Trang chủ » Chưa phân loại » UNG THƯ TUYẾN GIÁP

UNG THƯ TUYẾN GIÁP

    Câu hỏi

Tôi năm nay 27 tuổi, nữ, cân nặng ổn định ở mức 50 kg (trước khi mang thai), cao 1,64m. Năm 2000 tôi bị ung thư tuyến giáp ( K giáp dạng nhú), mổ năm 2000, sau đó tiếp tục điều trị bằng I131 qua 5 năm tại bệnh viện Chợ Rẫy, theo như bác sĩ điều trị cho biết thì tôi có một số hạch di căn ở cổ và đã hết sau các đợt điều trị, chỉ còn lại 1 hạch bị xơ cứng không làm mất đi được, và cũng không còn nguy hiểm gì cho tôi. Năm 2008, bác sĩ điều trị tuyên bố tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn. Hiện tại tôi đang dùng  Levothyrox 100, mỗi ngày 1,5 viên. Tháng 3 năm 2009, tôi thông báo cho bác sĩ điều trị của mình rằng tôi có thai, và liệu tôi có nên đi khám lại? Bác sĩ điều trị khẳng định rằng điều đó không cần thiết và khuyên tôi giữ nguyên liều 1,5 viên/ngày. Tôi không dám cãi lời nhưng rất lo lắng vì theo nhiều tư liệu tôi tìm hiểu, nhu cầu hoc môn giáp của phụ nữ trong thời kỳ mang thai sẽ tăng lên, nghĩa là tôi nên uống liều cao hơn. Nhưng với sự khẳng định của bác sĩ điều trị là không cần xét nghiệm lại hay tăng liều từ lúc tôi mang thai tới giờ, tôi vẫn lo lắng vô cùng. Hiện thai đã được 30 tuần, tôi vẫn dùng 1,5 viên Levothyrox 100 mỗi ngày. Tôi có nên đi xét nghiệm bịnh tình lại không? Có trễ quá không? Con tôi có bị ảnh hưởng gì không? Có loại thức ăn nào bổ sung hóc môn giáp không? Cảm ơn các bác sĩ đã lắng nghe tôi và giúp tôi.

    Best regards,     

     An Duong

    Trả lời

    Ung thư biểu mô dạng nhú chiếm đến 80% số ca ung thư tuyến giáp. Thường ung thư nhú này thuộc loại bình giáp, có nghĩa là nồng độ hócmôn tuyến giáp ở mức bình thường, u nhú tương đối “hiền” và tiến triển điều trị thường “khả quan” hơn so với các loại u khác.

      Điều trị tối ưu của ung thư giáp hiện nay là phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp (PTCG), hổ trợ bằng xạ trị iode phóng xạ (I 131 ) để tiêu diệt các chủ mô tế bào tuyến giáp còn sót lại hay đã di căn ra nơi khác và sau đó điều trị bằng hócmôn tuyến giáp thay thế (HRT).

     Chất iode, kể cả iode phóng xạ, một khi được đưa vào cơ thể, thì có đến 99% được tế bào tuyến giáp bắt giữ (up take), chỉ 1% còn lại phân tán khắp toàn thân; do đó khi điều trị iode phóng xạ lượng phóng xạ đến các cơ quan khác là quá nhỏ, không đáng kể, vả lại dù chưa có bằng chứng về quái thai và ung thư nhưng để an toàn y học chỉ cho phép phụ nữ tuổi sinh có thai 2 năm sau khi điều trị iode phóng xạ.

      Liệu pháp HRT nhằm hai mục đích: bù lại sự thiếu hụt các hócmôn tuyến giáp như khi chưa PTCG và ức chế sự tiết hócmôn TSH từ tuyến yên, vì TSH sẽ kích thích các mô tế bào tuyến giáp còn lại phát triển (tái phát). Liều L-Thyroxin (Levothyrox) trung bình từ 100 đến 200µg/ ngày, nhiều tác giả khuyên nên điều trị với liều cao, nếu bệnh nhân “chịu” được, để có nồng độ TSH trong giới hạn bình thường (0,4µU/mL) sẽ tốt cho bệnh nhân hơn.    

      Tuyến yên (não bộ) thông qua hócmôn TSH điều khiển tuyến giáp (sản xuất hócmôn tuyến giáp). Do đó, chức năng tuyến giáp được kiểm tra qua: một là các hócmôn tuyến giáp T3, T 4 , fT 3 , fT 4 cũng như hócmôn tuyến yên TSH và hai là siêu âm để xem cấu trúc, kích thước của tuyến giáp. Những xét nghiệm, thăm dò này hiện nay hầu như các bệnh viện tỉnh, thành phố đều làm được.

      Như vậy bạn đã được chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn rất chuẩn mực. Việc có thai theo tôi chắc chắn sẽ là an toàn, thuận lợi cho cả mẹ lẫn con.

     Về câu hỏi liều hócmôn tuyến giáp bạn đang được dùng đã đủ hay chưa? Theo lý thuyết thì khi có thai tuyến giáp có hơi “tăng năng” (cường giáp), nhiều bệnh lý sản khoa như thai trứng, u buồng trứng, u màng nuôi… cũng làm cường giáp. Để kiểm tra liều lượng Levothyrox đủ hay chưa quá dễ dàng: xét nghiệm nồng độ các hócmôn liên quan.

      Một điều bạn hết sức lưu ý là hócmôn tuyến giáp rất quan trọng cho phát triển của thai nhi cũng như đứa trẻ về sau này. Suy giáp bẩm sinh là một bệnh rất nặng, ảnh hưởng cả tương lai phát triển thể chất và tinh thần đứa trẻ, nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị đúng đắn đứa trẻ sẽ hoàn toàn bình thường; may mắn là “sàng lọc” bệnh suy giáp bẩm sinh rất dễ dàng với phương pháp đo TSH trong “giọt máu gót chân” trẻ sơ sinh, hiện nay quá phổ cập trong bệnh viện, tất cả em bé với mẹ có bệnh tuyến giáp như bạn bắt buộc phải sàng lọc ngay khi mới lọt lòng.

     Câu hỏi cuối cùng là có thức ăn nào bổ sung hócmôn giáp hay không? Câu trả lời là không, thức ăn cung cấp iode và axít amin tyrosin là hai “nguyên liệu” đầu vào để sinh tổng hợp hócmôn giáp.