Hiện nay, cùng với sốt xuất huyết các ca bệnh tay chân miệng đã xuất hiện,Các chuyên gia dự đoán những dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay, khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường sau hai năm gián đoạn do COVID-19.
Bệnh Tay Chân Miệng (TCM) có tên như vậy vì có 3 biểu hiện da ở Tay, Chân và Miệng

TCM là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, do một số vi rút đường ruột (enterovirrus) gây ra. Họ vi rút thường gặp là Coxsackie virus A6, A10, A16 và Enterovirus EV71. Các vi rút này lây lan rất nhanh qua trung gian dịch chất tiết mũi họng miệng, nước bọt hay phân của bệnh nhi.
Bệnh TCM xảy ra quanh năm và thường bùng phát vào mùa xuân hè khi thời tiết ấm và ẩm, thuận lợi cho vi rút nhân lên và gây bệnh. Tất cả những người chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm, cũng có người bị nhiễm vi rút TCM nhưng không xuất hiện các biểu hiện ngoài da. Bệnh TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi.
Bốn điều cần lưu ý
1. Bệnh TCM có thể gây ra do nhiều loại vi rút; do đó, đứa trẻ có thể mắc TCM nhiều lần với nhiều týp vi rút khác nhau.
2. Theo y văn, rất nhiều vi rút có thể gây ra các nốt đỏ và loét trong miệng. Do đó, cần đưa cháu bé đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán xác định.
Thường bác sĩ có thể phân biệt TCM với các nhiễm vi rút khác dựa vào các yếu tố như:
(a) Tuổi của người bệnh,
(b) Thứ tự tuần tự triệu chứng, sốt cao→đau họng→ vết loét miệng→ bàn tay→ bàn chân,
(c) tính chất các nốt da, niêm mạc, nhỏ hơn thủy đậu và có hình dạng, màu sắc và kích thước đặc thù, và
(d) khẳng định (hoặc loại trừ) bệnh TCM qua phân lập vi rút từ các tổn thương da.
3. Đa số ca TCM thường là nhẹ, có thể lành sau 7- 10 ngày và thường không gây ra biến chứng.
4. Chỉ virus EV71 (enterovirus 71) có thể gây viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… cho nên cần làm “Xét nghiệm EV71” để xác định vi rút này và có hướng chăm sóc tích cực hơn.
TS.BS Trần Bá Thoại