Trang chủ » BÀN LUẬN » RỐI LOẠN GIẢM HAM MUỐN TÌNH DỤC (hypoactive sexual desire disorder)

RỐI LOẠN GIẢM HAM MUỐN TÌNH DỤC (hypoactive sexual desire disorder)

       I. LỜI MỞ

   Hôm qua, 6/8, Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức ở Hà Nội. Một vấn đề nổi côm trong hội thảo là mức sinh thay thế hiện nay trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm. 

   Ông Nguyễn Thiện Nhân, ĐBQH khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM đề xuất, giảm thời gian làm việc đủ ngắn để nam nữ tìm bạn đời, mức lương đủ sống, nuôi con để họ yên tâm “tăng dân số”.

    Các chuyên gia y tế lại gợi ý, tình trang suy giảm ham muốn tình dục và xu hướng chậm, không kết hôn cũng làm giảm sinh suất hiện nay. Rối loạn giảm ham muốn tình dục ảnh hưởng đến mọi người ở mọi giới tính. Các nghiên cứu cho thấy, đến 22% phụ nữ và 5% nam giới bị chứng giảm ham muốn tình dục này.

      II. ĐỊNH DANH

  Bình thường, ham muốn tình dục của con người thường lúc có lúc không. Và mức độ đòi hỏi sinh hoạt tình dục cũng khác nhau, không có mức coi là “tiêu chuẩn” “bình thường”. Nhưng khi một người có ham muốn tình dục hoặc đòi hỏi tình dục thấp và cảm thấy khó chịu vì sự thiếu hứng thú tình dục này, người đó mắc một tình trạng bệnh lý gọi là rối loạn giảm ham muốn tình dục (lãnh cảm tình dục).

   Theo Wikipedia, rối loạn giảm ham muốn tình dục (hypoactive sexual desire disorder HSDD), suy giảm tình dục (hyposexuality) hoặc ham muốn tình dục bị ức chế (inhibited sexual desire ISD) được xem là một rối loạn chức năng tình dục, đặc trưng bởi tình trạng thiếu hoặc không có tưởng tượng và ham muốn hoạt động tình dục. Rối loạn này phải gây ra sự đau khổ rõ rệt hoặc khó khăn trong quan hệ giữa các cá nhân và không thể giải thích bằng một rối loạn tâm thần khác.

     III. DẤU CHỨNG

    1. Ít hoặc không ham muốn tình dục

    2. Ít hoặc không suy nghĩ, tưởng tượng về tình dục

    3. Giảm ham muốn quan hệ tình dục so với mức trước đây

    4. Không phản ứng với các gợi ý hoặc tín hiệu tình dục từ bạn tình

    5. Không chủ động quan hệ tình dục với bạn tình

    6. Không thể kích thích tình dục

    7. Mất hứng thú khi thủ dâm

    8. Mất ham thích khi quan hệ tình dục

    9. Lên đỉnh sớm hoặc không đạt cực khoái khi quan hệ tình dục

   10. Trốn tránh quan hệ tình dục

   Đặc điểm của HSDD là người bệnh luôn đau khổ hoặc khó khăn trong các mối quan hệ của họ do các triệu chứng trên.

   IV. NGUYÊN NHÂN

   Có nhiều nguyên nhân về mặt thể chất và tâm thần kinh:

  1. Một số bệnh lý thực thể chất liên quan đến HSDD, như đái tháo đường, ung thư, trầm cảm, bệnh tuyến giáp…..

   2. Rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh não bộ khiến mất cân bằng giữa ức chế và ham muốn, phấn khích tình dục.

   3. Tác dụng phụ của một số loại thuốc, gồm thuốc điều trị trầm cảm, lo âu và tăng huyết áp cao…

   4. Các vấn đề về mối quan hệ cộng đồng, bạn tình…

   5. Một số tình trạng tâm lý liên quan, như trầm cảm, lo âu, tự ti, mặc cảm…

    V. QUẢN LÝ & ĐIỀU TRỊ

  Tùy thuộc vào nguyên nhân, phương pháp tiếp cận điều trị có khác nhau và đôi khi cần kết hợp. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

     1. Thay đổi lối sống, như kiểm soát stress, thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục.

     2. Tư vấn hoặc liệu pháp tâm lý 

     3. Liệu pháp hành vi nhận thức

     4. Liệu pháp tình dục

     5. Liệu pháp hormone

     6. Thuốc

    VI. ĐÔI LỜI BÀN LUẬN

   Rối loạn giảm ham muốn tình dục HSDD có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi giới tính, nhưng thường ảnh hưởng nhất đến phụ nữ. Các nghiên cứu cho thấy HSDD liên tục ảnh hưởng đến 22% phụ nữ và 5% nam giới.

  HSDD có thể xảy ra dần dần, hoặc chỉ xảy ra trong một số tình huống nhất định. Người bị HSDD sẽ thiếu ham muốn tình dục dẫn đến nhiều khó chịu, đau khổ vì các vấn đề trong các mối quan hệ bạn tình.

   Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của HSDD khá nhiều, phức tạp, bao gồm cả bản thân và xã hội, lối sống và bệnh lý ….

   Do đó, việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây ra HSDD là cơ bản để việc điều trị mới có thể thành công, giúp người bệnh phục hồi và quay lại với đời sống tình dục tích cực, thỏa mãn.

 VII. THAM KHẢO

[1] Hypoactive sexual desire disorder

https://en.wikipedia.org/wiki/Hypoactive_sexual_desire_disorder

[2] What is there to know about hypoactive sexual desire disorder?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/hypoactive-sexual-desire-disorder

[3] An Overview of Hypoactive Sexual Desire Disorder: Physiology, Assessment, Diagnosis, and Treatment

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8673442/

[4 ] Hypoactive Sexual Desire Disorder (HSDD)

Hypoactive Sexual Desire Disorder (HSDD)

[5] Hypoactive Sexual Desire Disorder- Causes and Treatment

Hypoactive Sexual Desire Disorder- Causes and Treatment

      TS.BS Trần Bá Thoại 

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM