Trích bài đăng trên VietNamNet
NẾU CÓ CƠ HỘI THĂNG TIẾN CÔNG BẰNG, NGƯỜI TÀI SẼ Ở LẠI
Thứ Năm, 21/01/2010
“Nếu được đánh giá đúng, được sử dụng và có cơ hội thăng tiến công bằng, khách quan, họ sẽ ở lại”, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn trao đổi với VietNamNet bên lề Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ năm 2010 ngành nội vụ đang diễn ra ở TP.HCM.
Yêu cầu cụ thể cho từng vị trí
Bộ trưởng Bộ Nội vụ TRẦN VĂN TUẤN
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho hay Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực từ tháng này có nhiều điểm mới. Trong tuyển dụng, ngoài hình thức thi bình thường còn có thêm thi cạnh tranh. Khi xác định số lượng biên chế, sẽ xác định luôn vị trí làm việc cụ thể.
“Như vậy, những bạn trẻ được đào tạo bài bản, giỏi khi qua thi tuyển sẽ được đánh giá đúng và sắp xếp công việc phù hợp”, ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, trong công tác thi tuyển công chức, ngoài việc thi theo những nội dung, quy định bình thường, Bộ Nội vụ sẽ phân cấp cho địa phương và các bộ, ngành tổ chức thi tuyển chuyên môn nghiệp vụ theo nhu cầu và Bộ Nội vụ sẽ chỉ quản lý về mặt nhà nước.
Để tránh trường hợp “ngồi nhầm chỗ” dẫn tới không phát huy được năng lực của công chức, theo Bộ trưởng, cần xác định yêu cầu cụ thể về chuyên môn nghiệp vụ của từng vị trí, không nhất thiết cứ phải đòi trình độ đại học, cao học chung chung.
Ông Tuấn cũng khẳng định muốn xã hội không hiểu sai và tránh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn cán bộ, công chức, những người tuyển dụng phải tuân thủ đúng quy chế công bố thông tin tuyển dụng và tuyển đúng theo nội dung đã công bố.
“Không phải cán bộ, công chức nào cũng chỉ nghĩ đến đồng lương cao hay thấp mà họ còn vì danh dự. Nếu được đánh giá đúng, được sử dụng và có cơ hội thăng tiến công bằng, khách quan, họ sẽ ở lại”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo phải trăn trở giữ chân trí thức
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng ĐẶNG CÔNG NGỮ
Đại diện cho đại phương thành công trong việc “lôi kéo” người giỏi về làm việc những năm gần đây, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ chia sẻ kinh nghiệm: “Một người giỏi nhưng luôn bị cô lập, không được ủng hộ, không được vun xới dần dần sẽ lụi tàn. Còn nếu được bố trí thích hợp, động viên, tạo điều kiện để hoạt động, họ sẽ bám trụ và làm việc rất tốt”.
Tính đến nay, Đà Nẵng đã thu hút được 753 người, trong đó có cả những người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ và đa số là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
Tuy nhiên, để phát triển được nguồn nhân lực này, theo ông Ngữ, cần có sự chuẩn bị và nhất là người lãnh đạo phải trăn trở với việc làm thế nào giữ chân người tài, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực có chất lượng.
“Giữ chân trí thức không phải là việc đơn giản nếu thiếu sự trân trọng và quan tâm của lãnh đạo”, ông Ngữ nói.
Ông cũng cho rằng trong công tác tuyển dụng nên có cơ chế đặc thù cho địa phương. Với đối tượng giỏi thực sự, qua kiểm tra sơ bộ thấy đạt được yêu cầu công việc nên có cơ chế tuyển thẳng.
“Đã không có cơ chế ưu đãi, chỉ mỗi việc đó cũng hạn chế thì càng tiếp tục không có người giỏi tham gia vào bộ máy nhà nước”, ông Ngữ nói.
- Đoàn Quý