Trang chủ » Chưa phân loại » CẦN CƯ XỬ ĐÚNG VỚI DANH NHÂN, ANH HÙNG DÂN TỘC

CẦN CƯ XỬ ĐÚNG VỚI DANH NHÂN, ANH HÙNG DÂN TỘC

     1. Tuần qua một thông tin gây bức xúc, không những trong hoàng gia triều Nguyễn, mà còn trong cả dư luận xã hội Việt Nam về việc những nhà làm văn hóa (làm phim) đã làm một việc thiếu ý thức, đúng hơn là “thiếu văn hóa” , đó là việc dùng lăng vua Minh Mạng, một vị “minh quân”  lỗi lạc toàn diện của dân tộc ta….. để làm trường quay. Những người có trách nhiệm còn nói “tỉnh bơ”: quay xong dời điện thờ về lại vị trí cũ là xong. Điện thờ là nơi tôn nghiêm, không đơn giản như dời cái bàn, cái ghế ….

   Thử hỏi, nhóm làm phim và nhà chức trách có dám cư xử với điện thờ Tổ  của chính họ như vậy không ??? 

   Trần Bá Thoại

NƠI THỜ VUA NGUYỄN THÀNH TRƯỜNG QUAY PHIM TRẦN THỦ ĐỘ!

Cập nhật lúc 18:39, Thứ Ba, 13/04/2010 (GMT+7)

Toàn bộ Long vị, bàn thờ của vua Minh Mạng, Hoàng hậu cùng dòng tộc tại chánh điện lăng Minh Mạng bị di dời xếp vào góc tường để làm trường quay phim Thái sư Trần Thủ Độ. Gần 250 con cháu hậu duệ vua Minh Mạng và các vua nhà Nguyễn về dâng hương bỗng tá hỏa khi không thấy nơi thờ tổ tiên của mình, Long vị của vua ở đâu.

 Lời “kêu cứu” từ hậu duệ của vua Minh Mạng

Lăng Minh Mạng (còn gọi là Hiếu Lăng) rộng 18ha do vua Thiệu Trị – con trưởng vua Minh Mạng xây dựng từ năm 1840 đến 1843 và tu bổ năm 2000 bằng kinh phí nhà nước, nằm trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11/12/1993.

Chiều 12/4, ông Tôn Thất Viễn Bào (72 tuổi), hậu duệ thứ 4 của vua Minh Mạng, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc tại Huế bức xúc kể: “Sáng 11/4, gần 250 con cháu hậu duệ vua nhà Nguyễn từ khắp trong và ngoài nước về lăng Minh Mạng dâng hương nhân dịp tiết thanh minh hàng năm. Khi đoàn đến chánh điện thờ vua, hoàng hậu và dòng tộc thì chẳng thấy Long vị, bàn thờ, sập thờ… ở đâu. Một đoàn làm phim đang biến nơi đây thành trường quay rất lộn xộn”.

Chiều 12/4, chúng tôi cùng một số hậu duệ đời thứ 4, 5, 6… của vua Minh Mạng đến tham quan lăng thì cảnh tượng đúng như lời kêu cứu của Hội đồng Nguyễn Phước tộc tại Huế.

Sùng Ân Điện (nơi thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu Hồ Thị Hoa) mặc dù là nơi cấm quay phim, chụp hình nhưng đoàn làm phim với hơn chục máy quay, máy ảnh hoạt động hết công suất. Giờ nghỉ giải lao, diễn viên đoàn làm phim thì tha hồ chụp ảnh ngay chính điện thờ vua. Trong khi du khách đã bỏ một khoản tiền ra mua vé vào tham quan đưa máy ảnh ra chụp thì những người của đoàn làm phim nhắc nhở, không cho chụp.

Khoảng thời gian thực hiện một số cảnh quay tại lăng từ cuối tháng 3 đến nay, toàn bộ chánh điện thờ vua và hoàng tộc trở thành đại công trường để quay phim với ngổn ngang dây điện, cột đèn, bàn ghế, áo quần, tư trang… của đoàn làm phim. Hai bộ sập thờ được khênh đi chỗ khác để dựng lên một phòng ngủ của vua và hoàng hậu trong một cảnh phim.

Du khách trong và ngoài nước bỏ tiền ra để thưởng ngoạn di tích, chiêm ngưỡng vị vua cùng dòng tộc chứ không phải xem phim trường ngay trên điện thờ vua linh thiêng này. Trên khuôn mặt nhiều du khách nước ngoài tỏ ra tức giận rồi bỏ đi vì không được thấy di tích của vua và không được chụp ảnh.

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Tùng (75 tuổi, hậu duệ đời thứ 5 vua Minh Mạng) tâm sự: “Từ năm 1950 đến nay, năm nào tui cũng từ TP.HCM về Huế, dâng hương tổ tiên ở đây nhưng chưa lần nào thấy bị xúc phạm nghiêm trọng như vậy. Toàn bộ án thờ của vua và dòng tộc bị dồn vào một góc tường của chánh điện nhưng chúng tôi tìm mãi vẫn không thấy Long vị vua ở đâu, nếu bị thất lạc hay hư hỏng thì ai chịu trách nhiệm?”.

Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc là con cháu, hậu duệ của các vua triều Nguyễn, có nhiệm vụ thờ cúng vua cùng dòng tộc, tổ chức lễ kỵ, góp phần trùng tu, bảo vệ các lăng tẩm vua Nguyễn. Hàng năm cứ vào tiết thanh minh, Hội đồng phải xin phép Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đến dâng hương tại lăng. Khi đoàn làm phim tiến hành quay tại lăng Minh Mạng, đã không có ai bàn bạc, hỏi ý kiến của hội đồng này.

Đoàn làm phim chỉ biết được việc của mình?

Bộ phim truyền hình 30 tập Thái sư Trần Thủ Độ (tên cũ là Trần Thủ Độ và người tình) – Hãng phim truyện I được nhà nước đặt hàng với kinh phí 53 tỷ đồng, đạo diễn Đào Duy Phúc, khi thực hiện một số cảnh quay ở Huế đã dùng các di tích, lăng tẩm triều Nguyễn làm bối cảnh cho phim.

Nửa tháng nay, toàn bộ Long vị vua, bàn thờ Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, cùng con, cháu vua đã bị dẹp bỏ khỏi điện thờ chính để làm bối cảnh của trường quay. Hỏi nhiều người trong đoàn làm phim là có di dời án thờ, sắp xếp lại chánh điện hay không thì ai cũng trả lời là có. Nhưng khi hỏi đạo diễn Đào Duy Phúc về việc làm như vậy đúng không thì được trả lời: “Tôi đang bận quay phim, xin các anh đợi”.

Cảnh quay trong phim Trần Thủ Độ thực hiện tại lăng Minh Mạng tái hiện lịch sử năm 1210 khi Trần Thủ Độ phò Thái tử Sảm lên ngôi vua (tức là Lý Huệ Tông). Cảnh này thuộc về đời Lý nhưng lại thực hiện trong di tích, lăng tẩm của một ông vua nhà Nguyễn thì không hợp lý xét về góc độ lịch sử (cách nhau gần 600 năm) cũng như kiến trúc của 2 triều đại hoàn toàn khác nhau.

Xét về mặt con người, Minh Mạng là một ông vua quyết đoán, năng động, có nhiều công lao trong cải cách nội trị đến ngoại giao, lập ra Nội các và Viện cơ mật ở Kinh thành Huế, bỏ việc lập các dinh để lập tỉnh (cả nước có 31 tỉnh).

Quân đội dưới triều vua này rất hùng mạnh, được tổ chức chuyên nghiệp, dẹp trừ nhiều cuộc nội loạn. Vua tinh thông Nho học, sùng đạo Khổng Tử; quan tâm đến việc học, thi cử khi mở Quốc Tử Giám. Về đối ngoại, chủ trương mở rộng bờ cõi khi đặt tên nước là Đại Nam vào năm 1838. Trần Thủ Độ mặc dù có công phò vua Lý Huệ Tông nhưng sau đó phế truất vua này, dàn xếp chính trị đưa Trần Cảnh lên làm vua, lập ra nhà Trần.

