I. LỜI MỞ
Lo ngại ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV LCD và máy tính xách tay gây hại cho mắt hoặc gây suy giảm thị lực, nhiều người đã sử dụng kính lọc ánh sáng xanh hoặc các bộ lọc đổi màu màn hình.
Nhưng, hỏi các bác sĩ chuyên khoa mắt, Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử có gây thoái hóa điểm vàng hay mù lòa không? Câu trả lời ngắn gọn là không: Lượng ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử, không gây hại cho võng mạc hoặc bất kỳ bộ phận nào khác của mắt.
II. ĐỊNH DANH ÁNH SÁNG XANH
Ánh sáng xanh là ánh sáng nhìn thấy được với bước sóng từ 400 đến 450 nanomet. Tuy nhiên, ánh sáng xanh cũng hiện diện trong ánh sáng trắng hoặc màu khác.
Ánh sáng xanh bị lo ngại vì nó có nhiều năng lượng trên mỗi photon ánh sáng hơn các màu khác trong quang phổ thấy được, xanh đỏ vàng lục lam chàm tím. Do đó, ánh sáng xanh, ở liều lượng đủ cao, có khả năng gây hại hơn cho các tế bào khác nhau trong cơ thể chúng ta.
Nhận thức của chúng ta về màu sắc chủ yếu dựa vào ba tế bào cảm quang hình nón và một tế bào cảm quang hình que nằm trên võng mạc: Ban ngày, ba tế bào cảm quang hình nón chủ động cảm nhận ánh sáng và mỗi tế bào có độ nhạy cực đại ở các phần màu lam, lục hoặc đỏ của quang phổ ánh sáng khả kiến, và cảm giác về màu sắc nhờ vào bởi sự cân bằng hoạt động của ba tế bào này. Khi ánh sáng quá mờ, hay tối, các tế bào hình que giúp chúng ta cảm nhận sắc xám mà thôi.
III. ĐÈN LED VÀ ÁNH SÁNG XANH
Hầu hết các nguồn sáng đều có phổ rộng. Tuy nhiên, trong đèn LED (diode phát quang, light emitting diode) đỉnh sáng tương đối hẹp, cho phép ánh sáng đèn LED gần như không thể phân biệt được với ánh sáng trắng hoặc ánh sáng ban ngày (white light, daylight)
Mặc dù chúng ta không cảm nhận được, nhưng đèn LED trắng phát ra nhiều ánh sáng xanh hơn so với các nguồn sáng truyền thống.
Ánh sáng xanh này không có khả năng gây nguy hiểm vật lý cho võng mạc. Nhưng nó có thể kích thích đồng hồ sinh học nhiều hơn các nguồn sáng truyền thống, khiến con người tỉnh táo, gián đoạn giấc ngủ hoặc có những tác động khác đến nhịp sinh học.
Màn hình của các thiết bị điện tử hiện đại dựa trên công nghệ LED, với các màu đỏ, lục và xanh, điều khiển riêng lẻ được sắp xếp chặt chẽ với nhau trong một thiết bị đủ màu. Và đèn LED ánh sáng trắng, chiếu sáng nền màn hình trong điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay, tạo ra lượng ánh sáng xanh nhiều nhất.
IV. NGUY CƠ TỪ ÁNH SÁNG XANH
Ánh sáng xanh cường độ cao từ bất kỳ nguồn nào đều có khả năng gây hai điều hại cho sức khỏe: (1) rối loạn nhịp sinh học ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, và (2) mỏi mệt mắt.
1/. Một đánh giá hệ thống (2019) trên Chronobiology International cho thấy, tiếp xúc ánh sáng xanh 2 hai giờ ban đêm sẽ ngăn chặn sự tổng hợp melatonin, hormone giúp giấc ngủ.
Theo Sleep Foundation, ánh sáng xanh khiến cơ thể “nhầm” là ban ngày khiến giấc ngủ khó đến hơn,.
2/. Theo UC Davis Health, mỏi mắt kỹ thuật số khi nhìn vào màn hình quá lâu do ánh sáng xanh phân tán dễ dàng hơn các đèn khác.
Theo Hội đồng Tầm nhìn, 6 trong 10 người Mỹ trưởng thành cho biết họ gặp phải các triệu chứng mỏi mắt kỹ thuật số, như nhức đầu và khô mắt.
V. LỢI ÍCH CỦA ÁNH SÁNG XANH
Chúng ta thường nghe những đều tiêu cực về ánh sáng xanh. Nhưng trong thực tế. ánh sáng xanh cũng có một số yếu tố tích cực.
Sáng sớm ánh sáng mặt trời, nguồn ánh sáng xanh tự nhiên lớn nhất, sẽ giúp chúng ta hưng phấn, tràn đầy năng lượng và tỉnh táo.
Theo tổ chức vận động và nghiên cứu Ngăn ngừa mù lòa, ánh sáng xanh có thể giúp: (1) Thúc đẩy sự tỉnh táo, (2) Tăng trí nhớ và nhận thức, (3) Nâng cao tâm trạng, (4) Điều chỉnh nhịp sinh học, giúp giấc ngủ lành mạnh.
Theo Cleveland Clinic, trong điều trị, ánh sáng xanh giúp giải quyết một số vấn đề về da, như mụn trứng cá, tổn thương do ánh nắng mặt trời và các ung thư da không sắc tố (nonmelanoma skin cancers)
VI. BÀN VÀ KẾT
Rõ ràng, tiếp xúc ánh sáng xanh cường độ cao, sử dụng nhiều thời gian sẽ gây hại. Trong công nghiệp, các nguồn ánh sáng xanh được lọc hoặc che chắn để bảo vệ con người. Tác hại có thể xảy ra khi nhìn thẳng vào nhiều đèn LED công suất cao, như đèn pin ” quân sự” và các loại đèn cầm tay khác.. Nhìn thẳng vào đèn LED là nguy hiểm cũng như khi nhìn thẳng vào mặt trời.
Nhưng với cường độ yếu, như ở tất cả nguồn ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử chúng ta đang dùng hiện nay không gây hại cho mắt. Các nhà khoa học tính ra rằng, những chiếc iPhone có độ sáng tối đa khoảng 625 candelas trên một mét vuông (cd/m2), nhiều cửa hàng bán lẻ có hệ thống chiếu sáng xung quanh cao gấp đôi, tuy nhiên quá mờ nhạt khi so với ánh mặt trời, có độ sáng xung quanh lớn hơn gấp cả 10 lần!
Còn khi so sánh với nguy cơ do lão hóa, hút thuốc, bệnh tim mạch, huyết áp cao, thừa cân, béo phì …thì việc tiếp xúc với ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử tiêu dùng là không đáng kể về nguy cơ gia tăng thoái hóa điểm vàng hoặc mù lòa.
Những bằng chứng hiện tại không ủng hộ việc sử dụng thấu kính chặn ánh sáng xanh để bảo vệ sức khỏe của võng mạc và các nhà quảng cáo thậm chí đã bị phạt vì tuyên bố sai lệch về các loại thấu kính này.
Tóm lại, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử sẽ không làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng hoặc gây hại cho bất kỳ bộ phận nào khác của mắt. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị này có thể làm gián đoạn giấc ngủ hoặc ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của sức khỏe hoặc nhịp sinh học ..Vì vậy, cũng nên hạn chế sử dụng thiết bị vào ban đêm, khi ánh sáng xanh có nhiều khả năng tác động đến giấc ngủ, đồng hồ sinh học….
VII. THAM KHẢO
[1] Will blue light from electronic devices increase my risk of macular degeneration and blindness?
https://www.health.harvard.edu/blog/will-blue-light-from-electronic-devices-increase-my-risk-of-macular-degeneration-and-blindness-2019040816365
[2] What Is Blue Light? A Complete Scientific Guide
https://www.everydayhealth.com/wellness/what-is-blue-light-a-complete-scientific-guide/
[3] Blue Light and Your Eyes
https://preventblindness.org/blue-light-and-your-eyes/
[4] Blue light: Is there risk ò harm ?
https://opto.ca/eye-health-library/blue-light-there-risk-harm
[5] Should You Be Worried About Blue Light?
https://www.aao.org/eye-health/tips-prevention/should-you-be-worried-about-blue-light
[6] Đừng đeo kính lọc ánh sáng xanh nữa
https://zingnews.vn/dung-deo-kinh-loc-anh-sang-xanh-nua-post1420568.html
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM