HIỆU SỐ NỒNG ĐỘ ESTRADIOL TRONG
NGHIÊN CỨU CHỨC NĂNG SINH DỤC NỮ
TS.BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng)
1.Đại cương về estrogens
Estrogens có cấu tạo nhân steroid, ở nữ chúng được chế tiết từ các tế bào lớp trong và lớp hạt của noãn nang, hoàng thể, nhau thai và một lượng nhỏ từ thượng thận. Mô nền của buồng trứng cũng có thể chế tiết một lượng ít androgen và estrogen trong giai đoạn tiền mãn kinh.
17b estradiol là thành phần nhiều nhất của các estrogen có sự cân bằng động giữa estradiol và estrone. Estrone chuyển hóa tiếp thành estriol.
Khi lưu thông trong máu chỉ 3 % estradiol ở dạng tự do, phần còn lại kết hợp với protein vận chuyển trong đó 60% với albumin và 37% với GBG (Gonadal steroid Binding Globulin). GBG cũng vận chuyển gắn kết với testosterone.
Ở gan các estrogen (E1, E2 và E3) được oxy hóa và liên hợp với glucuronide hoặc sulfate. Một lượng lớn bài tiết ra đường mật được tái hấp thụ vào máu (tuần hoàn ruột gan). Có đến cả 10 chất chuyển hóa của estradiol được thải ra trong nước tiểu .
2.Chế tiết estradiol theo chu kỳ kinh nguyệt
Nồng độ Estradiol huyết tương thay đổi từng ngày trong một CKKN.
Biểu đồ: Chế tiết E2 trong CKKN
Tất cả các estrogen được chế tiết từ buồng trứng và có hai đỉnh tiết:
*trước khi rụng trứng và
*khoảng giữa pha hoàng thể.
Estradiol được tiết 0,07mg/ngày (0,26mmol/ngày) trong những ngày đầu của pha noãn nang, tăng lên khoảng 0,6mg/ngày trước khi rụng trứng và chỉ còn lại 0,25mg/ngày khoảng giữa pha hoàng thể.
Sau mãn kinh estrogen còn được tiết ra – từ những nơi khác ngoài noãn nang – nhưng với số lượng ít hơn rất nhiều. Ở đàn ông tinh hoàn, tuyến thượng thận cũng có tiết estradiol nhưng rất thấp 0,05mg/ngày (0,18mmol/ ngày)
3. Hiệu số nồng độ Estradiol trong nghiên cứu khoa học
Trong các nghiên cứu về sự biến đổi nồng độ của một hằng số sinh học trong cơ thể, thông thường chúng ta hay so sánh trị số tuyệt đối giữa nồng độ của mẫu và nồng độ của chuẩn (hoặc chứng).
Với những chất sinh học có nồng độ thay đổi theo một thông số khác, như theo đổi theo thời gian chẳng hạn thì chúng ta phải so sánh trong cùng điều kiện thời gian nghiên cứu. Ví dụ chúng ta phải so sánh glucose máu (G) cùng khi đói (G0 mẫu với G0 chứng) , cùng 2 giờ sau ăn (G2 mẫu với G2 chứng), cũng vậy với G trong nghiệm pháp dung nạp glucose hoặc G bất kỳ (Gc ) giữa mẫu và chứng trong cùng điều kiện.
Vì nồng độ estradiol thay đổi từng ngày trong cả chu kỳ kinh nguyệt, cho nên nồng độ rất cao của ngày này lại có thể là rất thấp so với ngày khác. Do đó trong các công trình khoa học nghiên cứu nồng độ estradiol chúng ta nên xử dụng hiệu số nồng độ estradiol ( ∆E2), tức là hiệu số nồng độ E2 mẫu trừ với E2 chuẩn có đúng cùng ngày trong chu kỳ kinh nguyệt, ví dụ tính ∆E2 ngày thứ 10 = E2 mẫu 10 – E2 chuẩn 10, như thế đánh giá sự thay đổi nồng độ estradiol huyết thanh bệnh nhân phù hợp và chính xác hơn.
Việc xử dụng hiệu số nồng độ estradiol giúp chúng ta giải quyết được hai vấn đề lớn : một là giảm đáng kể số lượng bệnh nhân cần phải chọn lựa, vì nếu so sánh trị tuyệt đối từng ngày chúng ta phải cần nghiên cứu trên cả ngàn bệnh nhân kết quả mới có ý nghĩa thống kê. Khi số lượng bệnh nhân giảm bớt thì thời gian nghiên cứu và chi phí xét nghiệm cũng được tiết kiệm nhờ đó tính khả thi sẽ lớn hơn và hai là nhờ định lượng nồng độ estradiol suốt cả chu kỳ kinh nguyệt chúng ta sẽ có cái nhìn khái quát hơn về sự thay đổi nồng độ hormone này.