Trang chủ » Chưa phân loại » CHẢY MÁU CHẤT XÁM. BRAIN DRAIN

CHẢY MÁU CHẤT XÁM. BRAIN DRAIN

A5b crop

TÀI NĂNG: KHÔNG THỂ “HÁI LƯỢM” MÃI!

 TS.BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng)

    Cách đây đã hơn nửa thế kỷ, vào năm Hồng Đức thứ 15 (1484) vua Lê Thánh Tông cho dựng Văn miếu, Tiến sĩ Thân Nhân Trung được vua đề cử soạn văn bia, ông đã viết một đoạn nổi tiếng lưu lại cho đến ngày nay: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng bay lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp”. Ý nghĩa của câu chữ này ai cũng hiểu và công nhận là quá chí lý. Nhiều trường học còn cho dựng bảng khắc câu này ở trong khuôn viên, những nơi trang trọng…với mục đích khuyến khích, nhắc nhở, tôn vinh người hiền tài.

     Tư duy người Mỹ rất rõ ràng và thực tế, họ cho rằng muốn tiến hành một dự án thì kế hoạch cần phải có 4 chữ M:  Man power (con người), Money (tiền bạc), Marterials (cơ sở vật chất) và Management (quản lý), trong đó Man -con người- phải là yếu tố quan trọng đầu tiên. Cần nhắc lại “con người” ở đây phải là người có chuyên môn trình độ tức là những hiền tài.  

    Chắc chắn hiền tài không thiếu trong xã hội chúng ta hiện nay. Họ cũng như viên ngọc quý, phải được phát hiện, mài dũa, chế tác.v.v.… mới có thể  “phát sáng” và mới có giá trị. Nói cho cùng thì hiền tài cũng là con người bằng xương bằng thịt; họ không thể tự nhiên mà có, họ phải được nuôi dưỡng, học hành và phải khổ công trau dồi, rèn luyện…mới thành danh. Tiến sĩ Thân Nhân Trung, người đã để lại hậu thế ngoài những bài thơ, áng văn hay ông còn đưa ra nhiều nhân sinh quan rất tốt đẹp mà đỉnh cao là câu đoạn nhận xét về hiền tài nêu trên, đã may mắn được vị anh quân vua Lê Thánh Tông thấy được, đánh giá được tài năng rồi cất nhắc, bổ dụng những vị trí quan trọng nhờ đó tài năng, tinh hoa của Thân Nhân Trung mới có điều kiện bộc lộ, phát tiết. Xã hội cần phải có người tài đức cán đáng công việc, ngược lại hệ thống quản lý xã hội phải có chính sách cụ thể để hiền tài phút huy hết khả năng, do đó việc chiêu hiền đãi sĩ cũng cần rõ ràng, thiết thực chứ không thể là khẩu hiệu rêu rao suông như vẫn thấy lâu nay.

     Vẫn còn tồn tại một câu hỏi quen thuộc: Tại sao chúng ta bị “chảy máu chất xám” (brain drain) dai dẳng? Câu trả lời quá đơn giản: Do chính chúng ta gây ra, đúng hơn là do chúng ta đã đưa ra những chính sách nửa vời, không thực chất và thật sự chưa thể gọi là chiêu hiền đãi sĩ đúng nghĩa . Chất xám cũng cần phải nạp “năng lượng” mới phát huy được “năng lực”. Và “năng lượng” cho chất xám cũng đơn giản như mọi con người bình thường: đó cũng là cơm, cháo, gạo, tiền vốn là những nhu cầu thiết thực cho cuộc sống. Chất xám cũng cần lời động viên, khen ngợi thật sự và xuất phát từ chân tình, họ học rộng hiểu nhiều nên không thể duy ý chí để nhịn đói để phục vụ, để hy sinh theo những hứa hẹn viễn vông.

      Hơn 2000 năm trước, trong sách Luận ngữ đức Khổng Tử dặn dò học trò: “Phải tránh nói những gì không làm được” và “Người quân tử cần thận trọng ở lời nói, nhanh chóng ở việc làm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có tâm sự: “Tôi khuyên các bạn một điều là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ dần dần đến to…. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn một trăm chương trình to tát mà không làm được”. Cho nên chính quyền, những vị quan chức lãnh đạo cần nghiêm túc hơn trong chính sách trọng dụng, thu hút trí thức.

     Đến nay đã nhiều địa phương, nhiều vị lãnh đạo hô hào, cổ xúy việc “chiêu hiền đãi sĩ ”, tạo “đất lành chim đậu”…Tiếc rằng những ý tưởng tốt đẹp này mới “treo” “vẽ” trên giấy; còn vào thực tiễn đời sống chắc cũng còn “chờ”, chắc cũng còn “treo lâu” …