Trang chủ » Chưa phân loại » CHẢY MÁU CHẤT XÁM (cont.)

CHẢY MÁU CHẤT XÁM (cont.)

PHÍA SAU MỘT QUYẾT ĐỊNH

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa ĐHQG TPHCM

TT – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa ra quyết định nhận cử nhân Phan Thị Cảnh vào đội ngũ công chức tỉnh nhà (không biết Phan Thị Cảnh còn mặn mà nữa không sau những ồn ào của dư luận). Vậy là câu chuyện đã vãn nhưng không ai đảm bảo rằng “hiện tượng Phan Thị Cảnh” không còn xuất hiện ở một tỉnh A, B nào đó.

Tôi đã từng sửng sốt gặp một cựu sinh viên giỏi của mình bán nước ngọt bên lề đường. Cậu ấy rất yêu quê hương và mong ngày tốt nghiệp về phụng sự tỉnh nhà.

Trước ngày khăn gói vào Sài Gòn học, các chú bác lãnh đạo đã gặp, động viên, hứa hẹn mong các cậu sớm trở về thay cho đội ngũ đã lớn tuổi không được đào tạo bài bản. Và cậu cử nhân luật cùng nhóm bạn đã trở về trong sự hào hứng, nhưng trớ trêu thay khi đến trình diện thì các chú, các bác ai cũng có trong tay một vài tấm bằng cử nhân tại chức, thậm chí có chú, bác còn kịp có cả bằng thạc sĩ! Vậy là những chỗ quy hoạch định dành cho các cậu khi xưa nay không còn nữa, đơn xin việc đành cất vào ngăn kéo.

Tất nhiên không phải ai cũng rơi vào hoàn cảnh như thế, cũng có người may mắn được nhận vào làm việc, nhưng công việc của kỹ sư, cử nhân chỉ là sai vặt như lau bàn ghế, pha trà, sắp xếp hồ sơ, đánh văn bản, chuyển đi các phòng ban… Chán nản, không ít người lại bỏ đi thành phố.

Ai cũng biết nghịch lý này, nhưng bỏ tại chức thì không được vì đã có vị lãnh đạo cao cấp nói rằng “tại chức là nồi cơm” của các trường công lập. Khi nào không còn hệ tại chức, hoặc chất lượng tại chức đảm bảo ngang bằng như chính quy thì khi đó các nhân tài trẻ mới may ra có chỗ đứng.

Các tỉnh hiện đang đua nhau đưa ra các lời kêu gọi thống thiết, kể cả sẵn sàng trải thảm đỏ để “chiêu hiền đãi sĩ”, số tiền “khuyến tài” nâng lên theo từng năm, kèm theo nhà đất, căn hộ… Có vẻ quá lời khi nói rằng hình như đó chỉ là mốt thời thượng, một hình thức PR tỉnh nhà cũng biết “trọng kẻ sĩ”.

Vài năm trước đây, có một vị giáo sư được nước ngoài phong hẳn hoi đã tình nguyện về một thành phố ở miền Trung làm việc, nhưng mấy năm trời chỉ có mỗi việc làm thư ký sắp xếp lịch làm việc cho cấp trên, cắp cặp đi cùng lãnh đạo để gỡ bí khi gặp câu hỏi khó của cấp trên nữa. Khi vị lãnh đạo đó hết nhiệm kỳ thì ngài giáo sư khả kính kia cũng nhận được cái vỗ vai của vị kế nhiệm là “game over” (hạ màn).

Lại có một vị giáo sư danh tiếng khác được cố hương mời từ Sài Gòn trở về để nhận chức hiệu trưởng một trường đại học tỉnh nhà, nhưng chỉ sau một tháng làm quen công việc đã thấy mình thân cô thế cô chả thuộc phe nhóm nào cả, trong khi ngày nào cũng nhận được dăm ba lời gửi gắm của các quan chức đầu tỉnh đưa bà con vào làm, đưa cháu con vào học…

Ở nước ta việc chấp nhận và trân trọng cấp dưới trẻ hơn, giỏi hơn mình chưa thành một thứ văn hóa, phổ biến vẫn là “sống lâu lên lão làng”, là “xoa đầu, ban ơn”. Hơn nữa các cơ quan cấp tỉnh quanh quẩn chỉ là những công việc hành chính, sự vụ, ít có đất dụng võ cho các nhà khoa học thực tài.

Thế rồi theo năm tháng tài năng mòn dần đi, nhiệt huyết cũng theo đó mà hạ xuống, họ trở thành những công chức mẫn cán “sáng cắp ô đi, chiều ôm cặp về”, nhiều người cũng thay hình đổi dạng cho phù hợp với hoàn cảnh. Do vậy, các chương trình kêu gọi người tài chưa thấy thành công là mấy.

Muốn các chương trình lớn như thế thành công thì cần phải thay đổi nhận thức sâu sắc hơn nữa, thay đổi chế độ đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ mang tính cách mạng chứ không phải phong trào, và hơn thế nữa là một tinh thần dũng cảm chấp nhận “con hơn cha là quốc gia có phúc”.