Trang chủ » BÀN LUẬN » CHÈN ÉP KHOANG TRONG CHẤN THƯƠNG CẲNG CHÂN (compartment syndrome in lower limb injury)

CHÈN ÉP KHOANG TRONG CHẤN THƯƠNG CẲNG CHÂN (compartment syndrome in lower limb injury)

    I. LỜI BÀN 

  Do không được lưu ý đúng mứcvài bệnh nhân bị chấn thương cẳng chân tương đối nhẹ nhàng, thậm chí chỉ bong gân và không bị gãy xương, nhưng sau đó lại phải cắt cụt chi vì chân bị hoại tử nhiễm trùng.

  Hồi cứu lại hồ sơ, thì thấy đa số các ca này là do hội chứng chèn ép khoang, một biến chứng cũng khá hay gặp của chấn thương và gãy xương cẳng chân.  

                NGUYỄN NGỌC NHƯỢC cua-chan-1465168155

          Hai bệnh nhân bị cưa chân vì phát hiện quá muộn Hội chứng chèn ép khoang

       Nguyễn Ngọc Nhược (trái) Ảnh: Trường Trung;  Lê Thị Hà Vi (phải) Ảnh: Thang Duy

   II. GÃY XƯƠNG CẲNG CHÂN KHÁ PHỔ BIẾN

  Chiếm tỷ lệ khoảng 20% tổng số ca gãy xương của con người. Gãy xương thường là hậu quả của tai nạn giao thông, lao động, thể thao, do vật nặng đè kẹt chân…

  Một biến chứng hay gặp của gãy xương cẳng chân là hội chứng chèn ép khoang. Y học đã thống kê thấy tỷ lệ chèn ép khoang trong gẫy xương cẳng chân khá lớn, đặc biệt là gãy chấn thương 1/3 trên: đến 80% trong gẫy  2 xương cẳng chân, trong đó gẫy kín 90% và gẫy hở gặp 10%. Đây là tình trạng một khối lượng máu, dịch thoát khỏi lòng mạch tràn vào các khoang và chèn ép các thành phần xung quanh như cơ, mạch máu, dây thần kinh. 

  III. CẤU TRÚC CẲNG CHÂN

                    CẲNG CHÂN

   Cẳng chân bao bọc bởi da và gồm có: (1) Hai xương cẳng chân là xương chầy và xương mác. Xương chầy là hình lăng trụ tam giác với mào chày ở phía trước nằm sát da, xuống dưới là hình trụ tròn nên đây là điểm yếu rất dễ bị gãy, (2) Khối cơ bố trí quanh xương không đồng đều, phía sau có khối cơ chắc khoẻ, phía trước không có cơ mà ngay dưới da là xương vì vậy khi gãy rất dễ bị lộ xương, (3) Mạch máu:  nuôi xương càng xuống thấp càng nghèo nàn, nên khi gãy vùng này xương khó liền, (4) Dây thần kinh và (5) Các khoang

                                               Các khoang ở cẳng chân

  Hai vách liên cơ trước và liên cơ ngoài cùng với màng liên cốt và thành xương chia cẳng chân ra làm 4 khoang: khoang trước, khoang ngoài, khoang sau cạn và khoang sau sâu.

  IV. QUY TRÌNH KIỂM TRA CHẤN THƯƠNG CẲNG CHÂN

 Để tránh sai sót khi khám, điều trị một chấn thương cẳng chân, thầy thuốc cần tuân thủ quy trình kiểm tra sau:

    (1) Tổn thương xương: có thể gãy một hay cả hai xương. Gãy đơn giản như gãy đôi ngang, gãy chéo hay gãy phức tạp: gãy nhiều mảnh, nhiều tầng,

    (2) Tổn thương phần mềm,

     (3) Tổn thương mạch máu, dây thần kinh,

    (4) Biến chứng cấp tính: sốc chấn thương, mất máu và hội chứng chèn ép khoang cấp.

    (5) Biến chứng sớm: nhiễm trùng, đặc biệt là hoại thư sinh hơi, loạn dưỡng gây sưng nề, nổi nhiều nốt phỏng nước ở da.

  Cần chú ý kiểm tra các biến  chứng chèn ép mạch khoeo hoặc chày sau, biến chứng chèn ép khoang bằng cách bắt mạch ở mu chân, đánh giá mức độ phù nề cẳng chân,  cảm giác và vận động các ngón chân.    

    V. HỘI CHỨNG CHÈN ÉP KHOANG (compartment syndrome)

  Khoang giống như một túi kín: cấu tạo các khoang hẹp, thành tương đối chắc. Vì vậy khi cẳng chân bị chấn thương, gãy xương thì máu từ ổ gãy chảy vào cùng với sự phù nề của các bắp cơ sẽ làm tăng các thể tích cũng như áp lực trong khoang gây nên hội chứng chèn ép khoang. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sự chèn ép gây thiếu máu, viêm tấy, hoại tử, nhiễm trùng lan rộng (nhiễm trùng huyết) và để cứu mạng phải cắt cụt chân. Bình thường áp lực trong các khoang là bằng 0,  khi gãy xương áp lực trong khoang tăng lên, nếu đến mức 20mm Hg là báo động và đến 30 mm Hg là chỉ định mổ cấp cứu giải thoát sự chèn ép khoang.  

                   Compartment-Syndrome2

              Compartment-Syndrome NGUYÊN NHÂN 

   Hội chứng khoang cấp tính sau chấn thương rất thường gặp, chiếm ba phần tư số trường hợp, hội chứng thường phát triển nhanh chóng trong khoảng vài giờ hoặc vài ngày. Cũng cần lưu ý, chèn ép khoang cấp cũng có thể xảy ra sau chấn thương dù không bị gãy xương, mà do những lý do khác như đè ép, đụng giập, bỏng, băng bó quá chặt, huyết khối thuyên tắc trong mạch máu, sau phẫu thuật, dùng steroid….

    1. Các dấu hiêu khi có chèn ép khoang

  Có 6 dấu hiệu gợi ý chèn ép khoang, bác sĩ và người thân cần hết sức lưu ý khi theo dõi bệnh nhân bị chấn thương hay gãy xương cẳng chân gồm: (1) Đau, đây là dấu hiệu trung thành nhất, với đặc điểm là liên tục càng lúc càng tăng, kể cả khi đã cho thuốc giảm đau, (2) Dị cảm da như cảm giác kiến bò, tê cứng, (3) Liệt thường xuất hiện sau khi máu tưới không đủ khiến dây thần kinh bị tổn thương, không hoạt động, (4) Da tím tái, nhợt màu, cũng có lúc sung phù, căng bóng và thâm tím, (5) Nhiệt độ da thường lạnh hơn vùng chung quanh và (6) Mạch yếu hay không bắt được khi bị chèn ép mạnh khiến máu  không còn lưu thông trong huyết quản.

   2. Làm thế nào để xác định hội chứng chèn ép khoang

  * Dựa vào loại, cơ chế chấn thương, thăm khám lâm sàng.

  * Xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu hủy cơ (myoglobin và lactate ) và tổn thương thận.

   * Đo áp lực trong khoang.

       3. Xử trí chèn ép khoang

  Hội chứng chèn ép khoang cấp tính là một cấp cứu cần phẫu thuật ngay lập tức. Thường sử dụng thủ thuật cắt bao cân mạc (fasciotomy) để giải áp lực cho khoang.

  Sau khi xẻ màng cân áp lực trong khoang nhanh chóng trở lại bình thường.

   Mặc dù chỉ có một khoang bị ảnh hưởng, thủ thuật thực hiện để giải phóng tất cả các khoang, cũng như giải nén cho các dây thần kinh và mạch máu.

   VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]http://benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/chan-thuong-chinh-hinh/gay-hai-xuong-cang-chan/938/

[2] http://bacsinoitru.vn/f18/hoi-chung-chen-ep-khoang-430.html

[3]http://phauthuatxuongkhop.com/phau-thuat-chan-thuong-chinh-hinh/gay-xuong-cang-chan-chan-doanhuong-dieu-tri/

[4]https://sites.google.com/site/seadropblog/home/y-khoa/ngoai/bhctch/hoichungchenepkhoang

[5]https://thuctapngoai.wordpress.com/2013/11/26/chuyen-de-_-tuan-3-_-le-thi-nguyet-hang_-to-5_-lop-y2008a/

[6] http://www.medicinenet.com/compartment_syndrome/article.htm

[7] http://www.webmd.com/pain-management/guide/compartment-syndrome-causes-treatments

[8]http://www.authorstream.com/Presentation/msaeedshafi-157462-compartment-syndrome-upper-limb-entertainment-ppt-powerpoint/

[9] http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMHT0024266/

[10] https://dantri.com.vn/suc-khoe/quy-trinh-theo-doi-chan-thuong-cang-chan-20160718143022079.htm

[11] https://dantri.com.vn/suc-khoe/bi-cat-chan-do-kiem-tra-chan-thuong-khong-dung-quy-trinh-20170426061938026.htm

[12] https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2016/06/30/hoi-chung-chen-ep-khoang-compartment-syndrome/

[13] https://thanhnien.vn/nu-sinh-bi-cua-chan-bay-gio-toi-can-gia-dinh-va-nghi-luc-song-185546151.htm

[14] https://tuoitre.vn/neu-dung-quy-trinh-anh-nhuoc-dau-bi-cua-chan-1113433.htm

 

                                                                                  TS.BS Trần Bá Thoại

                                                                 Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM