CƠ SỞ KHOA HỌC ĐIỆN HẠT NHÂN
Trần Bá Thoại
Chiều nay, nhân đọc bài “Lộ trình của chính phủ, ý nguyện của nhân dân và cơ sở khoa học” của TS Trần Văn Luyến, đăng trên Bauxite Việt Nam. TS. Trần Văn Luyến hiện là Trưởng VPDD Ban Chuẩn bị đầu tư Dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Dù chưa thật sự hiểu biết chính xác hết các nội dung cũng như độ tin cậy của tác giả bài viết. Nhưng cảm giác đầu tiên của tôi là thích thú: à thì ra cũng có vị “có trách nhiệm” dám công khai là mình đã thích và theo dõi các bài viết trên mạng Bauxite ngay từ đầu, đặc biệt hơn ông có đề nghị (không biết thật lòng hay không): Những việc “quốc gia đại sự” như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, cần có ý kiến nhiều chiều, cung cấp đầy đủ thông tin cho người có trách nhiệm, giúp họ cân nhắc mọi lẽ để đi đến kết luận đúng đắn. Đây là một ý tưởng khá hiếm đối với giới “quan chức” nói chung của Việt Nam chúng ta. Xin hoan nghênh đề xuất “thức thời” của TS Trần Văn Luyến.
Tiện đây tôi xin góp thêm vài ý kiến về cụm từ “cơ sở khoa học” trong bài viết của TS Luyến.
Trong giới khoa học, một vấn đề, một công trình được cho là có cơ sở khoa học khi có được ba yếu tố: (1) có số liệu chứng minh, (2) đã được thừa nhận (đã công bố) và (3) có thể lặp lại được, ví dụ trong y học bệnh ruột thừa viêm thường được chỉ định mổ cắt bỏ vì: gần như tất cả trường hợp ruột thừa viêm mổ đều thành công, phẫu thuật đã được thừa nhận và công bố trong y văn và bệnh nhân nào bị ruột thừa viêm đều có thể tiến hành phẫu thuật thành công như nhau.
Khoa học thường độc lập và rõ ràng, không thể hoàn toàn dựa vào cảm tính và kinh nghiệm cá nhân, dù đó là những vị nổi tiếng, lớn tuổi hay có nhiều học hàm, học vị. Tuy nhiên, trong khoa học những ý kiến của các “cây đa cây đề” cần phải được lưu tâm, để ý hơn.
Những ngày vừa qua, trên nhiều hệ thống thông tin đại chúng, vấn đề điện hạt nhân đang “nóng” lên từng ngày, khi đã gần đến biểu quyết của quốc hội. Thiết nghĩ, những phản biện quý báu của các chuyên gia, đặc biệt của những vị nhiều năm, nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực điện hạt nhân ở trong và ngoài nước, như GS.TS Phùng Liên Đoàn, chuyên gia người Việt Nam đang ở Hoa Kỳ, TS. Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.v.v…cùng với những kinh nghiệm vận hành, xử lý tình huống của nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, chính là là những ý kiến quý báu, những vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu nghiêm túc với chúng ta.