Trang chủ » Chưa phân loại » ĐỀ KHÁNG INSULIN

ĐỀ KHÁNG INSULIN

“ĐỀ KHÁNG INSULIN”

      CHÍCH INSULIN RẤT ĐÚNG !

   Câu hỏi :

       Tôi là một bệnh nhân đái tháo đường, đang khám và điều trị tại phòng khám Bảo hiểm Bệnh viện Đà Nẵng, vì bị bệnh nên tôi hay để ý đến những bài viết liên quan. Trên trang Quảng cáo của báo Nhân Dân trong bài viết “HỘ TẠNG ĐƯỜNG-BẢO VỆ TẠNG Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG” Bác Sĩ Hoàng Cương có viết: “…Điều trị bằng insulin có thể không đạt được việc kiểm soát đường huyết như mong muốn ở những bệnh nhân đã có đề kháng với insulin…Bản thân insulin cũng bị nghi ngờ là một nguyên nhân của bệnh tim mạch…” (tôi gởi kèm bảng scan).

      Xin Tiến Sĩ vui lòng trả lời tôi các thắc mắc:

(1) Đề kháng insulin là gì? Vì sao khi đã có đề kháng với insulin thì việc dung insulin không kiểm soát đường huyết hiệu quả nữa?

(2) Vì sao insulin bị nghi ngờ gây ra bệnh tim mạch?

(3) Các thuốc điều trị đái tháo đường được cho là “chính thống” hiện nay?    

thuha_116@yahoo.com

 

Trả lời:

      Đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính có rối loạn tăng đường máu, hậu quả do cơ thể chế tiết không đủ hóc môn insulin hoặc do xử dụng insulin không hiệu quả (đề kháng insulin). Bệnh được chẩn đoán chính là qua xét nghiệm đường máu tăng cao và không nhất thiết có đường xuất hiện trong nước tiểu hay không.

   1. Đề kháng insulin (insulin resistance) là tình trạng insulin bị giảm mất hiệu quả tác dụng kiểm soát đường máu so với bình thường. Bệnh nhân bị đề kháng insulin thì nồng độ insulin trong máu vẫn bình thường, thậm chí còn cao hơn mức trung bình, nhưng do đáp ứng của cá tế bào kém, do đó cơ thể bệnh nhân đái tháo đường thể 2 vẫn không kiểm soát đường máu ổn định, đường máu vẫn cao. Cần lưu ý tình trạng đề kháng insulin hoàn toàn không có nghĩa là cơ thể chống lại insulin như suy nghĩ thông thường, có lẽ tác giả bài báo đó đã suy diễn rằng “đề kháng” insulin là đồng nghĩa với “chống lại” insulin. Thật ra đây có lẽ là một ngộ nhận trong dịch thuật; đúng từ thống nhất của ngành nội tiết là “đề kháng insulin” chứ không phải là “đề kháng với insulin” như tác giả bài giới thiệu viết, để tránh hiểu nhầm cũng đã có bác sĩ nội tiết đề nghị dịch cụm từ “insulin resistance” thành “cản  insulin” hoặc “lờn insulin ”, cũng như trong vật lý người ta dịch “electric resistance” thành “điện trở” với ký hiệu quen thuộc là R.

      Có nhiều cách xác định tình trạng đề kháng insulin:

  * Đo tỉ số: Nồng độ insulin/Nồng độ glucose máu (I/G), bình thường tỉ số này có trị từ 0,3 đến 0,4 , nếu thấp hơn là có tình trạng “đề kháng insulin” và nếu cao hơn ta có tình trạng ngược lại là “cường insulin”.

  ** Các chỉ số khác như chỉ số HOMA, QUICKI…chính xác hơn nhiều, nhưng quá phức tạp nên thường chỉ được dùng trong nghiên cứu khoa học, hoặc những trường hợp bệnh lý đặc biệt, cần có chế độ chăm sóc riêng.    

      2. Insulin có gây ra bệnh tim mạch không?

   Bản chất insulin là một hóc-môn bình thường hiện hữu trong cơ thể con người chúng ta. Insulin được sinh tổng hợp và tiết ra từ các tế bào bê-ta của tuyến tụy tạng. Chúng  ta biết rằng đái tháo đường thể 1 là do tế bào bê ta hư hỏng không thể sinh tổng hợp insulin, còn đái tháo đường thể 2 xẩy ra trong hai tình huống: một là tế bào bê-ta của cơ thể không sinh tổng hợp đủ lượng insulin theo nhu cầu và hai là tình trạng đề kháng insulin khiến hóc-môn này không còn tác dụng hiệu quả, dù rằng nồng độ insulin trong máu đủ ngang bằng hay cao hơn mức bình thường. Trên lâm sàng thì bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch thật sự là bạn đồng hành với nhau. Cho nên có thể nói thật chính xác rằng tình trạng đề kháng insulin là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch mới đúng, còn bản thân hormon insulin chẳng gây ra bệnh tim mạch.       

   3. Thuốc điều trị đái tháo đường hiện nay?

    Có nhiều loại xếp trong 4 nhóm:

  (1) Hóc-môn insulin, là thuốc điều trị đái tháo đường tốt nhất và hợp sinh học nhất, đặc biệt với công nghệ gien người ta đã sản xuất được đúng insulin người 100% nên rất an toàn; khó khăn còn lại của insulin liệu pháp là bảo quản khó và chích đau, đã có nhiều nghiên cứu insulin uống, insulin dán vào da, hít vào mũi hay xịt vào miệng… tiếc thay chưa ổn định để đưa ra sử dụng đại trà.

   (2) Nhóm các thuốc kích thích tế bào bê-ta tăng tiết thêm insulin, chủ yếu là các thuốc nhóm sulfonylurea (Clazic, Diamicron, Predian…) .  

   (3) Nhóm thuốc chống lại sự đề kháng insulin hay làm tăng nhạy cảm với insulin, đại diện là metformin (Diafase, Fordia, Glucophage, Siofor…) và

   (4) Nhóm thuốc làm giảm tiêu hóa, giảm hấp thu đường glucose từ ruột. Đây là các thuốc ức chế alpha glucosidase như: acarbose (Glucor, Glucobay), miglitol (Diastabol)

 Bốn loại thuốc này, tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ chọn chỉ một loại hay phối hợp nhiều loại thuốc thích hợp cho từng bệnh nhân.

      Hiện nay, có một tình trạng cần cảnh báo là có quá nhiều quảng cáo, tiếp thị sai và quá mức về thực phẩm chức năng”. Cần lưu ý là mỗi căn bệnh thích hợp với một số thực phẩm nào đó, và chúng ta có thể dùng chúng để phối hợp, hỗ trợ điều tri bệnh. Bản thân các thực phẩm này không phải là thuốc, dứt khoát không thể dùng chữa bệnh thay thế thuốc chuyên khoa.