I. LỜI MỞ
Phì đại tiền liệt tuyến là một bệnh lý rất hay gặp của nam giới lớn tuổi. Tần suất u xơ tiền liệt ở đàn ông tăng theo tuổi: trên 50 tuổi khoảng 50%, trên 60 tuổi khoảng 70% và trên 70 tuổi lên đến 90%.
Tuy không phải là bệnh nặng, bệnh cấp tính hay chuyển biến sang ung thư, nhưng u xơ tiền liệt tuyến cũng là một nỗi lo cho nam giới, đặc biệt nguy cơ bí tiểu và suy thận cấp do tắt nghẽn khi có tuổi.
II. GIẢI PHẪU VÀ CHỨC NĂNG TUYẾN TIỀN LIỆT
Tuyến tiền liệt, nhiếp hộ tuyến, được đặt tên như thế vì tuyến này nằm ngay dưới cổ bàng quang, bọc quanh đoạn khởi đầu của niệu đạo (ống thoát tiểu) là một “tuyến ngoại tiết” nhỏ, nhiệm vụ tiết ra tinh dịch để nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.
Tuyến tiền liệt có dạng khối chóp tam giác như quả mận. Kích thước bình thường ngang 2,5 – 3cm; cao 3 – 3,5cm; trước sau 2,5 – 3cm. Thể tích trung bình khoảng 20cm3. Trọng lượng khoảng 20g.
III. THẾ NÀO LÀ PHÌ ĐẠI TUYẾN TIỀN LIỆT
Phì đại tiền liệt tuyến (PĐTLT), u xơ tiền liệt tuyến, là một bệnh rất hay gặp của nam giới lớn tuổi. Thống kê y học cho thấy: PĐTLT xảy ra ở khoảng 50% đàn ông trên 50 tuổi, tỷ lệ này tăng lên 70% ở tuổi trên 60 và chiếm đến 90% ở tuổi trên 70. Khi tuyến tiền liệt lớn hơn ôố đo bình thường là phì đại tuyến tiền liệt, càng lớn thì bệnh càng nặng.
Khi tuyến tiền liệt bị phì to ra, dòng chảy của nước tiểu từ bàng quang ra niệu đạo bị cản trở, bàng quang phải tăng co bóp nhưng vẫn không tống hết nước tiểu, lượng ứ đọng nhiều. Khi lượng nước tiểu ứ đọng nhiều, thời gian làm đầy bàng quang ngắn, hệ thần kinh bị kích thích dẫn đến những hệ quả: (1) đi tiểu lắt nhắc nhiều lần (tiểu láu), đặc biệt vào trong đêm, (2) cần rặn gắng sức khi tiểu, (3) dòng nước tiểu yếu, chậm có lúc nhỏ giọt và (4) vẫn có cảm giác muốn tiểu vì bàng quang còn đọng nước tiểu sau khi “tè” xong.
Tất cả các triệu chứng lâm sàng này được gọi chung là “rối loạn tiểu ở phần dưới”. Điều cần lưu ý là mức độ phì đại tuyến và triệu chứng cản trở thoát tiểu có thể không tương xứng nhau: tuyến rất to nhưng đáu hiệu cản trở đi tiểu ít và ngược lại.
IV. CÁC THỦ THUẬT THĂM DÒ CHẨN ĐOÁN
1+ Thăm trực tràng
Thủ thuật này cho phép ước đoán kích thước, độ cứng cũng như đánh giá được bề mặt tuyến tiền liệt gồ ghề hay trơn phẳng.
2+ Siêu âm
Là phương pháp phổ thông và tiện dụng nhất. Siêu âm cùng lúc cho chúng ta thông tin về: (1) hình thể và kích thước của tuyến, (2) đặc tính cấu tạo của khối u thông qua “mật độ siêu âm”(echogen) và (3) thể tích nước tiểu “cặn” tồn dư trong bàng quang sau khi tiểu.
3. + Nội soi bàng quang
Bằng ống soi mềm chúng ta có thể thấy rõ kích thước, màu sắc và cấu tạo vùng cổ bàng quang, nơi có tuyến tiền liệt.
V. PHƯƠNG CÁCH ĐIỀU TRỊ
U xơ tiền liệt tuyến (prostatic adenoma, benign enlargment of the prostate) thường là phì đại tiền liệt tuyến lành tính (benign prostatic hyperplasia) là một bệnh “lành tính”, nhẹ nhàng. Do đó, không phải tất cả bệnh nhân PĐTLT đều phải cho điều trị cấp cứu. Thường với những bệnh có dấu hiệu “rối loạn tiểu ở phần dưới” nhẹ nhàng thì chưa cần điều trị phẫu thuật vội vàng, nhưng phải kiểm tra định kỳ để đánh giá diễn tiến bệnh và có hướng xử trí kịp thời. Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy có đến 1/3 bệnh nhân giai đoạn nhẹ tự hết các các rối loạn tiểu sau một khoản thời gian tiến triển.
1. Nội khoa
Điều trị bằng thuốc thường được “chọn đầu tiên”. Các thuốc được chọn gồm:
(1) thuốc chẹn α (α blokers) có tác dụng giãn cơ vùng nối bàng quang-niệu đạo: terazosin (Hydrin, Dysalfa), doxazosin (Zoxan, Cardura), tamsulosin (Josir, Omix), alfuzosin (Uro, Xatral), prazosin (Minipress).
(2) các chất ức chế 5 α-reductase ( 5 α-reductase inhibitors) là men ức chế sự chuyển biến testosterone thành dihydrotestosterone, do đó sẽ làm giảm kích thước tuyến: finasteride (Proscar), dutasteride (Avodart) và
(3) các chất chiết xuất từ cây cỏ, các thực phẩm chức năng như: Tadenan (chiết xuất từ cây Pygeum africanum), Tadimax và Lasota (chiết xuất từ cây Trinh nữ hoàng cung), Prosta (β-sitosterols, chiết từ dầu hạt bí), Chiết xuất cây cọ lùn Nam Mỹ, Chiết xuất từ trái bí rợ (bí ngô, bí đỏ).v.v……
2. Đặt ống nong stent (prostatic stent)
Đặt stent vào niệu quản đoạn có tuyến tiền liệt bao quanh. Phương pháp này nhanh gọn, nhẹ nhàng và bệnh nhân không cần nằm lưu viện lâu.
3. Ngoại khoa
Nhằm mục đích cắt bỏ một phần hay toàn thể tuyến tiền liệt phì đại. Phẫu thuật thường áp dụng cho những trường hợp: điều trị nội khoa thất bại, bệnh quá nặng gây bí tiểu, suy thận, xuất huyết nhiều.v.v….
Hiện có đến 5 phương pháp mổ như:
(1) Cắt tuyến qua niệu đạo (tranurethral resection of the prostate, TURP),
(2) Cắt tuyến bằng laser Holmium nội soi (Holmium laser enucleation of the prostate, HoLEP),
(3) Cắt bỏ tiền liệt qua đường bụng hoặc hậu môn (prostatectomy),
(4) Xẻ tiền liệt tuyến qua niệu đạo (transurethral incision of the prostate, TUIP) và
(5) Xẻ tiền liệt tuyến qua niệu đạo bằng laser (transurethral ultrasound-guided laser incision of the prostate, TULIP).
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội Tiết Việt Nam
https://dantri.com.vn/suc-khoe/u-xo-tuyen-tien-liet-dong-hanh-voi-tuoi-tac-20151201171846454.htm