Trang chủ » BÀN LUẬN » NUÔI, GIỠN CHÓ CƯNG: COI CHỪNG BỊ LÂY GIUN, SÁN !

NUÔI, GIỠN CHÓ CƯNG: COI CHỪNG BỊ LÂY GIUN, SÁN !

      I. LỜI MỞ

    Chó là vật nuôi thân thiết với người Việt Nam chúng ta, trong tình cảm, trong thơ văn và ngay cả trong tín ngưỡng chó có một vị trí đặc biệt.

   Ngoài là một vectơ trung gian lan truyền bệnh dại chết người, chó cũng là nguồn lây nhiễm giun đũa, sán dây chó cũng khá nguy hiểm đặc biệt là không được lưu ý hay bỏ quên….

   Trên thế giới, khoảng 1,4 tỉ người bị nhiễm giun đũa chó. Tại Việt Nam chưa được nghiên cứu nhiều, tỉ lệ huyết thanh dương tính với giun đũa chó mèo khá cao từ 20,6 đến 40% [6]. 

GIUN CHÓ XXXXX

     II. GIUN ĐŨA CHÓ

     1. Chu kỳ của giun chó

   Giun đũa chó Toxocara canis là loại giun tròn sống ký sinh đường ruột của loài chó. Cũng như giun đũa người, chu kỳ của giun chó qua các giai đoạn sau: con trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài nở thành ấu trùng, nếu chó tái nhiễm, ấu trùng này sẽ vào đường tiêu hóa sau đó ấu trùng sẽ phát triển ra con giun trưởng thành, sống ký sinh tại đường ruột, đẻ trứng và một chu trình mới lại bắt đầu.

GIUN ĐŨA CHÓ

     2. Bệnh nhiễm giun chó

   Khi nuốt phải, ấu trùng giun chó sẽ chui vào máu và được lưu hành đến nơi ký sinh. Tại đây, ấu trùng sẽ đóng thành kén, gây phản ứng viêm và tạo ra các u hạt thâm nhiễm bạch cầu ái toan và gây ra bệnh cho con người. Đặc biệt, ấu trùng có thể đến định vị ở những cơ quan hiểm yếu như hệ thần kinh trung ương, mắt và gây bệnh tại đây như viêm não-màng não, động kinh, liệt bán thân hay liệt chi, lác và mù mắt…

   Năm 2003 Giáo sư Trần Đông A lần đầu tiên phẫu thuật một bệnh nhi 7 tuổi với rất nhiều kén giun chó bám đầy gan gây tổn thương nặng, trước đó cháu nầy bị chẩn đoán nhầm là u gan. Thống kê tại TP Hồ Chí Minh cho thấy hằng năm có đến 200 bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun chó, mèo vào viện.

   Tháng 9/2008, một bệnh nhân 18 tuổi với chẩn đoán u não, được giới thiệu đến bệnh viện Đại học Y Dược Huế để điều trị dao gamma (gamma knife). Tại đây qua các xét nghiệm cẩn thận, phát hiện là bị nhiễm giun chó vào não. Bệnh chỉ điều trị nội khoa và ra viện an toàn.

   Năm 2009, tại phòng Hồi sức nhi PICU, bệnh viện Đà Nẵng, TS.BS Trần Bá Thoại đã điều trị thành công hai trường hợp viêm não màng não do giun chó (chị em cháu Q.L và Q.Ch) [8].

   Năm 2012, Viện Mắt Trung ương khi soi đáy mắt đã phát hiện ấu trùng giun chó trong mắt bé trai 12 tuổi, và điều trị thành công. GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội cho biết “Tôi đã thăm khám và điều trị nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó nhưng đây là trường hợp đặc biệt đáng ngại. Mắt bệnh nhân bị lác hoàn toàn, lòng đen không còn nhìn thấy”

     III, SÁN DÂY CHÓ

    1. Chu kỳ sán dây chó

   Sán dây chó (Echinoccocus) trư­ởng thành thân dài 3-6 mm, có 3- 4 đốt, ký sinh ở ruột non họ nhà chó. Ấu trùng sán dây chó có ký sinh ở động vật có vú như chó, mèo, gấu, báo, khỉ, ngư­ời và có khi ở cừu, dê, bò, lạc đà, hư­ơu và động vật gậm nhấm.

   Chu kỳ sinh trưởng cũng giống như sán dây bò hay lợn, sau khi trưởng thành trứng theo phân ra ngoài phát triển thành ấu trùng; ấu trùng tái nhiễm hay lây nhiễm sẽ ký sinh và phát triển, trưởng thành.

SÁN CHÓ

    2. Bệnh nhiễm sán dây chó

   Trên người, ấu trùng ký sinh ở gan hay phủ tạng khác tạo những bọc nư­ớc lớn chứa nhiều đầu sán, các bọc nư­ớc này thư­ờng ở gan (65%), ở phổi (10%) và ở một số cơ quan khác như thận, não.

                                   Phim phổi hai bệnh nhiễm sán dây chó [5]

     IV. CÁCH PHÁT HIỆN NHIỄM GIUN, SÁN CHÓ

   Dấu hiệu nhiễm giun sán chó rất mơ hồ, thường chỉ có ở giai đoạn sau khi ấu trùng đã vào máu và di chuyển khắp cơ thể. Một số dấu hiệu lúc này là ngứa da, nổi sẩn, mề đay ở tay, chân, lưng, bụng, có nguời phù mặt và mí mắt. Đa số bệnh là diễn biến âm thầm không có triệu chứng gì cả.

   Khi làm xét nghiệm Công thức máu (CBC) thấy bạch cầu ưa a xít tăng rất cao (thể hiện cơ thể đang bị dị ứng), dấu hiệu quan trọng để gợi ý nhiễm giun sán, thì nên làm tiếp các xét nghiệm miễn dịch học để xác định nhiễm giun sán chó.

      V. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN

   Chó là vật nuôi thân thiết với người Việt Nam chúng ta: trong tình cảm, thơ văn và cả trong tín ngưỡng, chó có một vị trí đặc biệt. Phong trào nuôi vật cảnh, đặc biệt nuôi chó, là một trò chơi, giải trí hay ho, thú vị….

   Nhưng nuôi chó cần tuân thủ những quy định cần thiết để phòng bệnh cho cả chó lẫn người nuôi cụ thể trong hai điều:

   (1) một là Vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, sân vườn nhà và khu vui chơi của trẻ em. Rửa tay trước khi chuẩn bị hay khi ăn. Rau sống phải rửa thật sạch hoặc ngâm nước muối, thuốc sát trùng theo quy định. Không cho trẻ con chơi với chó, nhất là chó con, tránh để trẻ nuốt bụi đất có chứa ấu trùng và

   (2) hai là Ngoài bệnh dại và các bệnh do ve bét, chó cũng rất dễ mắc giun sán, cho nên cần tẩy giun định kỳ cho chó: lần đầu khi chó 3 tuần tuổi, tẩy giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng tẩy một lần.

   VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2009/03/26/giun-cho-toxocara-canis/

[2]http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20081203/luu-y-cun-cung/290731.html

[3]http://news.zing.vn/Mat-lac-khong-con-long-den-vi-nhiem-giun-dua-cho-post481577.html

[4]http://news.zing.vn/Giun-dua-cho-lam-to-trong-nao-gan-1-nam-post500815.html

[5]http://news.zing.vn/Bac-si-kinh-hai-khi-thay-hang-nghin-san-cho-o-phoi-benh-nhan-post451328.html

[6] https://tuoitre.vn/nguoi-nhiem-giun-dua-cho-meo-ngay-cang-nhieu-co-the-ton-thuong-gan-mat-nao-phoi-20231013074637092.htm

[7] http://dantri.com.vn/suc-khoe/nuoi-duong-cho-cung-coi-chung-giun-san-20160105085413635.htm

[8] https://tuoitre.vn/luu-y-cun-cung-290731.htm

[9] https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2016/01/06/nuoigion-cho-cung-coi-chung-giun-san/

                    TS.BS Trần Bá Thoại  

     Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT  VIỆT NAM