I. LỜI MỞ
Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa tất yếu ở người có tuổi. Tỷ lệ bị thoái hóa khớp tăng theo tuổi, nếu dưới 35 tuổi là 30% thì trên 65 tuổi là 60%, trên 75 tuổi trên 70% và trên 80 tuổi lên tới 85%.
Thuốc, thực phẩm chức năng ngừa trị thoái khớp nhằm hai hướng: làm chậm quá trình lão hóa, giảm đau và duy trì chức năng vận động của khớp để đảm bảo chất lượng sống.
II. TỔNG QUAN VỀ VIÊM, THOÁI KHỚP
1* KHỚP XƯƠNG: CẤU TẠO VÀ VẬN HÀNH
Khớp xương là chỗ các xương tiếp xúc và liên kết với nhau. Theo hoạt động có ba loại là khớp bất động, khớp động, khớp bán động.
Một khớp xương gồm có 5 cấu phần: Hệ thống dây chằng để ràng kết các xương giúp khớp vững chắc. Các bắp cơ có tác dụng co kéo khiến khớp chuyển động. Dây gân (chằng) là đoạn nối giữa xương và cơ. Sụn khớp bao bọc đầu xương giúp mặt khớp trơn phẳng, vận động dễ dàng. Bao khớp (màng hoạt dịch) bao bọc quanh khớp, tiết ra hoạt dịch bôi trơn và cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng sụn.
Nhờ cấu tạo như thế khớp cử động rất trơn tru, ít ma sát, nhẹ nhàng. Khi bị thoái hóa các mặt sụn, đầu xương và cả chất hoạt dịch đều bị thay đổi, cử động khớp sẽ bị đau giới hạn hoặc cứng khớp không di chuyển được.
2* THOÁI KHỚP: CĂN BỆNH CỦA MỌI NGƯỜI
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thoái khớp có tỷ lệ khá cao trong các bệnh cơ khớp, 80% ở Mỹ, 28% ở Pháp, 10.41% ở Việt Nam. Do đó, WHO chọn thập niên 2011 – 2020 là “Thập niên xương và khớp”.
Ở Hoa Kỳ, theo Nghiên cứu sức khỏe quốc gia (National Health Interview Survey NHIS), năm 2008 bệnh xương khớp mãn tính ở người trưởng thành cao hơn 60% so với bệnh tim mạch và gấp hai lần bệnh hô hấp mãn tính. Cụ thể, tần suất của bệnh cơ xương khớp trong dân số trưởng thành chiếm gần 50%, còn tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch là 30% và hô hấp khoảng 24%.
Ở Việt Nam, trước đây thoái hóa khớp thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên do quá trình lão hóa tự nhiên. Nhưng hiện nay, thống kê cho thấy, tình trạng thoái hóa khớp ngày càng trẻ hóa, có thể xảy ra ở người mới 35 tuổi, thậm chí trẻ hơn. Thống kê sơ bộ cho thấy, thoái khớp có tỷ lệ 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 và đến 85% người trên 80 tuổibị thoái hóa khớp, đây đang là thách thức y tế lớn của nước ta. Tổ chức Y tế Thế giới WHO chọn thập niên 2011 – 2020 là “Thập niên xương và khớp” và WHO cũng đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ dân số mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, nguyên nhân gây gia tăng thoái khớp là gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì, loãng xương, vận động quá mức, đi giày cao gót liên tục… Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ tăng 0,45kg cơ thể thì khớp gối sẽ phải chịu thêm 1,5kg khi đi hay chạy, và trọng lượng cơ thể đè lên khớp gối tăng thêm đến 4,5kg.
III. THUỐC, THỰC PHẨM CHỨC NĂNG PHÒNG TRỊ THOÁI KHỚP
Trong điều trị bệnh khớp, các thực phẩm chức năng, thực phẩm thuốc, đóng một vai trò quan trọng. Những thực phẩm này sẽ: cung cấp chất tạo hình, yếu tố tăng trưởng, enzyme bảo vệ….giúp tái tạo phần hư hỏng và kéo dài quá trình lão hóa tự nhiên.
1. GLUCOSAMIN
Glucosamin là một amino-mono-saccharide có trong nhiều mô cơ thể con người, glucosamine được tổng hợp từ glucose và acid amin trong cơ thể. Glucosamin là tiền chất để tổng hợp nên các proteoglycan trong mô sụn.
Glucosamin sulfate ngoại sinh là nguồn cung cấp tốt nhất cho sự sinh tổng hợp các proteoglycan. Chất glucosamin sulfate này có ái lực đặc biệt với các mô sụn, nó còn ức chế các enzym stromelysin và collagenase không cho phá hủy sụn khớp.
Khi khớp bị viêm, lớp mô sợi của bao khớp và màng hoạt dịch làm giảm sự khuếch tán glucose vào mô sụn gây ra sự thiếu hụt glucosamin.
Hiện nay, nhiều hợp chất glucosamine điều chế từ chất chitin có trong vỏ côn trùng, tôm, cua, ghẹ …đã được sử dụng trên lâm sàng. Glucosamin cũng được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMEA) chấp nhận xét vào danh mục thuốc giúp cải thiện cấu trúc trong bệnh viêm khớp.
- CHONDROITIN
Chondroitin sulfate là một glycosaminoglycan sulfate là thành phần chất nền hữu cơ trong sụn, xương cơ thể con người. Chondroitin sulfate còn tìm thấy ở da, giác mạc mắt và thành các động mạch.
Các công trình nghiên cứu những năm gần đây cho thấy chondroitin, đặc biệt loại chế xuất từ sụn vi cá mập, có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về xương khớp. Chondroitin là nguyên liệu chủ yếu trong quá trình tái tạo mô sụn và xương, nó cũng có tác dụng ức chế enzym elastase, enzyme gây thoái hóa sụn khớp, kích thích quá trình tổng hợp các proteoglycan.
- MSM (methyl sulfonyl methane)
Methylsulfonylmethane (MSM) là một hợp chất lưu huỳnh hữu cơ thuộc nhóm hóa chất sulfone có trong một số thảo mộc và lượng nhỏ trong nhiều loại thức ăn.
Nhiều những nghiên cứu chỉ ra rằng, hàm lượng sulfur trong các khớp bị viêm thấp hơn trong các khớp khỏe mạnh. Chất MSM cung cấp lượng sulfur (S) cần thiết cho vùng bị đau. MSM có tác dụng nuôi dưỡng và phục hồi sụn khớp. Ngoài ra MSM còn làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, đóng vai chất gel làm dịu những chỗ viêm, sưng tấy lấy lại độ đàn hồi cho da, ngăn cản những liên kết chéo của colagen và protein, do đó làm giảm sự khô cứng của da và những tế bào kết nối.
- COLLAGEN
Collagen, chất tạo keo, là một loại protein dạng sợi, cứng, không hòa tan trong nước. Collagen chiếm đến 1/3 lượng protein trong cơ thể con người, chủ yếu ở trong mô liên kết ở xương, cơ bắp và các mô. Collage chiếm tới 80% trong cấu trúc thành phần của xương, là bộ khung liên kết của xương, như lưới sắt trong khối bê tông, thiếu collagen bộ xương sẽ giảm sự đàn hồi, dẻo dai và lão hóa. Collagen cũng chiếm tới 50% trong cấu trúc của sụn khớp; thiếu collagen lực ma sát giữa các mặt xương tăng lên và mặt xương sụn bị bào mòn, biến dạng gây ra đau, thoái hóa.
Có đến 15 loại collagen khác nhau, nhưng 80-90% của là loại I, II và III.
Đặc biệt loại collagen không biến tính type II (undenatured type II collagen, UC II). Khi uống UC II vào cơ thể, 53% được hấp thu vào máu, trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng cho quá trình tái tạo, nuôi dưỡng sụn khớp, 47% còn lại đến ruột non tác động hệ miễn dịch làm giảm hoạt tính tế bào T-killer ngăn cản sự thoái hóa tự nhiên sụn khớp gây chậm quá trình thoái hóa khớp. Do đó, UC-II vừa giúp cơ thể bảo vệ, tái tạo sụn khớp vừa có tác dụng điều hòa miễn dịch làm chậm quá trình viêm thoái hóa sụn khớp.
- HYALURONIC
Hyaluronic acid là mucopolysaccharide có trong khắp cơ thể con người.
