Vừa qua có một sự kiện tốn khá nhiều giấy mực: Tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh.
Theo nhiều thông tin thì rõ ràng có 2 việc: một là bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Ngọc Ân là bằng tiến sĩ “dổm”, không có giá trị khoa học gì, nhưng đây đúng là bằng thật không phải là giả và hai là ai là người đã chi trả 17.000 USD để đi mua cái bằng dổm này, ông Ân tự bỏ túi hay lại lấy từ ngân sách nhà nước để “nâng tầm” cán bộ ?
Anh Ân ơi, dù sao anh cũng có quyền khoe cái bằng dổm này và về nguyên tắc nhà nước không tịch thu được vì nó chính là cái bằng thật, dĩ nhiên chẳng ai công nhận và trọng dụng cái dổm đâu !!!
Anh cũng nên yên tâm vì ở cái nước Pakistan còn tệ hơn nước ta nhiều, quan chức ở đó họ còn dùng bằng giả tràn lan, đặc biệt còn tệ hơn anh là có nhiều người làm đồ án tốt nghiệp ở các trường đại học “ma”, không tìm ra trên thế giới…
Ngày 01/07/2010, 08:30:32 (GMT+7)
CHÍNH TRƯỜNG PAKISTAN RÚNG ĐỘNG VÌ BẰNG GIẢ
TT – Gần 200 nghị sĩ Pakistan có nguy cơ mất chức, thậm chí phải hầu tòa vì tội dùng bằng cấp giả sau phán quyết mạnh mẽ của Tòa án tối cao Pakistan. Trong số các nghị sĩ bị điều tra bằng cấp có cả Thủ tướng Yusuf Raza Gilani.
Giữa tuần qua, Tòa án tối cao Pakistan đã yêu cầu chính quyền Islamabad phải sa thải tất cả nghị sĩ dùng bằng cấp giả để đăng ký tranh cử và giành chiến thắng. Tòa án tối cao cũng đã ra lệnh cho Ủy ban bầu cử quốc gia kiểm tra bằng cấp của gần 1.100 nghị sĩ cấp liên bang và địa phương, chiếm 10% tổng số nghị sĩ trong cả nước.
Theo Tòa án tối cao, Ủy ban bầu cử sẽ phải “có hành động trừng phạt” những kẻ sử dụng bằng cấp giả, vụ sử dụng bằng cấp giả này phải được giải quyết trong vòng ba tháng. Ủy ban bầu cử cho biết sẽ gửi bằng cấp của các nghị sĩ đến các trường đại học để kiểm chứng. Bằng cử nhân của Thủ tướng Gilani đã được gửi đến ĐH Punjab.
“Bằng nào chả là bằng”
Vụ bê bối bằng giả xuất phát từ tỉnh Balochistan và trở thành cơn địa chấn lan khắp cả nước. Ban đầu, phe đối lập ở Balochistan cáo buộc 17 trong tổng số 20 nghị sĩ của tỉnh sử dụng bằng giả. Nguồn tin từ truyền thông địa phương cho biết phó chủ tịch Thượng viện Pakistan Jan Muhammad Jamali đã xác nhận cáo buộc trên là có thật.
Áp lực dữ dội từ giới truyền thông và công chúng đã khiến nhiều nghị sĩ ở Balochistan có phản ứng nóng nảy và… sai lầm. “Một cái bằng là một cái bằng – lãnh đạo tỉnh Balochistan Nawab Aslam Raisani, người từng khoe có bằng tiến sĩ khoa học chính trị, gào lên trước các phóng viên trong một buổi họp báo hôm 29-6 – Thật hay giả thì cũng là bằng. Có cái gì khác biệt đâu”.
Xìcăngđan bắt nguồn từ một điều luật do cựu tổng thống Pervez Musharraf thông qua năm 2002. Khi đó, ông Musharraf buộc mọi ứng viên tranh cử chức nghị sĩ phải có bằng cử nhân trở lên như một biện pháp cần thiết để nâng cao trình độ và chất lượng công việc của giới nghị sĩ.
Nhưng phe đối lập đã cáo buộc đây là độc chiêu của ông Musharraf nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị và còn là chính sách phi dân chủ, bởi ở Pakistan, một đất nước 180 triệu dân, chỉ có vỏn vẹn 50% người trưởng thành biết đọc biết viết. Trước đây, các mối quan hệ họ tộc hoặc những thành công trong lĩnh vực kinh doanh mới là yếu tố quan trọng để giúp các cá nhân bước chân vào chính trường. Học vấn là chuyện thứ yếu.
Tòa án tối cao Pakistan đã bãi bỏ điều luật của Tổng thống Musharraf từ tháng 4-2008. Tuy nhiên, do cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 2-2008 nên luật vẫn còn hiệu lực. Vì thế mới xảy ra tình trạng hàng trăm ứng viên đã làm bằng giả để tham gia tranh cử.
Một số nghị sĩ đang vận động quốc hội thông qua một luật “tha bổng” cho các nghị sĩ dùng bằng giả. Tuy nhiên, giới quan sát và truyền thông Pakistan bình luận biện pháp đó chỉ càng làm hoen ố thêm hình ảnh của giới chính khách cầm quyền. “Người dân chỉ có thể than thở và tiếc nuối vì đã bầu những kẻ lừa đảo này vào quốc hội”, một lá thư đăng trên báo tiếng Anh The News viết.
Trong khi đó, chủ tịch hội đồng giáo dục quốc hội Abid Sher Ali cho rằng Pakistan cần dẹp bỏ nạn bằng giả để xây dựng đất nước và khôi phục niềm tin của người dân. “Quốc gia phải hi sinh một số cá nhân để phát triển, do đó chúng ta không được phép sợ hãi tình huống này” – ông Ali tuyên bố.
Các trường đại học tưởng tượng
Mới đây, Ủy ban Giáo dục đại học Pakistan tiết lộ những điều tra ban đầu cho thấy có tới 160 nghị sĩ đã dùng bằng giả, trong đó có 56 nghị sĩ đảng đối lập PML-N và 41 nghị sĩ đảng cầm quyền PPP. Ủy ban Giáo dục đại học công bố bốn trường hợp điển hình là các nghị sĩ đến từ tỉnh Balochistan đều có bằng từ các trường đại học nước ngoài “chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng”. Nghị sĩ Shama Parveen Magsi khai lấy bằng cử nhân Trường đại học quốc tế Mỹ – London (Anh) từ năm 2005, nhưng trên bằng ghi rõ ngày cấp là ngày 30-11-2007 và không ai biết Trường đại học quốc tế Mỹ – London là trường nào. Nghị sĩ Israrullah Khan cũng có bằng của Trường đại học quốc tế Mỹ – London.
Nghị sĩ Rubina Zafar Zehri khai lấy bằng cử nhân Viện Quản lý và công nghệ thông tin, quốc phòng MiTech ở Lahore, nhưng ở Lahore chẳng có trường nào như vậy. Hài hước hơn, nghị sĩ Humayun Aziz có bằng “cử nhân quản trị kinh doanh trong ngành tiếp thị” do trường “Đại học Lửa quốc tế” cấp năm 1999. Ủy ban Giáo dục đại học Pakistan đã xác định các trường trên đều là trường dỏm, do đó bằng cấp cũng là bằng dỏm.
Mới đây, một số nghị sĩ Đảng PML-N đã nộp đơn từ chức vì sử dụng bằng giả. Trong đó phải kể đến một trường hợp nổi bật là nghị sĩ Rana Mubashir Iqbal. Ông này trưng tấm bằng xịn của ĐH Punjab danh tiếng ở Lahore. Nhưng cuộc điều tra sau đó cho thấy đây là tấm bằng trường ĐH này cấp cho một người trùng tên với ông Rana Mubashir Iqbal. Một nghị sĩ khác tên Jamshed Dasti cũng vừa bị trục xuất khỏi quốc hội vì dùng bằng giả. Mới đây, chủ tịch Đảng PML-N Nawaz Sharif kêu gọi các nghị sĩ dùng bằng giả tự giác từ chức để tránh sự nhục nhã khi bị cơ quan điều tra sờ gáy.
Trong vụ xìcăngđan này, ngay cả Tổng thống Asif Ali Zardari, chủ tịch Đảng PPP, cũng bị bêu riếu. Chẳng là ông Zardari thường tự hào với tấm bằng cử nhân từ một trường kinh doanh ở London, nhưng đến nay ông vẫn chưa đưa ra được tấm bằng nào để chứng minh học vị của mình. Tuy nhiên, giới quan sát cho biết ông Zardari sẽ không bị điều tra hoặc mất chức bởi ông được bầu sau khi Tòa án tối cao đã bãi bỏ luật đòi hỏi bằng cấp.
HIẾU TRUNG (Theo AP, Pakistan Observer, Pakistan Tribune)