Trang chủ » Chưa phân loại » CHÁY NHÀ RA MẶT CHUỘT

CHÁY NHÀ RA MẶT CHUỘT

     Mấy ngày nay nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về “tái cơ cấu” VINASHIN vì làm ăn thua lỗ. Người ta đỗ vấy cho nhiều lý do khách quan: suy thoái kinh tế toàn cầu, tái cấu trúc để phát triển.v.v.. Trên Bauxite VN sáng nay có đăng bài hay, xin post lại…

   Trần Bá Thoại

……………………………………………..

03/07/2010

TRÍ THỨC CHUYÊN NGÀNH ĐÃ CẢNH BÁO VỚI BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT VỀ VINASHIN TỪ ĐẦU NĂM 2007

KS Doãn Mạnh Dũng

      Ngày 30-1-2007, khi Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng gặp các cựu quan chức Bộ GTVT chúc Tết, anh Phạm Quang Vinh nguyên Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ GTVT đăng ký cho  Chi hội Khoa học kỹ thuật Biển TP HCM (nay gọi là Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TP HCM)  đuợc gặp  Bộ trưởng. Sau buổi chúc Tết , ông Hồ Nghĩa Dũng tiếp đoàn gồm bốn người, tại 35 Hàn Thuyên, TP HCM. Cùng tham dự có anh Phạm Quang Vinh, anh Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Chi Hội KHKT Biển TP HCM (nguyên Giám đốc ĐHGTVT TP HCM , anh Ngô Lực Tải – Phó Chủ tịch Chi hội KHKT Biển TP HCM (nguyên Giám đốc Sở GTVT TP HCM) và tôi.

     Tại cuộc họp ông Phạm Hồng Sơn, ông Ngô Lực Tải và ông Phạm Quang Vinh bày tỏ sự lo lắng về việc đầu tư  dàn trải và thiếu hiệu quả của Vinashin.

     Cách trình bày của anh Sơn, anh Tải và anh Vinh với Bộ trưởng rõ ràng và đầy thiện chí vì sự nghiệp phát triển GTVT của đất nước.

     Rất tiếc Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã thiếu trách nhiệm chuyển tải tư tưởng này lên Thủ tướng Chính phủ. Hậu quả chúng ta hôm nay đón nhận là phải giải cứu Vinashin bằng cách xẻ thịt “em yêu Vinashin”  ra “ba phần tươi đỏ”: “phần nhiều như Hoa sen cho Vinalines”,  phần cho Petro Việt Nam và “phần nhỏ xinh xinh cho em yêu Vinashin”. Có người hỏi tại sao không công bố “phá sản” theo luật doanh nghiệp?

     Mọi tổn thất đều đổ cho khủng hoảng kinh tế và năng lực như mua tàu Hoa Sen. Nhưng thực chất không phải thế. Chúng ta hãy phân tích một vụ đầu tư sau:

     Cán bộ trong ngành hàng hải đều biết trong hệ thống quy hoạch Cảng Biển Việt Nam không hề có cảng nước sâu Hải Hà. Vì khu vực này không có tiềm năng nguồn hàng, không có tiềm năng tự nhiên của cảng nước sâu, lại chỉ cách đường biên giới Việt Trung chưa đến 20 km. Vậy mà Vinashin bày ra đây là cảng nước sâu và đưa lãnh đạo Chính phủ  nhiều lần đến Hải Hà. Ông Ngô Lực Tải, nguyên Thuyền trưởng tức quá từ TP HCM ra Hải Phòng tìm cách đến tận Hải Hà để xem họ làm “trò gì đây”. Cuối cùng cái trò đó đã lòi ra là “chẳng có cái trò gì cả ngoài chiếc bánh vẽ để móc tiền ngân sách”.

     Kẻ dốt nhất cũng hiểu rằng không bao giờ  Trung Quốc đưa hàng từ bên kia Móng Cái đến cảng Hải Hà. Nếu có xây dựng khu công nghiệp Hải Hà thành khu công nghiệp hiện đại thì khi “trái gió trở trời” từ bên kia biên giới họ nã đại bác qua như 10 năm xưa  (1979-1989)  thì… Cách làm của Vinashin chẳng qua là để sử dụng tiền chùa ngân sách một cách hợp pháp, mà người không có chút kiến thức nào trong ngành hàng hải cũng hiểu được. Nhưng cuối cùng họ vẩn thành công, vẫn sử dụng đựoc tiền chùa. Thế mới lạ?!!! Hôm nay sau khi tiêu hết đồng tiền cuối cùng thì họ lại được lệnh bàn giao để ra đi “tìm dự án  mới”.

    Khi ý kiến của giới trí thức bị bỏ ngoài tai và khi mục tiêu của các dự án không vì lợi ích của dân mà vì lợi ích nhóm thì hậu quả sẽ khôn lường đối với nền kinh tế cùng sự tồn vong của đất nước.