Nếu như tất cả các đoàn làm phim lịch sử về Huế đóng phim mà dùng các lăng tẩm, di tích làm cảnh quay thì sự tôn nghiêm, linh thiêng còn ở chỗ nào nữa? Những ông vua, chúa hay các bậc tiền nhân và những người đang sống hôm nay có lẽ không muốn bị đối xử như vậy.

Cơ quan chức năng: Phim đã được Bộ duyệt quay rồi

Nhiều du khách phàn nàn về cách xử sự của đoàn làm phim cũng như cơ quan chức năng đã cấp giấy phép để đoàn thực hiện cảnh quay tại lăng Minh Mạng. Ông Nguyễn Phước Bảo Hùng (51 tuổi, ở TP.Huế) bức xúc: “Huế là đất thần kinh – đất vua, có truyền thống văn hóa, coi trọng tâm linh nhưng lại xảy ra sự việc như vậy đúng là động trời”…

Khi chúng tôi hỏi vấn đề toàn bộ Long vị, án thờ tại lăng Minh Mạng bị đoàn phim di dời để làm trường quay thì các cơ quan chức năng vẫn cho rằng đó là phim của Nhà nước đặt hàng, được cấp phép.

Ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô cho biết: “Phim này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt thực hiện cảnh quay. Việc đoàn làm phim thực hiện tại lăng Minh Mạng và có di dời hiện vật như vậy nhưng họ sẽ trả lại nguyên trạng như ban đầu. Nếu quay ở lăng khác cũng làm như vậy thôi. Không lẽ cấm không cho họ làm?”. Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng trả lời là đoàn phim sẽ trả lại nguyên trạng như ban đầu (?)

Nửa tháng hoạt động của đoàn làm phim có lẽ đã để lại rất nhiều bất bình, phản cảm trong con mắt nhiều du khách trước một di tích nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và thu hút khách du lịch đứng thứ 2 sau lăng Tự Đức!

Nguyên Bình

         Chùm ảnh ” trường quay”  phim Thái sư Trần Thủ Độ

     2. Cuối tuần đọc được tin vui, nhà chức trách  Thừa Thiên Huế, cho di dời tượng Cụ Phan Bội Châu về bên bờ sông Hương, như một cách tôn vinh đúng đắn giá trị văn hóa, công lao đóng góp cho đất nước của Cụ …

       Xin cám ơn những nhà chức trách đã có tầm nhìn “văn hóa”, hợp lòng dân.

Trần Bá Thoại 

Thứ Sáu, 16/04/2010 14:03    

ÔNG GIÀ BẾN NGỰ SẼ TỌA LẠC BÊN SÔNG HƯƠNG

(TT&VH Online) – Sau 22 năm “đặt tạm” trong khuôn viên Khu di tích Lăng mộ và Nhà thờ cụ Phan Bội Châu (119 Phan Bội Châu – TP Huế), ngày 13/4, ông Ngô Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ký ban hành Công văn số 1412/UBND-VH, đồng ý di dời tượng cụ Phan Bội Châu (Ông già Bến Ngự) về công viên 19 Lê Lợi – vị trí trung tâm của thành phố, bên bờ sông Hương, gần cầu Trường Tiền. Chủ trương này được đông đảo công chúng và giới nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở Huế quan tâm đón nhận.

Pho tượng đồng đẹp bậc nhất Việt Nam

Năm 1973, khi phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh sinh viên ở các đô thị miền Nam bị đàn áp mạnh, một nhóm trí thức, văn nghệ sĩ ở Huế đã tìm cách cổ vũ tinh thần yêu nước, phong trào tranh đấu chống chính quyền Sài Gòn bằng cách dựng tượng các nhà chí sỹ yêu nước. Một ủy ban dựng tượng danh nhân Việt Nam được lập ra và bức tượng đầu tiên là chân dung Phan Bội Châu.   

 

Tượng “Ông già Bến ngự” đã có vị trí mới bên bờ sông Hương.

Bức tượng do họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn cùng một nhóm nghệ sĩ ở Huế tổ chức thực hiện tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và được đúc bằng đồng tại Phường Đúc (Huế) năm 1973. Bức tượng cao 4,5m thể hiện thần thái của nhà chí sĩ Phan Bội Châu với vầng trán cao rộng, chòm râu dài lột tả được nét thông thái, thâm trầm, đôi lông mày nhíu lại và đôi mắt quắc lên sáng ngời khí tiết của một sĩ phu. Theo đánh giá của giới chuyên môn đây là bức tượng đồng lớn nhất và đẹp vào bậc nhất nước ta hiện nay, có giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng lớn, gắn với lịch sử vẻ vang của dân tộc.

   Hành trình 22 năm

   Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có một không hai này cũng chịu nhiều gian truân. Vì nhiều lý do, pho tượng nằm ở Phường Đúc đến hơn 10 năm sau đó mới được hoàn thiện, nhưng vấn đề đặt ra là bức tượng sẽ được đặt ở vị trí nào cho tương xứng vẫn là sự lựa chọn khó thống nhất. Năm 1988, sau nhiều lần cân nhắc, thành phố Huế đã tạm thời đặt bức tượng trong khuôn viên Khu di tích Lăng mộ và Nhà thờ cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự, nơi có diện tích khiêm tốn và tỷ lệ không gian không tương xứng với tác phẩm. Thế nhưng, có nghịch lý là việc “đặt tạm” đó lại kéo dài trong suốt 22 năm qua với sự tiếc nuối của nhân dân và các nhà nghiên cứu đối với giá trị nghệ thuật, tính lịch sử cách mạng sâu sắc của bức tượng.

  Trong suốt 22 năm qua, đã hơn một lần vấn đề tìm vị trí tương xứng cho bức tượng cụ Phan Bội Châu đã được đề cập nhưng thật khó cho một tiếng nói thống nhất, mãi đến tháng 12/2009, một cuộc tọa đàm về chủ đề tượng Phan Bội Châu do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên – Huế tổ chức đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý. Một nhận định chung được đưa ra tại tọa đàm là sự cấp thiết tìm vị trí tương xứng cho bức tượng có giá trị nghệ thuật, tính lịch sử cách mạng sâu sắc này. Đích thân ông Hồ Xuân Mãn – UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cấp thiết này.

   Tại hội nghị bàn thống nhất vị trí đặt tượng cụ Phan Bội Châu do Sở VH,TT&DL tỉnh TT-Huế tổ chức vào ngày 31/3/2010 vừa qua với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đã đi đến thống nhất đề xuất di dời tượng cụ Phan Bội Châu về công viên 19 Lê Lợi, bên bờ sông Hương, gần với cầu Trường Tiền nhằm phát huy tối đa giá trị thẩm mỹ, tính truyền thống và lịch sử sâu sắc của bức tượng.

  Vị trí xứng tầm

   Theo TS sử học Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh TT-Huế: “Đặt bức tượng ở vị trí này là rất xứng tầm, góp phần bổ sung giá trị văn hóa cho tuyến đường Lê Lợi, tạo điểm nhấn quan trọng, từ cầu Trường Tiền chúng ta sẽ có công viên và tượng Phan Bội Châu, gắn với công viên Tứ Tượng, nằm trên một trục liên hoàn với Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liểu Quán, Trung tâm Dịch vụ Festival, phù hợp với cảnh quan chung hai bờ sông Hương, thu hút du khách trên tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu”. Về hướng đặt tượng, PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh TT-Huế nhận định: “Đặt tượng quay về hướng Đông là rất thuận lợi (phù hợp với ý tưởng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu) sẽ phát huy được tầm nhìn 3 mặt: phía cầu Trường Tiền, phía đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và phía đường Lê Lợi.

    20 năm chịu cảnh tạm thời – một khoảng thời gian đủ để gọi là rất dài. Hơn bao giờ hết, giá trị thẩm mỹ, tính truyền thống và lịch sử của bức tượng cụ Phan Bội Châu phải được tôn vinh xứng đáng. Việc xác định vị trí thích hợp để đặt tượng không chỉ làm phong phú cảnh quan, làm đẹp cho TP. Huế mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của một lớp trí thức, thanh niên, sinh viên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hải Đăng

//