Trang chủ » Khuyến cáo » TĂNG HUYẾT ÁP: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ, PHÒNG NGỪA

TĂNG HUYẾT ÁP: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ, PHÒNG NGỪA

    I. LỜI MỞ

   Thế kỷ 21 này, con người sẽ phải đối đầu với nhóm bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh tim mạch đứng hàng đầu.

   Và tăng huyết áp bệnh lý tim mạch phổ biến trong cộng đồng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới thì hiện nay toàn cầu có đến 1,13 tỷ người tăng huyết áp, và dự đoán sẽ lên đến 1,56 tỷ người vào năm 2025.

   Bệnh thường diễn tiến âm thầm và gây ra những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại gánh nặng tàn phế. Vì thế, cần khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.

    II.  THẾ NÀO LÀ TĂNG  HUYẾT ÁP

   Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch quốc gia,  có 3 mức huyết áp sau:

   *  Bình thường khi số đo  < 120/80 mmHg.

   * Tiền tăng huyết áp khi số đo khoảng 120-139/80-89 mmHg, và

   * Tăng huyết áp khi số  đo    ≥  140/90 mmHg

     III. NGUYÊN NHÂN

   Có hai nhóm nguyên nhân là nguyên phát hay vô căn, và thứ phát hay có nguyên nhân hậu quả của một bệnh ý khác.

   1. Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn)

   Khoảng 90% trường hợp huyết áp tăng cao không xác định được nguyên nhân. Bệnh có tính gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh kèm như béo ơphif, mỡ máu cao, đái tháo đường, Ngoài ra còn có các yếu tố khác dễ đưa đến mắc bệnh cao huyết áp như thói quen ăn mặn (nhiều muối), hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ít vận động thể lực, có nhiều stress, áp lực trong cuộc sống.

    2. Tăng huyết áp thứ phát (có căn)

    Khi xác định có một nguyên nhân trực tiếp thì gọi là tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp thứ phát chỉ chiếm khoảng 10% số ca bệnh. Đặc biệt, nếu điều trị theo đúng nguyên nhân bệnh sinh thì tăng huyết áp có thể được chữa khỏi.

    Các nguyên nhân thường gặp là:

  • Bệnh lý thận là nguyên nhân thường gặp nhất trong tăng huyết áp thứ phát, như viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mãn, hẹp động mạch thận…
  • Bệnh lý tuyến thượng thận, là một tuyến nội tiết nằm ngay phía trên thận mỗi bên, tiết ra các hormone điều hòa muối – nước và huyết áp của cơ thể.
  • Bệnh lý tuyến nội tiết khác như cường giáp, suy giáp, bệnh đái tháo đường…
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc khi uống như corticoides, thuốc kháng viêm, giảm đau, hormone thay thế hoặc thuốc tránh thai,…
  • Tăng huyết áp ở trẻ em, thiếu niên do bệnh hẹp eo động mạch chủ bẩm sinh.

     IV. TRIỆU CHỨNG & BIẾN CHỨNG 

       1. Triệu chứng

   Khoảng 1/3 trường hợp người bệnh không có dấu hiệu gì, chỉ phát hiện bệnh khi đo huyết áp tình cờ hay khám sức khỏe tổng quát hoặc khi đã có biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận giai đoạn cuối…

   Khoảng 2/3  người bệnh có một hay nhiều biểu hiện sau:

  • Nhức đầu
  • Nặng đầu
  • Mỏi gáy
  • Chóng mặt
  • Nóng phừng mặt

   Ở những ca tăng huyết áp đột phát, cấp cứu,  huyết áp đo được ≥ 180/120 mmHg sẽ có những dấu hiệu kèm theo như khó thở, đau tức ngực dữ dội, lừ đừ, nhìn mờ, nôn ói, co giật, hôn mê,

    2. Biến chứng

  Bệnh tăng huyết áp có những biến chứng như:

  • Các biến chứng tim mạch

     Tăng huyết áp mãn tính sẽ làm tổn thương nộii mạc mạch máu do các mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch máu, nhất là động mạch vành.

     Hẹp động mạch vành sẽ gây đau tức ngực khi gắng sức, khi vận động nhiều. Nếu mảng xơ vữa động mạch nứt, vỡ bóc tách ra hình thành cục huyết khối, làm tắc động mạch vành gây  nhồi máu cơ tim. 

