I. LỜI MỞ
Cấy ốc tai là dùng một thiết bị điện tử có điện cực (nên còn gọi là cấy ốc tai điện tử), cắm vào trong ốc tai để thay thế các tế bào thần kinh thính giác bị hư và tạo ra các xung động thần kinh truyền lên não, giúp cho bệnh nhân nghe được.
II. ĐỊNH NGHĨA VÀ NGUYÊN LÝ
Ốc tai điện tử là một hệ thống điện tử phức tạp được cấy ghép vào bộ phận tai trong để kích thích dây thần kinh thính giác nhằm phục hồi chức năng nghe cho những bệnh nhân bị điếc sâu. Phương pháp này ra đời từ những năm 70 được áp dụng rộng rãi trên thế giới từ những năm 90 của thế kỷ hai mươi.
Cấy ốc tai là dùng một thiết bị điện tử có điện cực (nên còn gọi là cấy ốc tai điện tử), cắm vào trong ốc tai để thay thế các tế bào thần kinh thính giác bị hư và tạo ra các xung động thần kinh truyền lên não, giúp cho bệnh nhân nghe được.
Như vậy ốc tai điện tử là thiết bị biến đổi năng lượng âm thanh thành dấu hiệu điện kích thích lên thần kinh ốc tai của những bệnh nhân bị điếc sâu.
III. PHÂN LOẠI
– Loại đơn kênh hoặc đa kênh (do số lượng kênh được kích thích)
– Loại đơn cực hoặc đa cực (do dạng điện cực)
– Loại ngoài ốc tai hoặc trong ốc tai (do vị trí đặt)
IV. CHỈ ĐỊNH
– Người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên
– Chỉ tổn thương ốc tai, còn chức năng thần kinh thính giác còn bình thường
– Đã sử dụng máy trợ thính nhưng không hiệu quả
– Không có viêm nhiễm ở tai và xương chũm
– Điếc sâu: > 80dB (mất các tần số 500Hz, 1000Hz, 2000Hz)
– Sức khỏe và tâm lý bình thường, không có chống chỉ định về nội khoa, sẵn sàng hợp tác trong tập luyện để phục hồi lại sức nghe và khả năng giao tiếp trong một thời gian dài.
– Trên phim chụp CT Scan và MRI của ốc tai không có cốt hóa mê nhĩ.
V. KẾT QUẢ
Theo GS House, cha đẻ của thiết bị ốc tai điện tử, kết quả phẫu thuật có thể nói chung như sau: 25% tốt, 50% khá, 25% chưa theo ý muốn. Ở những trường hợp tốt và khá, bệnh nhân có thể giao tiếp qua điện thoại được.
Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả gồm: nguyên nhân gây điếc, tình trạng ốc tai của người bệnh, điếc trước hay sau khi hình thành ngôn ngữ, thời gian bị điếc, việc huấn luyện và dạy phát âm sau phẫu thuật…
VI. TAI BIẾN PHẪU THUẬT
Sau phẫu thuật có thể gặp các biến chứng nhẹ như chóng mặt, ù tai, nhiễm trùng vết mổ…, nặng như liệt mặt ngoại biên (vì khi mổ đặt điện cực vào ốc tai, phẫu thuật viên phải thao tác sát dây thần kinh mặt), viêm màng não, điện cực tụt ra ngoài ốc tai…
VII. ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC ĐỂ CẤY GHÉP
– Đầu tiên bệnh nhân phải được khám tại khoa Tai Mũi Họng và Thính học để làm các thử nghiệm cần thiết như đo thính lực đồ, điện thính giác thân não, chụp CT Scan, chụp MRI… để đánh giá loại điếc và xem có gì bất thường trong đường dẫn truyền và tiếp nhận thính giác từ tai lên não. Cần phải đánh giá mang máy trợ thính thật sự không mang lại hiệu quả cho bệnh nhân.
– Tiếp đó, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm tiền phẫu cần thiết cho cuộc mổ, nên khám thêm nội khoa để loại trừ các nguyên nhân chống chỉ định cho việc cấy ốc tai điện tử.
– Cuối cùng, bệnh nhân phải được phẫu thuật viên khám lại, kiểm tra lại tai được mổ, kiểm tra trên phim chụp CT Scan và MRI để xem các mốc giải phẫu cũng như cấu trúc của ốc tai cí gì bất thường không, nhằm đặt ra kế hoạch phẫu thuật, hạn chế tối đa các tai biến có thể xảy ra cho bệnh nhân trong và sau phẫu thuật.
BSCKII. PHAN VĂN DƯNG
Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng Đại học Y Dược HUẾ
VIII. THAM KHẢO