I. LỜI MỞ
Ngày 10/8 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã điều trị cho một bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não đã hơn 24 giờ bằng phương pháp “mổ não tỉnh” (awake brain surgery) với robot AI vì nếu mổ theo phương pháp truyền thống, nguy cơ di chứng cao.
Bài viết thông tin về phương pháp phẫu thuật độc đáo này
II. TỔNG QUAN VỀ PHẤU THUẬT SỌ NÃO
Não bộ là cơ quan trung ương của hệ thần kinh. Do đó, các thao tác trong phẫu thuật sọ não đòi hỏi phải hết sức chuẩn xác tránh tổn thương các các nhân, trung khu thần kinh quan trọng.
Trong mổ não tỉnh táo, phẫu thuật viên có thể vừa tiến hành công việc vừa trao đổi được với bệnh nhân nên khả năng chuẩn xác được nâng cao, và nguy cơ tổn thương phần lành giảm thấp.
Phẫu thuật sọ não được thực hiện để xử lý các bệnh lý hệ thần kinh trung ương, như các bệnh lý mạch máu (phình động mạch, xuất huyết, khối máu tụ, đột quỵ), chấn thương sọ não (chấn thương đầu, gãy xương sọ, tổn thương màng cứng), các khối u não, bệnh động kinh, bệnh Parkinson…
Các phẫu thuật sọ não gồm: Cắt sọ, Sinh thiết, Kích thích não sâu (DBS), Nội soi thần kinh, Giải áp hố sau, Loại bỏ huyết khối, Sửa chữa phình mạch não, Xạ phẫu não bằng dao gamma.
Mổ não tỉnh, phẫu thuật sọ não tỉnh táo, là một phẫu thuật thần kinh được tiến hành trên bệnh nhân tỉnh táo.
III. MỔ NÃO TỈNH (awake brain surgery)
Quá trình mổ não tỉnh được tiến hành qua nhiều bước:
* Đầu tiên bác sĩ gây mê (anesthesiologist) cho vài loại thuốc an thần giúp cho bệnh nhân “êm ngủ” một số phần não bộ. Bác sĩ phẫu thuật viên thần kinh sẽ chích thuốc gây tê vùng da đầu đảm bảo bệnh nhân không đau và thoải mái.
* Vì bệnh nhân tỉnh táo, trong suốt quá trình mổ, các bác sĩ cố định đầu bệnh nhân vào một khung kim loại để giữ cho đầu đứng yên và đảm bảo độ chính xác của phẫu thuật. Một vùng tóc được cắt sạch. Một một phần hộp sọ được cắt và bảo quản để ráp lại sau khi mổ xong.
* Phẫu thuật viên hay robot phẫu thuật tiến hành cuộc phẫu thuật như bình thường. Điểm đặc biệt của mổ não tỉnh là trong khi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật thần kinh và nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ có thể hỏi bệnh nhân vài câu hỏi hoặc đưa ra các yêu cầu như xác định hình ảnh và từ trên thẻ hoặc máy tính mà bệnh nhân nhìn thấy trước khi phẫu thuật, cũng như yêu cầu thực hiện các động tác, xác định hình ảnh trên thẻ, đếm số hoặc giơ ngón tay, chơi đàn…. Và chính những phản ứng của bệnh nhân giúp bác sĩ phẫu thuật xác định và tránh tổn thương các khu vực chức năng trong não.
* Đội ngũ y tế cũng có thể sử dụng hình ảnh 3 chiều chi tiết của bộ não trên máy tính (detailed 3-D computer images) được chụp trước và trong khi phẫu thuật, bao gồm MRI trong phẫu thuật và phẫu thuật não có sự trợ giúp của máy tính, để hướng dẫn loại bỏ càng nhiều khối u não hoặc tập trung động kinh càng tốt.
* Bác sĩ gây mê và nhóm phẫu thuật theo dõi cẩn thận và đánh giá các chức năng cơ thể và não của bạn và cảnh báo bác sĩ phẫu thuật nếu phẫu thuật ảnh hưởng đến chức năng não. Khi hoàn tất ca mổ, bác sĩ gây mê sẽ ngừng thuốc an thần và cho phép bệnh nhân thức dậy hoàn toàn.
IV. NHỮNG NGUY CƠ
Cũng như mọi phẫu thuật sọ não khác, mổ não tỉnh cũng có các nguy cơ như: Thay đổi thị lực, Co giật, Khó nói hoặc học, Giảm trí nhớ, Phối hợp và cân bằng vận động kém, Đột quỵ, Phù não, Viêm màng não, Rò rỉ dịch tủy sống, Yếu cơ…
Vì thế, sau khi mổ phẫu thuật viên thường chụp MRI để đảm bảo loại bỏ khối u hoặc tổn thương thần kinh hoàn tất. Bệnh nhân được nằm hậu phẫu đặc biệt vài ngày trong bệnh viện, và có thể hoạt động và làm việc bình thường một đến ba tháng sau.
V. BÀN LUẬN
Não bộ là hệ thần kinh trung ương diều khiển mọi hoạt động của hệ thần kinh trong cơ thể con người. Do đó, các thao tác trong phẫu thuật sọ não đòi hỏi phải hết sức chuẩn xác vì đều được tiến hành sát các vùng não, các nhân, trung khu thần kinh quan trọng như trung tâm nghe, nhìn, nói…
Trong mổ não tỉnh, qua trao đổi trực tiếp với bệnh nhân, bác sĩ, phẫu thuật viên theo dõi được hoạt động não của bệnh nhân và đảm bảo được chính xác vị trí khu vực não cần phẫu thuật, và cũng giảm nguy cơ tổn thương cho các khu vực chức năng khác chung quanh.
VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Brain surgery
https://www.healthline.com/health/brain-surgery
[2] Awake brain surgery
https://en.wikipedia.org/wiki/Awake_craniotomy
[3] Awake brain surgery
[4] Awake brain surgery (Intraoperative brain mapping)
[5] Local anesthetics for brain tumor resection: current perspectives
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5798542/
[6] Can one have a brain surgery without anaesthesia?
https://www.quora.com/Can-one-have-a-brain-surgery-without-anaesthesia
[7] I was awake during my brain surgery
https://weillcornellbrainandspine.org/patient-story/i-was-awake-during-my-brain-surgery
[8] The possibility of brain surgery without anesthesia
https://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/426731
[9] Brain tumor patient plays guitar during awake craniotomy surgery
https://www.youtube.com/watch?v=a3kXCC3h1dw
[10] Mayo Clinic Minute: Awake brain surgery
https://www.youtube.com/watch?v=iB93HqL5Jjg
[11] ‘Người bệnh hát’ trong lúc được robot AI mổ não
https://thanhnien.vn/nguoi-benh-hat-trong-luc-duoc-robot-ai-mo-nao-185230813195947666.htm
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM .