Trang chủ » BÀN LUẬN » ĐỊNH HƯỚNG BỆNH QUA VỊ TRÍ ĐAU VÙNG BỤNG

ĐỊNH HƯỚNG BỆNH QUA VỊ TRÍ ĐAU VÙNG BỤNG

    I. LỜI MỞ

    Đau vùng bụng là dấu hiệu phổ biến của bệnh lý hệ tiêu hóa. Nhưng ngoài bộ máy tiêu hóa, trong khoang ổ bụng còn có hệ tiết niệu, sinh dục, mạch máu, cơ, thần kinh, mô liên kết..

    Trong khoang ổ bụng có các cơ quan (tạng) thuộc: (1) hệ tiêu hóa như dạ dày, tá tràng, gan, lá lách, hệ thống mật (túi mật và ống dẫn mật), tuy tạng, ruột non, ruột già (đại tràng, trực tràng, hậu môn), mạc treo; (2) hệ tiết niệu, nội tiết như thận và thượng thận, niệu quản, bàng quang; (3) hệ tim mạch như động, tĩnh mạch chủ bụng, động tĩnh mạch lách, thận , thượng thận; (4) ở phụ nữ còn có thêm tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo.

     Do đó, khi bị đau vùng bụng cũng cần lưu ý các bệnh lý khác và cần được bác sĩ thăm khám, tư vấn rõ ràng.

     II. CÁC VÙNG BỤNG 

    Bụng được tính từ phần mũi ức xuống tới trên xương mu. Trong sách hướng dẫn y khoa, khoang bụng được chia làm 9 vùng là hạ sườn phải, thượng vị, hạ sườn trái, hông phải, quanh rốn, hông trái, hố chậu phải, hạ vị (dưới rốn), và hố chậu trái.

     III. CÁC BỆNH LÝ GÂY ĐAU VÙNG BỤNG

    Vì ổ bụng có nhiều cơ quan nội tạng, nên cơn đau bụng có thể được gây ra bởi nhiều điều kiện bệnh lý khác nhau của các cơ quan, nội tạng này.

    Theo thống kê y học, có đến 171 tình trạng bệnh lý gây nên đau bụng, với các nguyên nhân chính là bệnh lý nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, tắc nghẽn, phát triển bất thường (u bướu).

     Trong thực tế lâm sàng, chỉ khoảng 20 bệnh lý gây đau bụng hay gặp gồm:

   1* Bệnh lý hệ tiêu hóa

    Đau bụng gặp trong: (1) Bệnh lý dạ dày như Viêm loét dạ dày (stomachache, stomach flu), Viêm dạ dày ruột (tiêu chảy), Sình chướng bụng (flatulence or belching), Trào ngược dạ dày-thực quản (gastroesophageal reflux disease, GERD), Ung thư dạ dày; (2) Bệnh lý gan mật như Viêm gan, Viêm đường mật, Sỏi mật, U đường mật; (3) Bệnh lý tụy tạng như Viêm tụy, Sỏi tụy, Ung thư tụy; (4) Bệnh lý ruột non như Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome, IBS); Ngộ độc thức ăn; Viêm ruột hoại tử, Nhiễm giun sán; Bệnh celiac (dị ứng gluten); (5) Bệnh lý đại tràng như Táo bón; Viêm đại tràng (Crohn’s disease), Ung thư đại trực tràng; (6) Các bệnh khác như Viêm ruột thừa; Vỡ tạng rỗng…

  2* Bệnh lý hệ tiết niệu

   Viêm đường tiểu, Sỏi tiết niệu, Viêm bàng quang.

   3* Các bệnh lý hệ khác

   (1) Co thắt, căng cơ, (2) Tắc mạch máu vùng bụng, (3) Viêm phần phụ, U buồng trứng, Đau bụng kinh, (4) Thoát vị hoành….

   IV. NHỮNG LƯU Ý KHI BỊ ĐAU VÙNG BỤNG

   1* Vị trí cơn đau

   Đây là chỉ dấu vị trí vô cùng quan trọng, gợi ý cơ quan, nội tạng nào bị bệnh, tổn thương. Ví dụ: Đau vùng thượng vị thường có thể là bệnh lý dạ dày, túi và ống mật, tụy tạng; Đau vùng rốn gợi ý viêm ruột, viêm dạ dày, ngộ độc thức ăn; Đau vùng hố chậu phải có thể là bệnh lý ruột thừa, manh tràng, niệu quản phải….

   2* Tính chất cơn đau

   Đau bụng cấp hay từ từ. Đau từng cơn hay liên tục. Đau tê buốt, dữ dội, bỏng rát, như dao đâm, hay quặn thắt. Đau khu trú hay đâm xiên, lan tỏa.

    3* Các dấu hiệu kèm theo

   Sốt, nôn ói, tiêu chảy, phân máu, nước tiểu đục, tình trạng mất nước, choáng xuất huyết, choáng nhiễm trùng.v.v….

    4* Tư vấn bác sĩ

    Dù đau cấp hay mạn tính, đau dữ dội hay có mức độ, người bệnh cũng cần gặp bác sĩ để được khám, chẩn bệnh và tư vấn điều trị. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều có đủ các xét nghiệm, thăm dò cần thiết như các xét nghiệm tổng quát về máu, phân, nước tiểu, siêu âm bụng, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, chụp X quang, chụp cắt lớp CT scan, chụp MRI ổ bụng … để nhanh chóng, chính xác tìm ra nguyên nhân cụ thể gây đau bụng.

      V. THAY LỜI KẾT

    Hầu hết các trường hợp đau bụng nhẹ, không cấp tính thường không nghiêm trọng. Nhưng trong thực tế, rất khó phân biệt đau bụng thông thường với cơn đau bụng nguy hiểm nếu không được khám, thăm dò chẩn đoán đúng quy trình. Do đó, với đau bụng cấp tính, cần phải đưa ngay đến bệnh viện để được khám, xác định bệnh và điều trị chính xác, đúng phác đồ. Khi chưa có chẩn đoán xác định, tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc giảm đau, vì sẽ che dấu, làm lu mờ triệu chứng của bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán nhanh, chính xác.

    Cần lưu ý hai chi tiết:

   (1) một là trong khoang ổ bụng, ngoài bộ máy tiêu hóa còn có các cơ quan thuộc hệ tiết niệu, hệ sinh dục, mạch máu, các bó cơ, thần kinh, mô liên kết..và bệnh lý các cơ quan này cũng gây ra đau bụng, và

  (2) hai là trong ổ bụng các cơ quan, nội tạng có thể nằm chồng xếp lên nhau. Do đó, cơn đau vùng thượng vị có thể xuất phát từ bệnh lý dạ dày, túi ống mật hay đầu tụy tạng, bác sĩ phải thăm dò chẩn đoán để biết được bệnh chính và phân biệt, xác định bệnh kèm.

   Đừng ngạc nhiên với nhận định y học có vẻ nghịch lý : “Không thể dùng siêu âm mà phải dùng ống nội soi để chẩn đoán viêm dạ dày, nhưng không được thiếu siêu âm để gián biệt bệnh lý gan mật tụy cho các bệnh nhân bị viêm dạ dày”.

VI. THAM KHẢO

[1] Cần làm gì khi bị cơn đau vùng bụng?

https://dantri.com.vn/suc-khoe/can-lam-gi-khi-bi-con-dau-vung-bung-20190620085218656.htm

[2] Cần làm gì khi bị cơn đau vùng bụng?

https://truyenhinhthanhhoa.vn/can-lam-gi-khi-bi-con-dau-vung-bung-1808209811.htm

[3] 12 nguyên nhân gây đau bụng

https://tuoitre.vn/12-nguyen-nhan-gay-dau-bung-20181109105553438.htm

[4] Đau bụng là gì? Những nguyên nhân gây đau bụng?

Đau bụng là gì? Những nguyên nhân nào gây nên tình trạng này?

         TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam