Trang chủ » BÀN LUẬN » LIỆU PHÁP ÁP LẠNH: TÁC DỤNG, LỢI ÍCH VÀ NGUY CƠ ?

LIỆU PHÁP ÁP LẠNH: TÁC DỤNG, LỢI ÍCH VÀ NGUY CƠ ?

       I. LỜI MỞ

     Trong EURO 2024 này, liệu pháp áp lạnh toàn thân được ca ngợi là công cụ giúp cơ thể vận động viên phục hồi nhanh, giảm viêm cơ và đau nhức. Liệu pháp lạnh toàn thân này được cho có thể rút ngắn thời gian phục hồi chấn thương và làm tăng sức mạnh cơ bắp, năng lượng của người chơi thể thao.

     Nghe đâu, đội tuyển Anh và đội tuyển Tây Ban Nha đã tích cực cho cầu thủ sử dụng liệu pháp áp lạnh toàn thân nhằm giúp cầu thủ hồi phục sau mỗi trận đấu tại EURO năm nay.

    Nhà sản xuất CryoLabs, quảng cáo “có cánh” rằng “Phương pháp này đã được chứng minh là có thể khởi động quá trình phục hồi sau khi tập luyện”; “Liệu pháp lạnh toàn thân này kích thích lưu thông máu, giảm sưng và giảm đau cơ, do đó bạn có thể nhanh chóng lấy lại phong độ thi đấu”.

     Bài viết nhằm cung cấp một số thông tin về liệu pháp áp lạnh này.

       II. LIỆU PHÁP ÁP LẠNH LÀ GÌ ?

     Liệu pháp áp lạnh (cryotherapy) là một thuật ngữ chung cho các phương pháp điều trị y tế hoặc chăm sóc sức khỏe nào sử dụng nhiệt độ đóng băng hoặc gần đóng băng, bao gồm sử dụng nước đá, nước lạnh hoặc không khí lạnh.

    Trong nhiều thế kỷ, con người đã sử dụng nhiệt độ lạnh để bảo vệ sức khỏe, điều trị chấn thương và phục hồi sau khi chơi thể thao. Việc sử dụng liệu pháp áp lạnh có thể bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại. Năm 1979, giáo sư Nhật Bản Toshio Yamauchi đã thiết kế tắm hơi lạnh (cryosauna) đầu tiên.

      III. CÁC LIỆU PHÁP ÁP LẠNH HIỆN CÓ

    1. PHẪU THUẬT LẠNH (cryosurgery)

   Trong y tế, nhà cung cấp dịch vụ sẽ áp nitrogen, nitơ lỏng, hoặc khí argon tạo nhiệt độ cực lạnh để đóng băng và tiêu diệt các mô tế bất thường. Liệu pháp áp lạnh được sử dụng để điều trị mô bên ngoài (trên da) và bên trong (các nội tạng).

    Phẫu thuật lạnh là liệu pháp áp lạnh xâm lấn tối thiểu giúp loại bỏ các mô bị hư hỏng hoặc bị bệnh nên còn được gọi là cắt lạnh (cryoablation). Liệu pháp áp lạnh thường được thực hiện mà không cần phẫu thuật mở nên bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và ít đau đớn.

   Trong y khoa, phẫu thuật lạnh được sử dụng trong nhiều bệnh: Các bệnh da như mụn cóc, mụn thịt dư hoặc đốm đen. Tiền ung thư và ung thư da giai đoạn đầu, bao gồm ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào đáy. Ung thư xương, Ung thư cổ tử cung, Ung thư gan hoặc ung thư tuyến tiền liệt, Tiền ung thư ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung). U nguyên bào võng mạc Ung thư võng mạc ở trẻ em…

      2. LIỆU PHÁP ÁP LẠNH TOÀN THÂN (whole body cryotherapy WBC) .

   Trong những năm gần đây, liệu pháp áp lạnh toàn thân, (whole body cryotherapy WBC) đã trở nên phổ biến như một phương pháp chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. WBC là một loại liệu pháp đông lạnh trong đó bạn để cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ rất lạnh trong một thời gian ngắn.

    Lý thuyết đằng sau WBC là cực lạnh giúp giảm viêm trong cơ thể và giảm đau hoặc các triệu chứng khác. Những người ủng hộ phương pháp điều trị này cho rằng nó hoạt động tương tự như việc chườm đá để giảm sưng.

     Không giống như liệu pháp áp lạnh để điều trị y tế như loại bỏ mụn cóc, khối  u… liệu pháp áp lạnh toàn thân để chăm sóc sức khỏe chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, và chưa được FDA phê duyệt để điều trị bất kỳ tình trạng bệnh lý nào hoặc để phục hồi sau khi tập thể dục.

