Trang chủ » Chưa phân loại » TẢN MẠN NGÀY THẦY THUỐC

TẢN MẠN NGÀY THẦY THUỐC

   HIPPOCRATES

NGÀY 27/02 BÀN VỀ TIÊU CỰC NGÀNH Y TẾ

       Có thể nói thẳng rằng, ở nước ta nạn tham ô, tiêu cực tràn lan trong đời sống xã hội. Nổi cộm nhất là trong lãnh vực đất đai, xây dựng và giao thông công chánh….với số tiền tham ô lên cả trăm, cả ngàn tỷ đồng.

      Ngành y tế không là ngoại lệ, khác chăng là ở những mức độ nhỏ hơn. Một nghịch lý là dù số lượng tiền bạc, giá trị kinh tế không lớn, nhưng những tiêu cực y tế lại gây ra những bức xúc, căm phẫn rất cao trong xã hội.

       Nhân Ngày thầy thuốc, thử mổ xẻ vấn đề nhức nhối này, biết đâu lại hé lộ các giải pháp khắc phục:

    *Một là : Với thời gian gần 1/3 thế kỷ công tác trong ngành y, theo tôi việc cộng đồng xã hội rất bức xúc, lên án mạnh mẽ các bác sĩ “ăn tiền” là một điều đáng suy ngẫm cho cả hai phía, thầy thuốc và bệnh nhân:

 (1) Những cán bộ y tế nên nghĩ rằng xã hội chúng ta vẫn còn quý mến, tôn trọng ngành y. Do vẫn được đánh giá cao và dành tình cảm tốt, cho nên xã hội sẽ bị “choáng”, bất bình và thường phản ứng mạnh khi thấy “thần tượng” sụp đổ, không đúng như kỳ vọng của mình.

  (2) Người dân cũng nên bình tĩnh phân định cái nào là do chính thầy thuốc tiêu cực, cái nào do cơ chế xã hội “bất cập” nếu không nói thẳng là sai trái.  

    *Hai là: Theo tôi người thầy thuốc chân chính chẳng ai đồng ý những kiểu lý giải “chợ búa” của một số quan chức như:

    “ ..Vào bệnh viện tư anh phải trả 100 ngàn đồng cho một lần khám chữa bệnh. Còn ở bệnh viện Nhà nước chỉ phải trả 3 ngàn đồng, thì rẻ quá. Người ta sẵn sàng chi thêm 10 ngàn đồng nữa để được khám nhanh, khám trước. Mà chi như thế cũng còn rẻ hơn khám tư”, hoặc “..từ chế độ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường thì ít nhiều có lót tay và chi phí phụ”, hoặc “Ngoài các nhà hàng, khi chúng ta ăn uống xong thì nhà hàng tự động tính thêm 10 % chi phí phục vụ……Những người phục vụ cũng “ngẩng cao đầu” để nhận khoản tiền này. Nhưng với cán bộ y tế thì khác. Họ khám chữa bệnh nhưng không có tiền phục vụ…..Vì thế “tiền cọp”, tiền “bồi dưỡng”….vẫn cứ phải “cúi đầu” hay “dấm dúi” nhận”. Tệ hại hơn có người khẳng định “Nếu lương y tá được nâng lên mức 6 đến 7 triệu thì sẽ chẳng còn ai tiêu cực”.

   Lời bàn thêm

  (1) Các vị chức sắc đã dùng hai “hệ quy chiếu”  khác nhau để so sánh là khập khiểng; ngay trong ngành y, cũng là thầy thuốc nhưng trong khi hệ điều trị (Bác sĩ CK I và Bác sĩ CK II) rất cần cho bệnh viện thì hệ giảng dạy (Thạc sĩ và Tiến sĩ) lại cần cho các trường

  (2) Mỗi công việc, ngành nghề đều có những đặc thù riêng, có điều cấm kỵ với công việc này nhưng không cấm với việc khác, không thể “cào bằng” như nhau; ở phương Tây người dân thường có thể thoải mái vào khu ăn chơi “đèn đỏ”, nhưng đã là chính khách thì hoàn toàn không.

    *Ba là :  Nhà cầm quyền phải xem lại những đường lối chính sách về y tế. Nhiều chính sách đưa ra theo tôi là chưa được chuẩn bị chu đáo, chưa “chín chắn”, nói “toạc ra” là sai lầm..

  Lấy hai ví dụ:

   (1) Tiền trực: Trước đây một ngày trực của nhân viên y tế 24 tiếng sẽ được tính như sau: 8 tiếng trong ngày người lao động phải đảm bảo, 8 tiếng nghỉ bù thì không tính vào và như vậy có làm thêm 8 tiếng “over time” lại nằm trong ca “3”, theo luật lao động nhân viên y tế được nhân tiền trực ít lắm cũng là 150% ngày lương; nhưng hiện nay ở bệnh viện loại 1 tất tật được “cào bằng” như nhau từ Tiến sĩ tới Y công (NVYT) đều 45 ngàn; những bệnh viện nhỏ ở tuyến dưới sẽ có mức tiền trực thấp hơn nhiều.

  (2) Bảo hiểm y tế: Mệnh giá bảo hiểm không hợp lý, Cách thanh toán còn “bất cập”…..Người dân bức xúc nhưng chẳng thấy được, chẳng “hỏi” được những người ra chính sách ở trên cao, đành quay lại “phản ứng”, sừng sộ với cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc họ, những người chịu “2 tròng” cay nghiệt “trên đè xuống, dưới dân kêu” của những định chế xã hội chưa chuẩn hiện nay.       

    *Bốn là : Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là: “Phải chăng đạo đức xã hội chúng ta đã suy đồi ?”, cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân: Bác sĩ thì hách dịch, tiêu cực và Cũng nhiều bệnh nhân thiếu tôn trọng thầy thuốc đúng mức.

      Mới gần đây trên talawas blog có post một bài của ông Vũ Hải Ngọc, nhiều bạn bè cho rằng chí lý, riêng tôi có 3 nhận xét: một là ông Vũ Hải Ngọc vào đại học năm 1995, như vậy năm nay khoảng 33 tuổi, nhưng rất “can đảm” viết những lời lẽ như: “Thằng bác sĩ khoảng 40 tuổi…”, “Cái đứa kỹ thuật viên…”, “…Mày gọi trưởng khoa mày ra đây tao dạy cho..” ; hai là thường trong tất cả bệnh viện bộ phận thâu viện phí, giải quyết bảo hiểm và điều trị là riêng rẽ và ba là ngay đầu năm nay (thời điểm ông Vũ Hải Ngọc phản ảnh) chính nhân viên y tế trong phòng tài vụ của bệnh viện tôi cũng “lùng bùng” chưa thông rõ với chế độ BHYT mới.

     Ngày trước tất cả các trường Tiểu học đều có câu cách ngôn đầu tiên đập vào mắt học sinh Tiên học lễ hậu học văn…sau này lên Trung học có học thêm môn Công dân giáo dụcĐạo đức học , riêng sinh viên Y khoa còn học Nghĩa vụ luậnLời thề Hippocrates….

     Nhân xét chung là:  Với một xã hội những đường lối, chính sách chưa hợp lý, lại có đầy rẫy những công dân, trong ngành  y tế hay ngành khác, kém môn “công dân giáo dục”, thì chắc chắn xã hội đó sẽ rơi vào hỗn loạn (chaos), và sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” !!!!

pps  VỀ MỘT THẦY THUỐC TÀI DANH :

  SIR ALEXANDER FLEMING

 THẰNG_RÁI_CÁ. pps