   Tăng huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, dẫn đến suy tim.

  • Các biến chứng về não

     Tăng huyết áp gây đột quỵ, tai biến mạch não, do vỡ mạch xuất huyết não.

     Tăng huyết áp cũng làm tổn thương, hẹp mạch máu nuôi não,, Mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây đột quỵ do nhồi máu não, nhũn não.

  • Các biến chứng về thận

     Tăng huyết áp làm hư màng lọc của các tế bào thận, làm bệnh nhân tiểu ra protein (bình thường không có), lâu ngày gây suy thận.

     Tăng huyết áp còn làm hẹp động mạch thận, làm thận tiết ra nhiều chất Renin gây huyết áp cao hơn, lâu dần cũng sẽ gây suy thận.

  • Các biến chứng về mắt

     Tăng huyết áp sẽ làm tổn thương mạch máu võng mạc, thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch lại, gây tổn thương mắt tiến triển theo các giai đoạn.

     Tăng huyết áp còn làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giácgai thị làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

  • Các biến chứng về mạch máu ngoại vi

     Tăng huyết áp sẽ làm động mạch chủ phình to và có thể bóc tách, vỡ thành động mạch chủ dẫn đến tử vong.

    Tăng huyết áp còn làm hẹp động mạch chậu, động mạch chân, động mạch đùi. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, người bệnh sẽ có triệu chứng đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ.

  • Biến chứng não

   Đột quỵ do xuất huyết hay do nhồi máu não là hai biến chứng thường gặp ở tăng huyết áp.

  • Đái tháo đường

      Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai bệnh riêng biệt nhưng liên quan mật thiết, thường đi song hành với nhau. .

    V. CHẨN ĐOÁN 

   Cách duy nhất để chẩn đoán tăng huyết áp là đo huyết áp. 

  • Đo huyết tại phòng khám: HA ≥ 140/90 mmHg
  • Đo huyết áp tại nhà: HA ≥ 135/85 mmHg
  • Máy theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ (máy Holter huyết áp): HA ≥ 130/80 mmHg

     VI. CÁC XÉT NGHIỆM CẦN THIẾT

   1.  Xét nghiệm tìm nguyên nhân tăng huyết áp

  • Siêu âm bụng tổng quát: tìm bệnh lý thận, tuyến thượng thận;
  • Siêu âm động mạch thận: tìm hẹp động mạch thận;
  • Siêu âm động mạch chủ: tìm bệnh hẹp eo động mạch chủ;
  • Xét nghiệm chức năng thận (creatinine máu, albumin niệu, tổng phân tích nước tiểu), hormone tuyến thượng thận (aldosterone máu, renin huyết tương, metanephrine máu, niệu), tuyến giáp (TSH), tuyến yên (cortisol máu, ACTH),…
  • Chụp CT hoặc MRI bụng tìm u tuyến thượng thận;
  • Đa ký giấc ngủ: tìm bệnh ngưng thở khi ngủ;

      2. Xét nghiệm đánh giá ảnh hưởng của tăng huyết áp

  • Đo điện tim: phát hiện dày giãn buồng tim, rối loạn nhịp hoặc thiếu máu cơ tim;
  • Siêu âm tim: đánh giá chức năng tim, dày giãn buồng tim, hở van tim;
  • Xét nghiệm máu: công thức máu, đường huyết đói, HbA1c, chức năng thận, điện giải đồ, acid uric máu, chức năng tuyến giáp, mỡ máu, men gan;
  • Tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinine niệu: đánh giá ảnh hưởng của huyết áp lên chức năng thận như gây tiểu đạm ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, tổng phân tích nước tiểu còn giúp phát hiện bệnh lý cầu thận, ống thận, nhiễm trùng tiểu hay đái tháo đường đi kèm;
  • Đo vận tốc sóng mạch nhằm đánh giá độ cứng của mạch máu;
  • Đo chỉ số huyết áp cổ chân/cánh tay (ABI): để tìm bệnh hẹp hoặc tắc động mạch ngoại biên ở 2 chân;
  • Chụp võng mạc: phát hiện tổn thương mạch máu đáy mắt do huyết áp cao lâu ngày;

    VII. ĐIỀU TRỊ

   1. Điều trị không dùng thuốc

Điều chỉnh lối sống, tập thể dục, giảm cân, chế độ ăn giảm muối, giảm mỡ béo, bỏ các thuốc gây cao huyết áp (thuốc kháng viêm, giảm đau nhức), thư giãn, giảm căng thẳng..

    2.  Thuốc hạ huyết áp

  Có 5 nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp chính:

  • Nhóm chẹn kênh calci: amlodipine, nifedipin, felodipin…tác dụng phụ là phù chân, nhịp nhanh phản ứng.  
  • Nhóm ức chế men chuyển lisinopril, captopril …hạ áp êm dịu, có thể gây ho khan.
  • Nhóm ức chế thụ thể vasartan, losartan thì không gây ho nhưng giá thành cao. .
  • Nhóm chẹn beta giao cảm: metoprolol, bisoprolol… 
  • Thuốc lợi tiểu: thường dùng là thiazide. có thể gây rối loạn điện giải.

    Chọn lựa và phối hợp thuốc tùy theo đặc điểm của từng bệnh nhân (cá nhân hóa).

   3. Điều trị theo nguyên nhân (với tăng huyết áp thứ phát)

   Điều trị viêm cầu thân,. Phẫu thuật hoặc thủ thuật hủy thần kinh giao cảm động mạch thận, Đặt stent động mạch thận trong một số trường hợp đặt biệt.

     VII. NHỮNG ĐIỀU LƯU Ý 

     1. Cách đô huyết áp đúng

 

  • Ngồi nghỉ 15 phút trước khi đo. 
  • Không hút thuốc lá, uống cafe 2 giờ trước khi đo.
  • Tư thế đo: nằm trên giường hoặc ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân chạm sàn nhà, không bắt chéo chân, tay duỗi thẳng, đặt ngang tim, giữ im lặng trong lúc đo.
  • Lần đầu tiên đo huyết áp cả hai tay, tay có mức huyết áp cao hơn được chọn để đo và theo dõi huyết áp những lần sau.
  • Mỗi lần đo 2 lượt, cùng một tay, mỗi lượt đo cách nhau 2 phút. Nếu huyết áp tâm thu ở 2 lần đo khác biệt > 10 mmHg, đo thêm lần thứ 3 sau 2 phút nữa. Lấy huyết áp trung bình của 2 lần đo gần nhất.
  • Dùng máy đo tự động, loại có băng quấn cánh tay có kích thước phù hợp.

     Người bệnh có thể đo huyết áp buổi sáng hoặc buổi chiều, hoặc khi có triệu chứng gợi ý tăng huyết áp.

     2. Biết và có máy do huyết áp cá nhân 

   Để điều trị huyết áp hiệu quả, người bệnh cần trang bị máy đo huyết áp cá nhân để tự kiểm tra huyết áp tại nhà. Việc này sẽ giúp cung cấp thông tin hữu ích cho bác sĩ điều chỉnh thuốc huyết áp được tối ưu hơn.

     Nếu lo ngại về chỉ số huyết áp của mình, hãy trao đổi ngay với bác sĩ.

   c 3. Tuân thủ điều trị

     Trong quá trình điều trị, điều người bệnh cần uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Nếu nghi ngờ tác dụng phụ do thuốc gây ra, đừng bỏ thuốc ngay mà hãy trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu lý do và điều chỉnh thuốc thích hợp.

    Việc tuân thủ điều trị giúp người bệnh phòng tránh được các biến chứng lâu dài của bệnh.

     VIII. THAM KHẢO

[1] Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp

https://vncdc.gov.vn/huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-tang-huyet-ap-nd14594.html

[2] Tăng huyết áp:nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

https://www.vinmec.com/vi/benh/tang-huyet-ap-3089/

[3] Tăng huyết áp:nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa

https://tamanhhospital.vn/tang-huyet-ap/

[4] Tăng huyết áp: Các nguy cơ và biện pháp kiểm soát

https://www.benhvien108.vn/tang-huyet-ap-cac-nguy-co-va-bien-phap-kiem-soat.htm

[5] Tăng huyết áp: tổng quan, phát hiện và điều trị

                                TS.BS Trần Bá Thoại

                       Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM