Trang chủ » Chưa phân loại » INSULIN “KHÔNG CHÍCH”

INSULIN “KHÔNG CHÍCH”

oral-lyn

 

 

exubera-pfizer     

 

INSULIN XỊT: HƯỚNG MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG!

       TS. BS TRẦN BÁ THOẠI (Bệnh viện ĐÀ NẴNG)

   Chích insulin là phương cách duy nhất để điều trị đái tháo đường thể 1 hay “đái tháo đường lệ thuộc insulin” vì lúc này các tế bào bê-ta của tụy tạng đã hư hỏng không còn khả năng sinh tổng hợp insulin được nữa. Trong đái tháo đường thể 2 còn được gọi là “đái tháo đường không lệ thuộc insulin” có thể dùng thuốc uống để điều chỉnh đường máu. Thuốc được uống vào cơ thể nhằm các mục đích: (1) kích thích tế bào bê-ta chế tiết them insulin hoặc (2) giúp tế bào nhạy cảm hơn insulin và cuối cùng là (3) làm giảm sự hấp thu chất glucose từ đường ống tiêu hóa. Về sinh lý học, thật ra người đái tháo đường thể 2 ngay lúc mới được phát hiện thì chức năng tế bào bê-ta đã có phần suy giảm chỉ còn khoảng 60 phần trăm bình thường và dù được điều trị ổn định thì 5 hay 6 năm sau chức năng cũng suy tiếp chỉ còn lại khoảng 20 phần trăm mà thôi, do đó muốn hay không người bệnh cũng phải cần thêm insulin để bù vào khoản thiếu hụt và lúc này được gọi là đái tháo đường thể 2 cần insulin. Ngoài ra trong một số tình huống người đái tháo đường thể 2 phải cần insulin khác như : (1) không kiểm soát tốt đường huyết bằng thuốc uống (2) đường máu tăng quá cao với nguy cơ hôn mê tăng áp lực thấm thấu đe dọa (3) có rối loạn chất điện giải, rối loạn toan kiềm (4) đang điều trị người bệnh có thai (5) bị suy gan, suy thận (6) có một nhiễm trùng nặng, chịu phẫu thuật, có stress bệnh lý… (7) không uống thuốc được vì cảm tính hay vì bị dị ứng, không dung nạp thuốc. Do đó có thể nói rằng ranh giới giữa thể 1 và thể 2 là không cứng nhắc và hầu như về lâu về dài chắc chắn tất cả bệnh nhân đái tháo đường đều cần phải dùng insulin.

      Trên góc độ dược lý lâm sàng thì việc dùng insulin thật ra là tối ưu, phù hợp sinh học nhất và gần như không có tác dụng độc cho người bệnh. Nhưng kèm theo đó chích insulin kéo theo nhiều vấn đề bất tiện và khó chịu cho bệnh nhân: bị đau đớn; bị teo, viêm da cơ vùng chích thuốc; chế độ chích thuốc dĩ nhiên là khó chịu hơn là dùng thuốc đường uống; hơn nữa chích insulin bao giờ cũng phải tốn thời gian, mất công sức và cuối cùng lọ thuốc insulin chích bao giờ cũng khó bảo quản hơn so với các loại thuốc viên.

      Trước những phiền hà, khó chịu khi dùng insulin chích nhiều nhà khoa học và hãng dược phẩm đã đầu tư nghiên cứu cải tiến, bước đầu đã có một số kết quả khích lệ: Trước đây insulin được chiết từ tụy tạng của heo, với độ tinh khiết không cao nên có nhiều phản ứng phụ không mong muốn nhưng ngày nay với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bực, đặc biệt sự ra đời của công nghệ gien (gene engineering) nhiều hãng dược phẩm đã sản xuất được insulin chất lượng rất tốt, hoàn toàn tinh khiết, không lẫn tạp chất lại giống hệt 100% như insulin “người” nên loại insulin này hoàn toàn dung nạp tốt, tương thích tốt cho tất cả mọi bệnh nhân. Ngay cả cách chích insulin cũng được cải tiến, theo phác đồ kinh điển insulin phải được chích đến 4 mũi mỗi ngày (3 mũi nhanh và 1 mũi chậm) rất phiền phức, đau đớn cho bệnh nhân, dạng insulin hỗn hợp (mixtard insulin ) mới cho phép rút lại chỉ còn 2 hoặc 1 lần chích trong ngày.

       Đã có nhiều dạng “insulin không chích” khác (non-injectable insulins) được nghiên cứu như: insulin dán trên da, bơm insulin liên tục, cấy ghép tế bào bê-ta, cấy ghép tụy tạng, gần đây nhất là các chế phẩm insulin hít qua mũi insulin xịt vào vòm miệng.

    Chúng ta có quyền hy vọng một ngày không xa nữa bệnh nhân đái tháo đường sẽ được dùng insulin nhiều lần trong ngày bằng đường “không chích” rất phù hợp sinh học, gần như không có tác dụng phụ nào, dĩ nhiên là không đau đớn gì cả vì chẳng cần biết đến cây kim tiêm ống chích như trước đây.   

 

 

    Nhiều hãng dược phẩm lớn đã và chạy đua để tung ra thị trường  các dạng insulin“không chích” .

    Một loạt sản phẩm insulin hít qua đường hô hấp đã đi đến giai đoạn thử nghiệm cuối; một sản phẩm hít tên Exubera của Pfizer và Sanofi đã được trình lên FDA ( Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ) xét duyệt.

    Hình 1: Bình xịt Exubera của Pfizer (insulin xịt vào mũi)

 

     Bentley đã nhượng quyền sản xuất “insulin hít qua mũi” độc đáo của mình cho hãng Biocon của Ấn độ để tung vào thị trường của 85 nước từ châu Á, châu Phi và Trung Đông. Bentley cũng sẽ nhượng quyền cho Dong Sung Hàn quốc sản xuất dược phẩm này. 

      Công ty Generex Biotechnology của Canada đã cho ra đời Oral-Lyn, là một dạng insulin xịt vào miệng. Sau kết quả lâm sàng khả quan năm 2005 tại Ecuador, Generex đang đưa vào thử nghiệm điều trị ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

     Hình 2: Bìnhxịt Oral-Lyn của Generex (insulin xịt vào miệng)