   Các vận động viên sử dụng liệu pháp áp lạnh để cải thiện thành tích thể thao gồm áp lạnh toàn thân và ngâm trong nước lạnh dù chưa có bằng chứng khoa học cho biết liệu  WBC trước khi tập thể dục có thể cải thiện hiệu suất thể chất hay không.

    3. NGÂM NƯỚC LẠNH (cold water immersion CWI)

   Ngâm nước lạnh cũng có từ thời cổ đại. Hippocrates tin rằng bơi trong nước lạnh có thể phục hồi năng lượng thể chất và tinh thần. Thomas Jefferson ngâm chân trong nước lạnh mỗi sáng để “duy trì sức khỏe tốt”.

   Ngày nay, việc ngâm mình trong nước lạnh, gồm ngâm mình trong nước lạnh, bơi vào mùa đông và tắm nước đá, đã trở nên phổ biến để cải thiện sức khỏe. CWI cũng là cách phổ biến để phục hồi sau khi chơi thể thao hoặc tập thể dục. Nhiều vận động viên chuyên nghiệp sử dụng CWI vì tin rằng nó làm giảm độ cứng và mệt mỏi của cơ cũng như giảm tổn thương cơ do tập luyện sau khi thi đấu thể thao hoặc tập luyện cường độ cao.

   Một phân tích của 28 nghiên cứu về cách CWI ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sau khi tập luyện vất vả cho thấy phương pháp phục hồi này tốt hơn các phương pháp phục hồi khác, bao gồm phục hồi tích cực và liệu pháp nước ấm, để phục hồi sau cơn đau nhức cơ và khả năng phục hồi. Một phân tích khác của 52 nghiên cứu cho thấy CWI có hiệu quả trong việc giảm đau nhức cơ khởi phát muộn 24 giờ sau khi tập luyện cường độ cao. Nó cũng cải thiện nhận thức về sự phục hồi. Cả hai nhóm nghiên cứu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận về việc liệu CWI có thể cải thiện hiệu suất và khả năng phục hồi của thể thao hay không.

     4. CHƯỜM NƯỚC ĐÁ (ice application)

    Trong y tế, từ lâu đã sử dụng liệu pháp áp lạnh truyền thống, sử dụng túi nước đá hoặc túi gel, để giảm đau và sưng sau phẫu thuật, chấn thương hoặc chấn thương. Chườm lạnh được ứng dụng: Phẫu thuật chỉnh hình như thay khớp gối toàn bộ hoặc thay khớp háng; Phẫu thuật răng miệng để giảm đau, Sốt. Đau đau nửa đầu, Mũ lạnh để ngăn ngừa rụng tóc do hóa trị, còn gọi là hạ thân nhiệt da đầu..

    III. LIỆU PHÁP ÁP LẠNH HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO ?

    Hiện tại, khoa học chưa hiểu rõ, chính xác cách thức hoạt động của liệu pháp áp lạnh để giảm đau khớp và cơ, đau nhức và sưng tấy. Về lý thuyết, liệu pháp chườm lạnh làm giảm sự dẫn truyền tín hiệu thần kinh, bao gồm cả tín hiệu đau,và dường như làm giảm mức độ viêm và stress oxy hóa.

   Liệu pháp chườm lạnh được cho là có tác dụng kích thích hệ thần kinh giao cảm, trong phản ứng bỏ chạy hoặc chiến đấu (fight ỏ flight) của cơ thể, giải phóng noradrenaline, một chất dẫn truyền thần kinh và hormone đã được chứng minh là làm giảm tín hiệu đau trong các nghiên cứu thực hiện trên động vật.

   Một số nghiên cứu đã tìm thấy liệu pháp áp lạnh làm giảm stress oxy-hóa, giảm viêm bằng cách giảm sản xuất và giải phóng các chất gây viêm đồng thời tăng sản xuất và giải phóng các chất chống viêm.

    Để da và cơ tiếp xúc với nhiệt độ lạnh khiến các mạch máu co lại và làm giảm lưu lượng máu ngoại vi, điều này có thể giúp giảm viêm và sưng sau chấn thương hoặc tập thể dục. Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh cũng có thể làm giảm hoạt động và trao đổi chất của các enzyme.

      IV. LỢI ÍCH, CHỐNG CHỈ ĐỊNH VÀ RỦI RO 

      1. LỢI ÍCH

   Với 4 thể loại nêu trên, liệu pháp áp lạnh có nhiều áp dụng lợi ích trong chăm sóc, bảo tồn sức khỏe cũng như trong điều trị bệnh. 

        

         2. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

    *  Chưa chẩn đoán, xác định da, mô cần được áp lạnh.

     * Cryoglobulinemia (do hiện diện của các protein bất thường trong máu)

     * Bệnh đa u tủy 

     * Hội chứng Raynaud 

     * Mề đay lạnh  (cold urticaria)

     * Vùng máu lưu thông kém vì áp lạnh sẽ khiến mạch máu co lại, làm giảm lưu lượng máu có thể gây hoại tử mô tế bào.

      2. NGUY CƠ 

   Dù rất hiếm, nhưng liệu pháp áp lạnh toàn thân cũng có thể gây các nguy cơ như:

    Tê cóng; Khó chịu và chóng mặt; Đau đầu; Huyết áp cao;  Tổn thương da (bỏng lạnh frostbite);

    Chân tay đông cứng; Run rẩy kéo dài; Phát ban được gọi là viêm lạnh (cold panniculitis),

     Cục u trên da;  Viêm mô mỡ lạnh; Mề đay hoặc phát ban….

      V. LỜI BÀN

    Nhiều thế kỷ trước, có thể bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại, con người đã biết sử dụng nhiệt độ lạnh để bảo vệ sức khỏe, điều trị chấn thương và phục hồi sau khi chơi thể thao. 

    Gần đây, liệu pháp áp lạnh toàn thân WBC với các phòng, bể chứa hoặc buồng ngăn đặc biệt với độ lạnh cực thấp, có thể dưới  -130°C xuống -150°C được giới thiệu “có cánh” là sẽ làm mát, hồi phục cơ thể chỉ trong 2 đến 4 phút đang gây sốt dư luận trái chiều vì 3 lý do sau: 

     * Một, Liệu pháp áp lạnh toàn thân không phải là một phương pháp điều trị y tế, mà chỉ là một cách chăm sóc bảo tồn sức khỏe đơn thuần: Không cần bác sĩ kê đơn, có thể áp lạnh toàn thân tại các phòng tập thể dục, spa và trung tâm chăm sóc sức khỏe.

    * Hai, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm FDA chưa phê duyệt chấp thuận.

    * Ba, Khó để kiểm tra xem liệu pháp áp lạnh có hiệu quả hay không cũng như có tác dụng sai lệch hay kết quả giả hay không vì không thể thử nghiệm mù đôi (double blind) như thử nghiệm dược phẩm.

     Hai điều lưu ý khi sử dụng áp lạnh toàn thân: 

    * Đeo đồ bảo vệ ở tay, chân và tai. Mang khẩu trang dùng một lần bảo vệ miệng và mũi. Hầu hết mọi người chỉ mặc đồ lót và áo ngực thể thao ngoài những thứ này. Áo lót có gọng không được phép sử dụng trong khu vực áp lạnh vì kim loại có thể lạnh băng và làm bỏng da.

     * Sau khi áp lạnh, nên mặc áo choàng và dùng đồ uống nóng để làm ấm cơ thể.

    VI. THAM KHẢO

[1] Buồng đông lạnh -150 độ C “hồi sinh” các cầu thủ tại EURO?

https://khoahoc.tv/buong-dong-lanh-150-do-c-hoi-sinh-cac-cau-thu-tai-euro-135327

[2] Cryotherapy

https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/21099-cryotherapy

[3] Cryotherapy: Everything You Need to Know

https://www.verywellhealth.com/cryotherapy-7090889

[4] What Is Whole-Body Cryotherapy?

https://www.webmd.com/pain-management/what-is-whole-body-cryotherapy

[5] What Is Cryotherapy? A Beginner’s Guide to How This Form of Cold Therapy Works

https://www.everydayhealth.com/wellness/cryotherapy/guide/

[6] What are the benefits of cryotherapy?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/319740

[7] How Does Cryotherapy Work?

[8] What are the benefits of whole body cryotherapy?

https://www.youtube.com/watch?v=P-lojsppjgk

[9] Liệu páp áp lạnh toàn thân EURO 2024

@truyenhinhhaiphong

Trong mùa Euro năm nay, các đội bóng sử dụng liệu pháp áp lạnh toàn thân để hỗ trợ cầu thủ hồi phục thể lực sau mỗi trận đấu. Với bóng đá, phương pháp này ngày càng phổ biến và dần thay thế biện pháp ngâm nước đá truyền thông, nơi cầu thủ ngâm mình trong nước đá 10-20 phút để giảm đau mỏi cơ bắp sau khi thi đấu. #thp #truyenhinhhaiphong #thethao #euro #theluc #giamdau

♬ nhạc nền – THP – Truyền Hình Hải Phòng – THP – Truyền Hình Hải Phòng

     TS.BS Trần Bá Thoại 

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM