Trang chủ » BÀN LUẬN » CHẨN ĐOÁN NHẦM, MỔ NHẦM VÀ BỆNH DO THẦY THUỐC

CHẨN ĐOÁN NHẦM, MỔ NHẦM VÀ BỆNH DO THẦY THUỐC

     I. LỜI MỞ

   Tuần qua, việc một kỹ thuật viên X quang ghi nhầm tên bệnh nhân khiến bác sĩ ngoại tiến hành rút sonde cho bệnh nhân không có ngoại vật ở Bệnh viện Lâm Đồng được các bài báo phóng đại rằng “Bệnh viện Lâm Đồng trả nhầm kết quả X-quang, bệnh nhân bị phẫu thuật oan” đã gây xôn xao dư luận [1]
   Bài viết nhằm phân biệt 3 tình huống Chẩn đoán nhầm, Mổ nhầm và Bệnh do thầy thuốc trong y khoa:

    II. CHẨN ĐOÁN NHẦM

   Trong y khoa, việc chẩn đoán trước và sau mổ khác nhau, có thể xảy ra, đặc biệt với các phẫu thuật vùng bụng.

   Bụng được tính từ phần mũi ức xuống tới trên xương mu. Khoang bụng được chia làm 9 vùng là hạ sườn phải, thượng vị, hạ sườn trái, hông phải, quanh rốn, hông trái, hố chậu phải, hạ vị, và hố chậu trái.

   Trong khoang ổ bụng có các cơ quan (tạng) thuộc: (1) hệ tiêu hóa như dạ dày, tá tràng, gan, lá lách, hệ thống mật (túi mật và ống dẫn mật), tuy tạng, ruột non, ruột già (đại tràng, trực tràng, hậu môn), mạc treo; (2) hệ tiết niệu, nội tiết như thận và thượng thận, niệu quản, bàng quang; (3) hệ tim mạch như động, tĩnh mạch chủ bụng, động tĩnh mạch lách, thận , thượng thận; (4) ở phụ nữ còn có thêm tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo..

                                                    9 vùng bụng và các cơ quan tương ứng

    Vì các cơ quan, bộ phận này nằm chèn sát nhau nên có những dấu hiệu đau chồng lấn. Do đó, bác sĩ thường phải xem xét kỹ thông qua xét nghiệm, kỹ thuật, thủ thuật thăm dò. Ví dụ người bệnh đau vùng thượng vị có thể là dấu hiệu đau do viêm loét dạ dày, tá tràng, nhưng cũng có thể là cơn đau của viêm tụy, sỏi mật, đau thắt mạch vành… Bị đau ở hố chậu phải có thể do viêm ruột thừa, u manh tràng, viêm nang buồng trứng bên phải, táo bón…

  Do đó, đã có trường hợp chẩn đoán trước mổ là viêm ruột thừa nhưng sau mổ phát hiện có ổ ápxe vòi trứng và đương nhiên các phẫu thuật viên phải cắt bỏ nó đi. Có người bệnh ruột thừa “lạc chỗ”, quay ngược dưới gan, khi ruột thừa bị viêm, đau có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm là viêm ápxe gan. Người bệnh khám lâm sàng và siêu âm có hình ảnh u nang buồng trứng nhưng mổ ra thì là ung thư…

   Như vậy, chẩn đoán trước và sau mổ có khác nhau, chẩn đoán sai lầm này hoàn toàn có thể chấp nhận và hiểu được. Điều này xảy ra ở tất cả bệnh viện với nhiều phẫu thuật viên. Ngay tại nước có nền y tế phát triển như Hoa Kỳ, tỉ lệ chẩn “sai” viêm ruột thừa với các bệnh khác cũng xảy ra từ 10 – 20%.

   III. MỔ NHẦM 

  Con người có những cơ quan đôi, trái phải, trên dưới; ví như: mắt, tai,  tay, chân, thận, vòi trứng, buồng trứng, hố chậu, thượng vị, hạ vị…

  Vì không thận trọng, hoặc không theo đúng quykỹ thuật, một vài kíp mổ đã sai sót khi chẩn đoán, đánh dấu đưa đến xử lý mổ nhầm vị trí, bên trái sang bên phải, bên trên xuống bên dưới, và tai hoạ xẩy ra.

   IV. BỆNH DO THẦY THUỐC

  Bệnh do thầy thuốc (iatrogenic disease) là những bệnh gây ra từ những sai sót y tế, những sơ suất trong thao tác hay trong phương pháp điều trị cho đến các biến chứng các tác dụng phụ của thuốc men và của thủ thuật điều trị lên bệnh nhân.

   

   Có 6 nhóm bệnh do thầy thuốc hay gặp gồm:

   (1) Nhiễm trùng trong bệnh viện với các chủng vi khuẩn đa đề kháng thuốc do trước đó thầy thuốc đã dùng quá nhiều loại kháng sinh, 

   (2) Sai lầm trong dùng thuốc ví dụ trước đây dùng an thần điều trị viêm loét dạ dày trong khi thật sự phải dùng kháng sinh để loại trừ vi khuẩn HP

   (3) Cho thuốc quá liều ví dụ quá liều insulin trong đái tháo đường, quá liều thuốc chống đông máu khi chạy thân nhân tạo và ngay cả cho quá liều thuốc bổ…

   (4) Các dị ứng thuốc

   (5) Các tác dụng độc của thuốc như thuốc điều trị lao, thuốc kháng giáp, thuốc hạ sốt gây độc cho gan; thuốc kháng viêm gây loét dạ dày…

   (6) Giải thích hướng dẫn thiếu thận trọng gây hiểu nhầm, làm stress, trầm cảm cho bệnh nhân

   (7) Chẩn đoán, đánh giá, xử lý bệnh trạng cũng như tiên lượng và dự hậu sai lầm.  

    V. LỜI BÀN

   Chẩn đoán trước và sau mổ có khác nhau cũng hay xẩy ra, đặc biệt trong những phẫu thuật vùng bụng. Đây là những chẩn đoán nhầm hoàn toàn có thể hiểu và chấp nhận được. Điều này xảy ra ở tất cả bệnh viện với nhiều phẫu thuật viên. Ngay tại nước có nền y tế phát triển như Hoa Kỳ, tỉ lệ chẩn “sai” viêm ruột thừa với các bệnh khác cũng xảy ra từ 10 – 20%. Cần phân biệt rõ chẩn đoán nhầm với chẩn đoán sai:

   Mổ nhầm là một sai lầm chủ quan không đáng có trong y khoa. Ê kíp mổ, phẫu thuật viên, phụ mổ, điều dưỡng đã không cẩn  trọng, không “5 tra 3 đối” khiến sai sót xẩy ra. Đây là một vi phạm nghiêm trọng trong y khoa cần chế tài đúng mức.

   Đa phần các bệnh do thầy thuốc là khách quan, phụ thuộc cơ địa bệnh nhân. Chỉ một phần nhỏ liên hệ với trình độ, kiến thức chuyên môn, hơn là sai sót nghề nghiệp.

     Sự cố, tai biến trong y khoa có thể xảy ra với bất kỳ ca bệnh nào, có thể do khách quan, chủ quan do tay nghề chuyên môn, kinh nghiệm xử trí, thăm khám và cũng phụ thuộc yếu tố cơ địa người bệnh….Khác với khâu chẩn đoán, đa phần sơ sót y khoa thường không do trình độ chuyên môn kém hay do công việc quá nhiều mà đều do bác sĩ, phẫu thuật viên không tuân thủ quy trình khám, kiểm tra cơ bản.

    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành Bảng kiểm an toàn phẫu thuật, theo đó chia cuộc phẫu thuật ra làm ba giai đoạn: tiền mê, sau gây mê, trước phẫu thuật và giai đoạn phẫu thuật, đóng vết thương. Trong mỗi giai đoạn, người phụ trách bảng kiểm phải xác nhận rằng nhóm của mình đã hoàn thành những phần việc trước khi chuyển sang một giai đoạn khác.  Nếu nhân viên y tế, phẫu thuật viên tuân thủ nghiêm túc quy trình thì có thể kiểm soát được, giảm thiểu được đến mức thấp nhất các sự cố y khoa đau lòng.

VI. THAM KHẢO

[1] Bệnh viện Lâm Đồng trả nhầm kết quả X-quang, bệnh nhân bị phẫu thuật oan

https://tuoitre.vn/benh-vien-lam-dong-tra-nham-ket-qua-x-quang-benh-nhan-bi-phau-thuat-oan-20240221180019892.htm

[2] Khi nào thực sự mổ… nhầm?

https://tuoitre.vn/khi-nao-thuc-su-mo-nham-1143778.htm

[3] Chẩn sai cho phép, mổ nhầm thì không!

https://tuoitre.vn/chan-sai-cho-phep-mo-nham-thi-khong-1225813.htm

[4] Các bệnh lý gây đau vùng bụng

CÁC BỆNH LÝ GÂY ĐAU VÙNG BỤNG

[5] Bệnh do thầy thuốc

BỆNH DO THẦY THUỐC: NHÂN VIÊN Y TẾ “HẠI” BỆNH NHÂN !

                 TS.BS Trần Bá Thoại

        Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM