Trang chủ » BÀN LUẬN » TẬP THỂ DỤC ĐÚNG: LÚC NÀO, Ở ĐÂU, BAO LÂU ?

TẬP THỂ DỤC ĐÚNG: LÚC NÀO, Ở ĐÂU, BAO LÂU ?

    I. LỜI MỞ

   Y học đã chứng minh rõ rằng tập thể dục, dưỡng sinh là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và cũng là cách phối hợp rất hiệu quả để điều trị các bệnh mãn tính ở người cao tuổi. Thường liệu trình điều trị toàn diện gồm 3 phần: điều chỉnh chế độ ăn uống, hướng dẫn chế độ vận động và dùng các thuốc đặc hiệu.

    Nhưng tập thể dục như thế nào là đúng? Tập lúc nào, ở đâu và bao lâu là có lợi ? 

      II. TẬP THỂ DỤC ĐÚNG

  Nhiều sách hướng dẫn thể dục kinh điển xưa nay, ví dụ cuốn Bắp thịt trước đã của Phạm Văn Tươi khá thân thuộc với độc giả Việt Nam, đều chỉ rõ mô hình tập thể dục đúng:

    1. Lúc nào  

  Thời gian để tập thể dục không nhất thiết phải là sáng sớm, có thể tập buổi chiều hay buổi tối, nhưng nên tập theo đúng theo giờ giấc nhất định.

                     

   2. Ở đâu

   Có thể tập thể dục ở nhiều vị trí khác nhau, trong nhà, ngoài trời miễn là nơi thoáng đãng, không ô nhiễm không khí, ánh sáng, tiếng ồn….

                   

                         Bãi biển lúc bình minh: nơi lý tưởng để  tập thể dục

  3. Bao lâu

                   

                              Thời lượng trung bình khoảng 30 phút mỗi ngày là đủ.

       III. NHỮNG LƯU Ý

    Các cụ chúng ta thường “truyền khẩu” sai lầm cho nhau rằng. tập thể dục càng sớm càng tốt; vì thế các cụ ra sức động viên nhau, bất kể mùa đông hay mùa hè, ngay từ 4, 5 giờ sáng, lúc trời còn tờ mờ, đã vội vã thức dậy, mang côn, xách gậy ra công viên, sân vườn tập thể dục… Rồi theo quy luật bù trừ, đến chiều tối các cụ lại ru rú ở nhà, xem ti vi và tranh thủ đi ngủ rất sớm cho kịp dậy hôm sau. Đây là cách tập thể dục rất sai vì: 

    1. Nhiều nghiên cứu y, sinh học cho thấy, cơ thể con người, từ những vận động viên trẻ khỏe cho đến người có tuổi, già yếu, ốm đau…khi muốn chuyển đổi từ chế độ vận động, sinh hoạt này sang chế độ khác cần có một khoảng khởi động để cơ thể “thích nghi” trước. Đang ngủ vùi trong chăn ấm, nệm êm, nếu đột ngột tung chăn nhảy ra ngoài ngay, cơ thể con người khó thích ứng kịp, có thể gây tai biến đặt biệt với người già. Càng lớn tuổi càng nên dậy thong thả, duỗi tay, duỗi chân vài cái, xoa bóp thái dương một lát, ngồi định thần vài phút rồi mới được đứng lên, ra ngoài đi tập thể dục.

     2. Theo nhịp sinh học, đồng hồ sinh học, của con người thì buổi sáng là lúc nhiệt độ cơ thể bắt đầu cao, huyết áp tăng lên, các hóc-môn tuyến thượng thận tăng tiết gấp nhiều lần. Thức dậy sớm, vận động mạnh ngay rất dễ xảy ra tai biến về tim mạch, đặc biệt là tai biến mạch máu não.

      3. Ở tất cả thực vật nói chung và cây xanh trong công viên đều có hai chu trình hoạt động: quang hợp khi có ánh sáng và hô hấp khi ở trong bóng tối. Ban ngày nhờ năng lượng của ánh sáng, diệp lục tố (chlorophyll) trong lá cây sẽ “quang hợp”: hút thán khí  (các bô níc, CO2 ) và “đồng hóa” tạo ra các chất hữu cơ đồng thời thải ra dưỡng khí (ô xy, O2); do đó ngủ ban ngày, đặc biệt là ban trưa, dưới các bóng cây to là rất tốt cho sức khỏe. Ngược lại ban đêm, khi không có ánh sáng, cây lại “hô hấp”: hấp thu chất dưỡng khí và thải thán khí ra môi trường chung quanh. Con người có thể chết ngạt khi ngủ trong một phòng tối, kín mít chất đầy cây và hoa đẹp… Do đó, nếu muốn tập thể dục hay dưỡng sinh trong công viên, dưới các tán cây cổ thụ, nhất thiết phải đợi khi mặt trời lên, khi chất diệp lục trong cây đã bắt đầu chu trình quang hợp, lúc này cây cối bắt đầu sản sinh dưỡng khí cần thiết. Ngày trước trong sách Hoàng đế nội kinh có chỉ rõ: “không có mặt trời thì không tập luyện”.

                 

  IV. TÓM LẠI 

   (1) Thời gian để tập thể dục không nhất thiết phải là sáng sớm, có thể tập buổi chiều hay buổi tối, nhưng nên tập theo đúng theo giờ giấc nhất định.

  (2) Tập nhẹ và tập đều đặn lại tốt hơn tập nặng và tập quá nhiều thời gian; tập thể dục phải khoan khoái, hít thở sâu thoải mái sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống.

   (3)  Chế độ vận động, tập luyện thể dục “lý tưởng” cho người lớn tuổi gồm 3 điểm:

   một là buổi tối nên đi ngủ vào khoảng 21 giờ đến 22 giờ. Mới 7 giờ tối đã đi ngủ đến 12 giờ đêm dậy lục sục là rất bất lợi; khoa học chứng minh rằng ngủ sâu tốt hơn ngủ nhiều, khoảng 21 giờ đêm đi ngủ thì từ 23 giờ đêm đến 3 giờ sáng là giấc ngủ sâu rất tốt cho sức khỏe;

  hai là thời gian ngủ dậy (wake up) nên là 6 giờ sáng, nhưng chỉ nên mở cửa sổ ra sân (get up and go out) từ 8-9 giờ và

    ba là nên linh hoạt mùa hè có thể ngủ sớm và dậy sớm hơn một ít, nhưng mùa đông không nên đi tập thể dục quá sớm, mà nên chuyển đổi sang tập thể dục vào buổi chiều tối thì tốt hơn.

   V. THAM KHẢO

[1] Physical activity

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/physical-activity

[2] Health Benefits of Physical Activity for Children, Adults, and Adults 65 and Older

https://www.cdc.gov/physicalactivity/basics/adults/health-benefits-of-physical-activity.html

[3] The Top 10 Benefits of Regular Exercise

https://www.healthline.com/nutrition/10-benefits-of-exercise

[4] Physical activity – it’s important

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/physical-activity-its-important

[5] Exercise: 7 benefits of regular physical activity

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/fitness/in-depth/exercise/art-20048389

[6] Benefits of exercise

https://www.nhs.uk/live-well/exercise/exercise-health-benefits/

[7] Benefits of Exercise

https://medlineplus.gov/benefitsofexercise.html

[8] Benefits of Physical Activity

https://www.niddk.nih.gov/health-information/weight-management/tips-get-active/benefits-physical-activity

[9] 10 lợi ích cho sức khỏe của thể dục

https://suckhoedoisong.vn/dung-chan-chu-ke-hoach-tap-the-duc-ma-bo-lo-10-loi-ich-cho-suc-khoe-cua-ban-169211120021814407.htm

[10] Thể dục, thể thao đúng cách – sống khỏe, sống vui 

 

                                                                                                   TS.BS Trần Bá Thoại 

                                                                                 Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM