên lượng tia hấp thụ vào cơ thể bạn tương đương với phim CT. Lượng tia này sẽ thanh lọc dần và không gây tác dụng xấu.

     * Tăng đường huyết:

    Việc dùng FDG khiến đường huyết của người bệnh tăng trong lúc thực hiện, tuy nhiên có thể kiểm soát tốt được nhược điểm này

    * Không gian hẹp:

   Quá trình thực hiện cần nằm trong buồng kín khá lâu, nên có thể mang lại cảm giác khó chịu cho người bệnh.

  VI. QUY TRÌNH CHỤP PET CT 

    1. Chuẩn bị 

    Sau khi được tư vấn và chỉ định thực hiện chụp PET CT, người bệnh cần lưu ý một số điều như sau:

         * Trước khi chụp 4 giờ, người bệnh cần nhịn ăn.

         * Có thể dùng nước uống trước khi thực hiện 2 giờ đồng hồ. Nên sử dụng loại nước không màu không có hương vị, tốt nhất là nước lọc. Nên uống nhiều nước, khoảng tầm 0.5-1 lít nước trước khi chụp.

         * Các thuốc kê theo toa bác sĩ có thể dùng bình thường. Tuy nhiên,  bệnh nhân đái tháo đường đã và đang dùng metformin cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị vì có thể phải ngừng thuốc 48 giờ trước khi thực hiện PET CT.

        * Chọn loại quần áo rộng thoáng, không có dây kéo hoặc kim loại. 

        2. Thực hiện 

     Trước khi bắt đầu chụp, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nằm lên băng ca nghỉ ngơi, đánh giá lại một số tiền căn được lưu ý phía trên, sau đó sẽ tiến hành tiêm chất chỉ điểm phóng xạ vào tĩnh mạch ở tay.

     Tùy vào mỗi người bệnh mà lượng thuốc tiêm vào cần khoảng 30-60 phút để khuếch tán khắp nơi trong cơ thể và cũng là thời gian cần thiết để các tế bào “tiêu thụ” chất chỉ điểm phóng xạ. Trong khoảng thời gian này, người bệnh cần nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh phải cử động hay trò chuyện.

      Trong một số tình huống cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn uống dung dịch cản quang để phân biệt đường tiêu hóa với những cấu trúc khác. 

        Sau khoảng thời gian khuếch tán, bệnh nhân được đưa vào buồng máy PET CT để bắt đầu chụp. Thời gian chụp trong buồng máy dao động 20-30 phút tùy thuộc vào mục tiêu cần đánh giá là một cơ quan hay toàn thân.

       Đối với nhóm bệnh lý tim mạch, thời gian thực hiện có thể sẽ dài hơn từ 2-3 giờ đồng hồ. Vì người bệnh cần chụp PET 2 lần trước và sau khi can thiệp nhằm khảo sát vùng cơ tim bị thiếu máu trước và sau khi điều trị.

     3. Sau khi chụp PET CT cần lưu ý gì?

     Nếu như không có thêm yêu cầu nào khác, người bệnh hoàn toàn có thể về và sinh hoạt bình thường sau khi thực hiện chụp PET.

     Một lượng rất nhỏ chất chỉ điểm còn tồn đọng trong cơ thể người bệnh, và sẽ được lọc qua nước tiểu và phân. Do vậy bạn cần lưu ý phải uống thật nhiều nước sau khi chụp để cơ thể mau thanh lọc lượng chất chỉ điểm phóng xạ đã tiêm.

    VII. CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN PET CT

  1. Sự khác biệt giữa chụp PET CT và chụp CT?

  PET CT và chụp cắt lớp vi tính về cấu tạo và máy móc có phần giống nhau, cũng bao gồm một buồng chụp, máy phát và thu nhận tia X. Tuy nhiên kỹ thuật chụp thì khác nhau. PET CT tương đương với 2 kỹ thuật vừa chụp CT vừa kèm theo có dùng chất chỉ điểm phóng xạ positron (Positron Emission Tomography) để xác định vị trí.

  Về mặt chức năng, kỹ thuật CT chỉ cho bác sĩ thấy về mặt cấu trúc các cơ quan trong cơ thể, qua đó cũng có thể quan sát được khối u khi chúng ở một kích thước nhất định. Trái lại PET CT có thể thấy những khối u ở kích thước nhỏ hơn, các nốt di căn xa mà kỹ thuật CT không phát hiện. Đồng thời việc định lượng mật độ của chất chỉ điểm còn cho phép gợi ý một khối u là lành hay ác.

   2. Chụp PET CT có hại không?

    Một số nguy cơ khi thực hiện PET CT scan bao gồm:

     * Phơi nhiễm phóng xạ: các nghiên cứu trong nhiều năm đổ lại đây đều kết luận rằng, hàm lượng phóng xạ còn tồn dư trong người sau khi người bệnh thực hiện chụp CT hay PET CT không gây ra bất lợi cho sức khỏe. Nói riêng với PET, lượng chỉ điểm phóng xạ còn tồn dư rất nhỏ và thường được thanh thải trong vòng vài ngày sau chụp, nên cũng không phải là vấn đề lo ngại với người bệnh.

     * Dị ứng: Bất kỳ một chế phẩm hay thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng, chất chỉ điểm cũng có thể gây ra tác dụng như vậy. Tuy nhiên số ca ghi nhận có dị ứng với chỉ điểm phóng xạ (PDG) cực kỳ hiếm.

     3. Chụp PET CT có phải cách ly không?

    Do lượng phóng xạ còn tồn dư trong cơ thể người bệnh không cao, và hoàn toàn được thanh thải sau một vài ngày. Nên người bệnh không cần phải cách ly sau khi chụp CT PET.

     4. Khi nào có kết quả chụp PET?

    Thông thường kết quả chụp CT PET sẽ có trong vòng 2-5 ngày sau khi chụp. Bác sĩ sẽ có lịch hẹn tái khám cho người bệnh vào ngày nhận kết quả, để có thể thảo luận về những phương án điều trị tiếp theo.

    5. Chụp PET CT tốn bao nhiêu tiền?

   Nhìn chung, chi phí chụp PET CT tương đối cao, mỗi lần chụp dao động từ 20.000.000 – 25.000.000 VNĐ. tùy theo cơ sở y tế . Lưu ý bảng giá dịch vụ trên đây là bảng giá tham khảo tại thời điểm cập nhật bài viết. 

 Tác giảBệnh viện Đa khoa Tâm Anh

           https://tamanhhospital.vn/chup-pet-ct/

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/chup-petct-muc-dich-va-ky-vong/