Chức năng của hyaluronic acid là liên kết nước tạo ra chất bôi trơn, hoạt dich, ở các bộ phận chuyển động được của cơ thể như màng hoạt dich quanh dây chằng cơ, và trong ổ khớp xương. Acid hyaluronic là một phân tử háo nước, nên nó được xem là “chất dưỡng ẩm tự nhiên” (visco suplementation) rất ích lợi cho da và khớp xương.
Vì sụn khớp không có mạch máu, chất dinh dưỡng cho sụn thẩm thấu từ dịch khớp thông qua hyaluronic acid, ngoài ra hyaluronic acid trong dịch khớp giúp duy trì độ nhớt làm cho các khớp vận động được dễ dàng và chịu được tải trọng. Ở khớp thoái hóa, nồng độ hyaluronic acid giảm rõ rệt làm cho sự nuôi dưỡng sụn kém đi, và độ nhớt của dịch khớp cũng giảm theo. Vì vậy, bổ sung hyaluronic acid cho dịch khớp là một trong những liệu pháp đã được chứng minh là có hiệu quả rất cao.
Acid hyaluronic uống giúp bổ sung vào da, sụn khớp, hoạt dịch khớp. Hiện nay trên thị trường cũng đã có loại thuốc hyaluronic acid tiêm dùng chữa thoái hóa khớp nặng đau nhiều.
IV. ĐÔI ĐIỀU BÀN LUẬN
Bệnh cơ xương khớp khá phổ biến, hơn 60% người trung niên đến khám bệnh đều có vấn đề về thoái hóa khớp. Bệnh lại có xu hướng trẻ hóa, có những bệnh nhân dưới 30 tuổi.
Hai điều tai hại thường thấy: một là tự điều trị bằng phương pháp truyền miệng, với các loại thuốc gọi là gia truyền. Hậu quả đáng tiếc là nhiều trường hợp bị biến chứng như cứng, dính khớp, thậm chí tàn phế. điều trị thuốc kém hơn so với lúc vừa mới mắc bệnh, dẫn đến việc phục hồi chức năng khớp gặp nhiều khó khăn, và hai là quá lo ngại tác dụng phụ của thuốc điều trị cơ xương khớp, nên có tâm lý e ngại trong việc khám, dùng thuốc ngừa trị bệnh hợp lý.
Theo tôi, thoái khớp là một quá trình tự nhiên trong “sinh, lão, bệnh, tử”. Việc dùng thuốc, thực phẩm chức năng đúng lúc, đúng liều là một động thái cần thiết để “tra dầu” cho khớp trơn tru, linh hoạt ngõ hầu chất lượng cuộc sống được tốt hơn. Nhưng cũng cần lưu ý, thuốc và thực phẩm chức năng cần được sử dụng thật đúng về chỉ định, liều lượng, thời gian và liệu trình.
V. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Người trẻ mắc bệnh xương khớp đang ngày càng gia tăng
https://baomoi.com/nguoi-tre-mac-benh-xuong-khop-dang-ngay-cang-gia-tang/c/23533633.epi
[2] Hơn 20% dân số bị thoái hóa khớp
http://www.sggp.org.vn/hon-20-dan-so-bi-thoai-hoa-khop-508951.html
[3] Bệnh xương khớp đe dọa Việt Nam bởi dân số già
[4] Hiểu, dùng đúng collagen
https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2015/07/22/hieu-dung-dung-collagen/
[5] How a collagen pill can beat arthritis
http://www.dailymail.co.uk/health/article-191224/How-collagen-pill-beat-arthritis.html
[6] Type II collagen oral tolerance; mechanism and role in collagen-induced arthritis and rheumatoid arthritis.
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19697097
[7] The role of collagen antibodies in mediating arthritis.
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18521704
[8] MSM for arthritis pain: Is it safe?
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/arthritis/expert-answers/msm/faq-20058526
[9] Role of hyaluronic acid in joint lubrication.
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1006265/
[10] Arthritis Supplements
http://www.webmd.com/arthritis/osteoarthritis-women-12/arthritis-supplements
[11] Hyaluronic Acid Injections for Osteoarthritis
[12] Methylsulfonylmethane
http://lohha.com.vn/thu-vien/methylsulfonylmethane/
[13] https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2018/10/16/thuoc-thuc-pham-chuc-nang-cho-xuong-khop/
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM